Chính thức ban hành thông tư hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại vì Covid-19

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức ban hành thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ hôm nay 13/3. Trong thông cáo vừa phát đi hôm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết thông tư ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại bởi Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của chính phủ ngày 14/2 vừa qua.

Đây sẽ cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân vay vốn bị thiệt hại bởi Covid-19.

Theo đó, điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp là khi số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính hoặc phát sinh từ nghĩa vụ trả nợ gốc trong khoảng thời gian từ 23/1 đến liền sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.

Ngoài ra, những doanh nghiệp có doanh thu và thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến mất khả năng trả nợ/lãi đúng hạn cũng sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Các tiêu chí xác định mức độ ảnh hưởng sẽ do tổ chức tín dụng hướng dẫn.

Đồng thời, thông tư mới cũng quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ quyết định việc miễn, giảm lãi phí cho khách hàng có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ 23/1 đến liền sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Các quy định nội bộ nhưng phải đảm bảo tiêu chí nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước 23/1 đối với số dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo quy định thông tư này. Đồng thời vẫn phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định, nhưng không cần áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn.

Trước đó, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 3 năm nay, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ tại 23 tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,3% tổng dư nợ này và chiếm 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó khách hàng trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn như nông lâm nghiệp thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch lưu trú, vận tải…

Theo đó Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1% nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn gặp khó bởi dịch bệnh. Nguồn vốn này sẽ đến từ hoạt động cân đối vốn của các ngân hàng thương mại và không dùng đến nguồn vốn chính sách.

Đến nay nhiều ngân hàng thương mại bao gồm khối quốc doanh và ngoài quốc doanh đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, giảm lãi cho các khách hàng vay vốn chịu thiệt hại vì Covid-19. Có thể kể như BIDV, Agribank, Vietcombank, VPBank, Kienlongbank, VietinBank, MBBank hay TPBank, ABBank…

Kỳ Ngọc

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/chinh-thuc-ban-hanh-thong-tu-ho-tro-doanh-nghiep-chiu-thiet-hai-vi-covid19-9680.html

Cùng chuyên mục