Phận đời trôi xuôi

Gió lồng lồng hanh khô lùa thẳng vào nhà, nhìn ra mấy đám ruộng khô nứt đất ngoài kia, chị thở dài, phải làm sao để bình thường sống trong đợt hạn mặn năm nay, biết bao giờ đời chị bớt khổ…

Hạn mặn khắc nghiệt như vắt kiệt sức chị, người đàn bà khắc khổ bao năm bám ruộng bám đồng. Khoảng không khô đét của mấy đám ruộng trước nhà như xoáy sâu vào ánh mắt chị, mỏi mòn, bất lực.

Dường như chữ “khổ” luôn đeo bám cuộc đời chị. Số chị vất vả từ nhỏ. Cha không may qua đời khi chị mới học lớp Hai, chị bỏ học hết 4 năm trời, vì buồn, vì chán học, như lời chị kể. Để rồi chị ngồi cùng lớp với những đứa lẽ ra là đàn em thua chị 4 lớp. Không sung sướng như bạn học cùng lứa, đi học một buổi, chị phụ giúp gia đình một buổi. Nhổ cỏ ranh, cắt lúa, dặm lúa, nuôi heo,… chị rành rẽ từ nhỏ. Cả nhà bốn người, mẹ và 3 chị em gái nương tựa vào nhau gồng gánh gia đình, buộc chị phải mạnh mẽ, chịu khó hơn bạn bè cùng trang lứa. Chị rất chăm, tuy vất vả việc nhà nhưng chị vẫn học rất giỏi. Chị luôn đứng trong top học sinh giỏi của lớp, đến tận mấy năm cấp ba.

Học hết cấp ba, chị không thể theo đuổi giấc mơ đại học. Những ngày cuối cùng thời áo trắng, chị buồn buồn nuối tiếc, sao trôi qua nhanh quá, bởi chị biết con đường mình phải đi sau khi tốt nghiệp phổ thông. Chị Hai và chị để dành phần đại học cho cô em út. Rồi chị đi làm công nhân ở tận Bình Dương, để có tiền phụ giúp gia đình, bởi mấy công ruộng ở quê vụ thất vụ trúng thì làm sao đủ cho cả nhà có cuộc sống dư dả, để dành dụm tiết kiệm cho em út vào đại học. Chị không thể chạy theo ước mơ của mình, chị chấp nhận cuộc sống công nhân, sáng sớm vào nhà xưởng chiều tan ca với cơ thể rệu rã sau một ngày làm việc mệt nhoài. Mỗi dịp Tết nhứt về quê, chị hay lên nhà tôi chơi, bởi chúng tôi khá thân thiết dù chênh nhau bốn tuổi, bởi chị khát khao muốn biết về cuộc sống sinh viên và để tâm sự những chuyện buồn trong cuộc đời cô không mong muốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ba năm sau chị lấy chồng, chồng chị là người hiền lành, ở một vùng sâu của tỉnh Tiền Giang. Hai người quen nhau trong thời gian cùng làm việc chung công ty. Không thể mãi làm phận công nhân, vợ chồng chị đùm túm về quê chị làm ruộng, nuôi bò trang trải cuộc sống. Chị mở thêm một quán nước nho nhỏ, dưới cái miệt ruộng đồng xa chợ này, cũng coi như có đồng ra đồng vô. Tưởng cuộc đời cứ vậy bình lặng trôi qua, vậy mà lại không êm ả như mình muốn, dù chỉ là cuộc sống giản đơn. Em gái chị đột ngột qua đời trong một lần bị sốc thuốc phản vệ khi điều trị chứng bệnh nhức đầu ở bệnh viện tỉnh. Năm ấy em 17 tuổi, cái tuổi chưa đi hết quãng đời học trò và bỏ lại ước mơ dang dở, kể cả thực hiện thay ước mơ của chị Ba… Vốn thấp cổ bé họng lại không có điều kiện kinh tế, gia đình chị không thể theo kiện tụng đến cùng nên đành chấp nhận hòa giải, nhận bồi thường trong êm đẹp. Từ dạo ấy, ước mơ trong chị tắt hẳn.

Vợ chồng chị dọn về sống nhà mẹ ruột. Mẹ chị lại vốn dĩ thương ghét chẳng đồng đều, thương con rể đầu hơn con rể thứ, đất đai phần nhiều đều chia cho con gái và con rể đầu. Chị Hai cô vốn tính hiền lành, chỉ biết im lặng khi chồng mình kiếm cớ “gây sự” với em rể. Chồng chị tủi thân, phận ở rể “chó chui gầm chạn”, anh bàn bạc về lại quê anh nhưng chị không đồng ý. Về quê anh lấy gì mà sống, làm sao nuôi nổi con nhỏ khi nhà anh không đất đai, anh em lại đông, gia cảnh còn khó khăn hơn chị. Buồn tình, anh để vợ con ở quê, một mình lên lại Sài Gòn làm thợ hồ theo công trình với người bạn, gửi tiền về nuôi con hàng tháng đều đặn nhưng có khi 2, 3 tháng mới về quê thăm vợ con một lần. Bao gánh nặng gia đình lại đè nặng vai chị, chuyện ruộng nương, chuyện bò u, chuyện đưa đón 2 con đi học, chuyện dọn dẹp cửa nhà… Chị buồn buồn kể chuyện khi lâu thiệt lâu tôi mới ghé thăm chị được một lần: “Cả ngày xoay mòng mòng mà vẫn không kịp, loáng cái là hết buổi hết ngày mày ơi. Thôi mày đừng lấy chồng nữa, ở vậy đi cho khỏe cái thân, có chồng mà như không giống tao, chán lắm! Cực khổ thấy bà!”

Bình thường chuyện trang trải cuộc sống gia đình dựa vào mấy công ruộng mẹ chị chia cho và đàn bò 7 con, chồng chị phụ giúp thêm tiền áo quần sách vở cho 2 đứa nhỏ coi như tạm ổn. Hạn mặn năm nay đến sớm lại kéo dài, còn ngày càng khốc liệt, mấy công lúa mới sạ chưa kịp trổ đòng đòng của chị héo rũ rồi chết dần. Chị nuốt buồn cắt hết lúa cho bò ăn, vớt vát được phần nào đỡ phần nấy. Coi như công sức bỏ ra cả tháng trước đó đổ sông đổ biển, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà trông chờ hết vào đồng lương tính ngày của chồng chị.

Nước mặn đắng, bò chê cũng không chịu uống, đất đai khô nứt trơ thịt, không sống nổi cả những cây cỏ dai sức. Nhà chị lại ở tuốt miệt đồng xa, mỗi lần mua nước ngọt về xài là một lần khó khăn. “Vợ chồng tao cố lắm chứ, cũng làm cong lưng mà khổ dài dài mày ơi”, cô nói vậy khi than không biết bao giờ trời mới có mưa, không biết khi nào nước hết mặn để gieo được vụ lúa mới, lo mấy con bò bị ốm, rồi không biết bao giờ chồng chị mới chịu về để có chuyện gì thì cũng có chồng có vợ cùng nhau. “Tủi thân lắm chứ mày! Khổ mấy tao cũng chịu được, vì cũng quen rồi, mà phải cứ một mình chống chọi, không có ai bên cạnh để tựa nương trong khi chồng mình thì tuốt đâu đâu, nhiều khi nghĩ thấy mình cô độc mà rớt nước mắt.” Nghe mà xót ruột xót gan. Dường như cuộc sống khắc nghiệt đã quá sức chịu đựng của chị, chị sắp không chống chọi nổi nữa, chị sắp buông xuôi số phận. Bởi bao ước mơ chị từng ấp ủ đều không thành, bởi mong ước giản đơn như những gia đình bình thường khác nhà chị cũng không có được…

Ngày nhỏ, dịp nghỉ Hè khi thỉnh thoảng chị được lên nhà dì Năm chơi, tôi và chị thường chung một đội trong trò chơi đánh trỏng, vì nhà dì Năm của chị ở chung xóm với tụi con nít bọn tôi. Dù hết sức hết mình thế nào chúng tôi luôn là đội thua cuộc, dù đội có ít người hay nhiều người. Sau cuộc chơi, đội thua cuộc phải chạy từ vị trí cây dè đến nơi cây đầu mào rơi xuống và nhặt về lại, vừa chạy vừa “u u u……” âm thanh của người thua cuộc. Dường như chị chưa bao giờ thắng, trong cả trò chơi lẫn cuộc sống đời thường. Dường như số phận bắt chị phải luôn là người chịu thiệt, dù chị đã hết lòng vì gia đình, vì những người chị thương yêu. Phải chăng chị cứ thua hoài như thế? Biết đến bao giờ đời cô bớt khổ, hỡi chị bạn thân thương?

Miên Viễn

Cùng chuyên mục