Chuyển đổi số không phải phép màu
Nhiều công ty nghĩ chuyển đổi giống như bụi tiên: rắc một ít xung quanh văn phòng là họ đã sẵn sàng đối mặt với thế giới “đổi mới” này.
Michael Bruck – cựu chánh văn phòng cho Andrew Grove, cựu CEO Intel và hiện là Giám đốc quản lý của Vacuumlabs Asia, chia sẻ quan điểm về chuyển đổi số với SCMP.
Thuật ngữ chuyển đổi số đang được nhắc nhiều tới mức dần trở nên sáo rỗng. Ban đầu chương trình này được đặt ra để nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty và tổ chức trong việc nắm bắt công nghệ, tạo nên sự thay đổi. Chuyển đổi số sau đó trở thành thuật ngữ rộng đến mức nó có nghĩa là hầu hết mọi thứ.
Đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các công ty khởi nghiệp số, các công ty truyền thống cuối cùng cũng nhận ra rằng họ không thể phụ thuộc vào những thứ như máy fax nữa. Nhiều bên dường như nghĩ chuyển đổi là một loại bụi thần tiên: rắc một ít xung quanh văn phòng, thế là công ty của họ đã sẵn sàng đối mặt với thế giới “đổi mới” này.
Tuy nhiên, chuyển đổi số hoàn toàn không phải như vậy. Những gì nó mang đến là cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng, giống điện và nước, để cho phép theo đuổi các ý tưởng và thực tiễn đổi mới. Bất kỳ công ty nào, nếu không áp dụng công nghệ số trong toàn bộ tổ chức của mình mà vẫn dựa vào giấy tờ, sẽ giống như loài khủng long.
Như Clayton Christensen, cố giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard và là người đầu tiên giải thích về sự gián đoạn, từng nói: “Công nghệ đột phá nên được coi là một thách thức về mặt tiếp thị, không phải là thách thức về công nghệ”.
Intel, nơi tôi từng làm việc, là một trường hợp điển hình. Những đổi mới lớn nhất của công ty không chỉ về mặt công nghệ mà còn trong tiếp thị. Hãng vừa tạo ra một hệ sinh thái thống trị xung quanh kiến trúc máy tính x86, vừa tạo ra chiến dịch xây dựng thương hiệu “Intel Inside” thành công lớn.
Khi công nghệ mới xuất hiện, chúng tạo ra một bản sao số của những sản phẩm, dịch vụ analog đang tồn tại. Sau đó sự đổi mới sẽ xuất hiện. Hãy nghĩ về những ngày đầu của Internet. Ban đầu nó là nền tảng xuất bản, cung cấp tài liệu quảng cáo của công ty thông qua các trang web. Một trong sự chuyển đổi lớn sau đó là thương mại điện tử.
Làn sóng đổi mới công nghệ thứ hai diễn ra khi các thuộc tính độc đáo của hệ thống được khai thác để giải quyết các thách thức kinh doanh chưa được giải quyết trước đó. Hãy nghĩ đến điện thoại thông minh. Những mẫu máy thế hệ đầu tiên là thiết bị bỏ túi để lướt web. Tiếp đó, các công ty như Uber đã sử dụng GPS trên smartphone để cho ra đời danh mục ứng dụng hoàn toàn mới dựa trên định vị và mở ra hệ sinh thái theo phong cách riêng của họ.
Như vậy, con đường dẫn đến thành công mang tính “chuyển đổi” nằm trong việc tìm kiếm và hiểu các yêu cầu của khách hàng cụ thể. Ví dụ, trên khắp thế giới, hàng triệu người vẫn đang ở những khu vực thiếu ngân hàng hoặc không có ngân hàng. Các công ty khởi nghiệp mới nổi đã phân tích dữ liệu để tìm giải pháp thay thế và phục vụ họ.
Hàng chục ngân hàng số nổi lên trên khắp châu Á. Nhiều người không muốn đến chi nhánh ngân hàng và xếp hàng chờ đợi. Bằng cách cung cấp dịch vụ cơ bản giống ngân hàng truyền thống, ngân hàng số có thể cắt giảm các khoản phí áp đặt, chi phí vật lý… khi cung cấp các giải pháp sáng tạo cho khách hàng của họ.
Áp dụng công nghệ số để chuyển đổi các ngành và đưa ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của khách hàng đòi hỏi phải có những cách tư duy mới. Để thực sự đổi mới, chúng ta cần nghĩ lớn hơn về chuyển đổi số.
Michael Bruck
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-khong-phai-phep-mau-4258083.html