Có cô gái xa quê về thăm làng…

Con hẻm nhà tôi dài chừng 500 mét, có tám hộ dân sinh sống. Ở xứ Quảng quê tôi, nhà nào cũng vườn tược rộng rãi, trước ngõ mỗi nhà đều có hàng chè tàu thẳng tắp, chạy dài vào sân.

Cái “xì tai chè tàu” ấy, lớn lên tôi đã thấy, ít ra nó tồn tại cũng đã 45 năm rồi. Sau này, có những hộ xây cất nhà cửa đẹp đẽ, lộng lẫy, nhưng vẫn giữ lại cái “xì tai chè tàu” như giữ nét đẹp chân quê, không gì có thể thay thế được.

Đám con trai lớn lên, lần lượt từng “lớp” rời làng ra phố mưu sinh (cũng có vài nhà “cắm” một người con trai ở lại chăm sóc ba mẹ). Con gái, có người mưu sinh xa nhà, nhưng phần nhiều rời làng vì đi lấy chồng, thành thử trong hẻm, người già nhiều hơn người trẻ.

Tám hộ gia đình trong hẻm đều mang chung một họ, sống gắn bó, chan hòa, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhớ những năm ba tôi khuất bóng, mỗi trận lụt về, người con trai “cắm dùi” của thím Quý thường chạy lên dọn lụt giúp mẹ tôi, còn dặn “Bác gặp chuyện gì cần giúp đỡ thì gọi to con một tiếng, con nghe là chạy lên liền”.

Tôi ở Sài Gòn, thành phố rộng lớn, hoa lệ, nhưng lòng tôi cứ mải hoài niệm quê nhà. Có những lúc nhớ quay quắt con hẻm, nhớ từ thời hẻm rợp bóng tre nhớ đi.

Chiều nay trên Facebook, có cô gái quê về thăm làng. Tấm hình cô chụp trên con đường làng thật duyên dáng, thu hút người nhìn, và dĩ nhiên nhận nhiều bình luận tích cực. Cô gái ấy quả là biết khiêu khích người khác phải gõ phím thổn thức. Người hỏi cô về quê khi nào, kẻ đòi “đóng thuế” vì cô chụp hình trước ngõ người ta, người thì khen cô trẻ đẹp, khen cái áo vàng rực rỡ dưới nắng Thu.

Người làng vui mừng khi con cháu, họ hàng về thăm quê đã đành, người phương xa nghe tin có kẻ về quê lại càng mừng. Giống như đang có người thay mình về thăm quê vậy. Chỉ cần một người về làng, là con hẻm nhỏ rộn ràng cả lên. Thời đại công nghệ, thông tin nhanh nhạy, chỉ cần nhấp chuột là mọi thứ thu gọn trong tầm mắt. Như tấm hình của cô trên Facebook chiều nay. Nhìn hình, là biết làng quê đang yên bình. Ánh nắng xuyên xuống con đường bê tông, nhưng là nắng Thu, không quá rực rỡ, mà dịu dàng dang tay đón cô gái trở về. Thật ra cô đã là một phụ nữ ngoài 40, nhưng vì rất xinh, nên tôi ưu ái gọi cô là cô gái.

Nếu ngày trước hai bên đường bóng tre rợp mát, thì nay là những cọc bê tông vững chãi, sơn trắng xuyên suốt con hẻm, phía trong hàng rào toàn chuối là chuối. Những hàng chuối in bóng trải xuống đường, làm dịu nắng. Facebook chiều nay rộn ràng vì cô! Cô thật có lý khi không chịu “đóng thuế” chụp hình, mà còn… kể công: nhờ cô mà đường làng mình đẹp hơn. Đúng là, phụ nữ đẹp thì sẽ thêm tự tin.

Ở phố, người đã chán ngấy cảnh kẹt xe, ngập nước, khói bụi, tiếng ồn, nên chỉ cần hình ảnh đường làng “lên sóng”, là Facebook “dậy sóng”. Chỉ độ mười người tham gia bình luận, mà có cả hàng trăm lời chia sẻ buồn vui lẫn lộn. Người thì hoài niệm dĩ vãng, người thăm hỏi chuyện quê nhà.

Làng quê tôi dù có nhiều thay đổi, nhưng sự bình yên, ấm áp, giản dị vẫn mãi không bao giờ đổi thay. Có một điều mà mọi người “hè” nhau là, sẽ cùng khăn gói trở về quê khi con cái trưởng thành, để được cùng chung sống trong con hẻm nhỏ giữa làng như những ngày trẻ dại. Ngày ấy chẳng còn xa, vì chúng tôi tuy chưa già nhưng đã không còn trẻ. Con cái chúng tôi sẽ ở lại phố phường, cha mẹ già lại về với quê hương.

Khánh Thi

Theo Quảng Nam Online

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nguoi-quang-xa-que/201911/co-co-gai-xa-que-ve-tham-lang-880416/index.htm

Cùng chuyên mục