Các nước hành xử thế nào với công viên địa chất?

Để hình thành những công viên địa chất được UNESCO công nhận, chính phủ các nước phải trải qua một quá trình nhiều năm tìm giải pháp cân bằng giữa quy hoạch và quản lý. Nhờ vậy mà họ kiểm soát lượng khách du lịch, thu hút người dân bản địa vào việc thành lập các công viên địa chất nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Công viên địa chất là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, phân bố trong phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, công viên phải có diện tích thích hợp để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ khác.

Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Đến nay, có khoảng 140 địa điểm từ 40 quốc gia được xác nhận trong danh sách này.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi được UNESCO xác nhận về tiêu chí để tham gia Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (tháng 1/2014) là các hoạt động du lịch bền vững “phải hoàn toàn tôn trọng truyền thống của người dân địa phương” và rằng “điều quan trọng là phải lôi kéo người dân bản địa vào việc thành lập một công viên địa chất“.

Việc được công nhận là công viên địa chất toàn cầu đi kèm với hoạt động giám sát và đánh giá diễn ra bốn năm một lần. Các công viên không phù hợp với yêu cầu của mạng lưới sẽ nhận được cảnh báo. Một công viên sẽ mất tư cách thành viên nếu nhận được hai cảnh báo.

cong-vien-dia-chat-toan-cau
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, Việt Nam

Hồng Kông giúp dân địa phương làm hướng dẫn viên

Thành phố cảng có công viên địa chất toàn cầu trên đảo Tung Ping Chau, với các khối đá núi lửa, đá trầm tích nhiều lớp và nhiều màu sắc. Để bảo tồn giá trị của nơi này, giới chức địa phương thành lập một trung tâm giáo dục tại Tung Ping Chau, nơi cư dân địa phương được đào tạo làm hướng dẫn viên để thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Quan điểm của chính quyền là trợ giúp cư dân địa phương đáp ứng các nhu cầu cơ bản, miễn là họ không làm hại đến môi trường sống tự nhiên.

Một công viên địa chất toàn cầu khác ở Hồng Kông bao gồm làng Lai Chi Wo, từng là cộng đồng nông dân và ngư dân người Hẹ (Khách Gia) vào thập niên 1950. Ngày nay, văn hóa Khách Gia vẫn còn được nhìn thấy trong kiến ​​trúc của các ngôi nhà có mái ngói truyền thống và cửa sổ thanh kim loại.

Năm ngoái, chính quyền đã phê duyệt một kế hoạch khôi phục 14 ngôi nhà trong khu định cư hàng thế kỷ. Ngoài ngôi làng còn có đường mòn tự nhiên Lai Chi Wo dài 120 mét với rừng ngập mặn tươi tốt và một khu rừng phong thủy cổ xưa, nơi có nhiều cây long não, cây phong quý hiếm.

Indonesia ‘kết hợp thúc đẩy kinh tế và phát triển bền vững’

Hồ Toba nằm tại Bắc Sumatra, Indonesia, vừa được UNESCO công nhận là một trong những công viên địa chất toàn cầu, vào tháng 7/2020.

Theo ông Wishnutama Kusubandio, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, mục tiêu quan trọng nhất của nhà chức trách là “mang lại lợi ích cho người dân địa phương khi một thắng cảnh trở nên nổi tiếng hơn ở cấp độ quốc tế”.

Ông nhấn mạnh rằng một công viên địa chất toàn cầu muốn thành công thì phải kết hợp được ba yếu tố chính, gồm đa dạng địa học, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa.

Thông qua sự phát triển loại hình địa chất du lịch (dạng thức tiếp cận du lịch mới theo hướng bền vững), người dân sẽ có cơ hội mở rộng các sản phẩm địa phương, văn hóa và tạo thêm công ăn việc làm. Giới chức xem mỗi công viên địa chất toàn cầu được công nhận là một cơ hội và trách nhiệm để thúc đẩy kinh tế và phát triển bền vững trong khu vực,” ông Wishnutama chia sẻ.

Mới đây, do bệnh dịch Covid-19 ngăn cản du khách quốc tế đến Indonesia, chính phủ nước này còn tổ chức Festival địa chất du lịch ảo Rinjani. Sự kiện này nhằm quảng bá cho sản phẩm địa chất du lịch, giới thiệu các buổi trình diễn văn hóa bản địa và một loạt các sản phẩm cũng như các tour du lịch ảo tại công viên địa chất toàn cầu Rinjani – Lombok.

cong-vien-dia-chat-toan-cau
Công viên địa chất toàn cầu bán đảo Izu, Nhật Bản

Nhật Bản ‘đầu tư bài bản’

Nước Nhật có 34 công viên địa chất quốc gia và 9 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO xác nhận.

Một trong số đó, Shimonita là thị trấn nhỏ yên tĩnh nằm trong một thung lũng tuyệt đẹp với các đặc điểm địa chất độc đáo rất đáng để du khách khám phá.

Để thu hút du khách, nhà chức trách tận dụng một trường học cũ để làm bảo tàng Lịch sử tự nhiên thị trấn Shimonita. Bảo tàng có các phòng triển lãm và phòng thí nghiệm, thể hiện những điều thú vị khác của công viên địa chất mà du khách khó có thể cảm nhận hết ngoài tự nhiên.

Còn tại công viên địa chất toàn cầu Muroto, bên cạnh hoạt động du lịch, nhà chức trách thúc đẩy các hoạt động giáo dục và nghiên cứu. Ở đây, du khách và sinh viên có thể hiểu quá trình hình thành các lớp đất, nguyên do của các trận động đất và sóng thần, các phương pháp dự báo thảm họa tự nhiên bằng công nghệ tiên tiến.

Tất cả các hoạt động được tiến hành dựa trên khái niệm phát triển bền vững, bằng cách tận dụng môi trường tự nhiên để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà không gây nguy hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

Các thành phố có các công viên địa chất toàn cầu ở Nhật phải cam kết duy trì chính sách bảo vệ môi trường, thông qua các nỗ lực hợp tác của chính phủ và các khu vực tư nhân. Các cuộc tuần tra định kỳ và các sự kiện làm sạch môi trường được tiến hành đều đặn trong khu vực. Việc nâng cao nhận thức về bảo tồn địa chất được thực hiện với việc phát tờ rơi, bảng hiệu và thúc đẩy loại hình địa chất du lịch.

cong-vien-dia-chat-toan-cau

Anh Quốc ‘tạo giá trị cộng thêm’

Nước Anh vừa có công viên địa chất toàn cầu thứ tám được UNESCO công nhận: The Black Country.

Nhằm thúc đẩy du lịch tại khu vực, nhà chức trách tạo dựng hạ tầng kết nối 40 điểm tham quan với nhau dọc theo tuyến đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ. Trong lúc du lịch chưa thể hồi phục vì Covid-19, các tour tham quan ảo, phiên bản thực tế ảo 3D khám phá địa chất của The Black Country đang được triển khai trên Internet.

Để tạo tiếng vang, thu hút du khách đến các công viên địa chất toàn cầu, giới chức cho biết họ tìm cách tạo giá trị cộng thêm về truyền thông tại các khu vực di sản.

Hai cách thức quan trọng để nâng giá trị công viên địa chất toàn cầu là cải thiện cơ sở hạ tầng dẫn đến điểm tham quan và đáp ứng nhu cầu thông tin của du khách truy cập tại các điểm liên kết các khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo ông Graham Worton, người điều phối dự án Black Country, mục tiêu của công viên địa chất toàn cầu không chỉ là lượng du khách quốc tế mà còn là cộng đồng địa phương.

Những công viên địa chất toàn cầu cũng được cho là điểm đến thực sự quan trọng, giúp giảm stress cho những người không thể đi du lịch nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa các thành phố. Thực tế cho thấy, có những người dân không hề hay biết gần nơi ở của họ có tồn tại một công viên địa chất nếu ngành du lịch không làm tốt công tác quảng bá, cũng như truyền cảm hứng cho họ về việc tìm hiểu về hành tinh và môi trường.

cong-vien-dia-chat-toan-cau

Ngày 7/7, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu công nhận công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam là công viên địa chất toàn cầu.

Với sự công nhận của UNESCO, công viên địa chất Đắk Nông trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).

 

Địa chất du lịch là loại hình cung cấp cho du khách thông tin, những kiến thức về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh, các cảnh quan kỳ thú, những sản phẩm của tự nhiên được hình thành bởi các quá trình nội sinh và ngoại sinh.

Loại hình này giúp cho du khách thấy được mức độ kỳ vĩ về quy mô và thời gian mà thiên nhiên đã tạo dựng nên những thắng cảnh đó. Qua đó tạo cảm hứng và giúp du khách có nhận thức về việc chung tay bảo tồn những danh lam thắng cảnh.

Thiệu Kiệt (tổng hợp từ The Guardian, South China Morning Post, Japan Today)

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục