Tâm sự của một chủ quán vừa đóng cửa vì Covid-19

Tôi có người bạn là họa sĩ, anh mở một quán nhậu ở quận 1, Sài Gòn được nửa năm, khá đông khách. Vậy mà hôm nay, anh thông báo cho bạn bè mình biết đã chính thức đóng cửa quán. Khác với hình dung của nhiều người, anh có cái nhìn khác hơn về sự việc này.

Một mặt bằng ở con đường từng rất sầm uất với các nhà hàng, quán nhậu ở Đà Nẵng.

Anh chia sẻ: “Mở quán không ai nghĩ đến chuyện đóng cửa. Nhưng, suy nghĩ tích cực hơn, làm gì thì cũng cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Trời chưa xuôi lòng người thì đành phải chấp nhận thôi. Giữa lúc đang lúng túng vì nghị định 100 cấm lái xe sau khi uống rượu thì dịch Covid-19 lại đến. Quán vắng vì hai lý do trên, đặc biệt là với Covid-19, thì không nên níu kéo. Để tôi phân tích một ý này cho bạn nghe. Mở quán ăn thì chắc chắn không thể tránh khỏi những điều như vầy. Ví dụ một người có bệnh ngồi bàn ăn, hắt xì rồi lấy tay che miệng để nước miếng không bắn tung toé, nhưng chắc chắn người đó sẽ không đứng dậy đi rửa tay sau khi che mà chỉ chùi sơ vào khăn có sẵn trên bàn rồi thôi. Bàn tay đó sẽ cầm vào ống đũa, so đũa, so muỗng rồi bỏ lại vào ống. Bàn tay đó lại cầm vào dĩa chanh ớt, tì lên bàn…và rồi người sau đến ăn cũng chọn từ những thứ kể ở trên. Người Việt mình hay có thói quen gắp chung dĩa, chấm chung chén, khoác tay khoác vai cười chào xởi lởi. Rồi thói quen cụng ly, thậm chí uống chung ly bia, hát karaoke văng nước miếng lên ly, micro… Bạn thấy hết những điều đó nhưng không thể nói nhân viên mình đi theo nhắc từng người khách được. Thế là những gì mà chúng ta không quan tâm lại đang trở thành mối nguy hiểm của chính bản thân mình, gia đình mình trong thời điểm này. Không lẽ giữa mùa dịch mà cứ mời gọi bạn bè tụ tập đến quán ăn dù biết là nguy hiểm, thì quá thất đức. Thật đấy! Mình không thể làm được chuyện đó. Mà không có khách đến thì không có tiền trả các chi phí, nuôi nhân viên… nên đành phải chấp nhận giải pháp cuối cùng này. Tôi thấy mình đóng cửa quán cũng là quyết định đúng đắn, sáng suốt và nhân văn đấy. Coi như mình góp phần bớt một điểm trung gian có nguy cơ lan truyền dịch.”

Rất nhiều hàng quán đã nghỉ Tết Canh Tý và sau đó là lặng lẽ ngừng hoạt động.

Câu chuyện của anh bạn họa sĩ nói trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp kinh doanh gặp tình cảnh khốn khó thời dịch Covid-19, mà các nhà hàng, quán xá ăn uống là những nơi nằm trong top bị ảnh hưởng nhiều nhất và hầu như ngay lập tức. Điều này có thể thấy rõ rệt ở những thành phố du lịch, chẳng hạn như Đà Nẵng. Chưa bao giờ quán xá ở thành phố biển lâm vào cảnh chợ chiều đến như thế. Ngay sau khi nghị định 100 được triển khai và thực thi khá gắt gao ở Đà Nẵng, quán nhậu, nhà hàng ở thành phố này đã vắng khách nhanh chóng. Từ Tết Canh Tý đến nay, dịch Covid-19 đã bồi thêm nhiều đòn chí mạng mà nặng nhất là sau chuyện hai du khách người Anh dương tính Covid-19 đi “lang thang” khắp nơi. Rất nhiều quán ăn đã “nghỉ Tết” vô thời hạn, những tấm bảng sang quán, sang mặt bằng treo lên ngày càng nhiều.

Rõ ràng là đại dịch Covid-19 gây xáo trộn rất nhiều. Chuyện đó không thể thay đổi, có thở than cũng vậy, nên dành thời gian để mình thức thời, chuyển đổi. Đừng níu kéo mãi một công việc mà mình thấy không còn hợp với thực tế. Mỗi chúng ta ai cũng có thể xoay xở để tồn tại, bằng cách nào đó. Đây là lúc cái khó ló cái khôn, chứ không phải bó cái khôn”. Anh bạn họa sĩ nói vậy, nghe cũng có lý! Dù không phải ai cũng có thể có suy nghĩ một cách dứt khoát như thế!

Thậm chí những quán xá nằm ở vị trí thuận lợi, từng rất đông khách cũng chịu chung số phận như dãy quán ở đầu cầu Rồng, Đà Nẵng.

Trong một diễn biến khá liên quan, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu” – theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mới công bố trên tờ Vietnam Finance.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/tam-su-cua-mot-chu-quan-vua-dong-cua-vi-covid-19/

Cùng chuyên mục