Các nước châu Á chạy đua may khẩu trang chống dịch Covid-19

Các quốc gia châu Á đang ráo riết đẩy nhanh tốc độ sản xuất hàng triệu cái khẩu trang trong bối cảnh vẫn có tranh cãi về khuyến cáo đeo khẩu trang để ngăn ngừa virus Covid-19 lây lan.

Tại một nhà máy sản xuất khẩu trang ở ngoại ô thủ đô Seoul, Hàn Quốc, các công nhân đang sản xuất 300.000 khẩu trang mỗi ngày – và con số này vẫn chưa đủ. Năm ngoái, bình quân xưởng may này sản xuất 30 triệu khẩu trang. Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm nay do dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở này cho ra 19 triệu cái.

Chủ cơ sở này cho biết họ sẽ hết nguyên liệu sau 20 ngày nữa.

Một xưởng xản xuất khẩu trang ở Icheon, Hàn Quốc.

Cuộc đua sản xuất khẩu trang đang tăng tốc trong lúc một số chính phủ, như Úc và Singapore được ghi nhận kêu gọi công dân không mua hoặc đeo khẩu trang trừ khi họ bị bệnh.

Các quốc gia khác, như Hàn Quốc, phát động các chiến dịch truyền thông khuyến khích mọi người đeo khẩu trang. Các nhà xưởng ở Hàn Quốc được cho là có thể sản xuất chỉ khoảng 10 triệu khẩu trang mỗi ngày nhưng quốc gia này có đến 50 triệu dân.

Các thông điệp và khuyến cáo mâu thuẫn nhau về việc nên hay không nên dùng khẩu trang chống dịch Covid-19 khiến công chúng bối rối, không biết nên đặt niềm tin và tính mạng của mình vào đâu. Tuy nhiên, bất kể chính sách của chính phủ là gì, đã có ghi nhận về tình trạng khan hiếm khẩu trang, thậm chí một số bệnh viện phải đau đầu để mua đủ sản phẩm này cho các y bác sĩ.

Khẩu trang giờ là vật bất ly thân với người dân Thái Lan mỗi lần ra đường.

Tại Hàn Quốc, quốc gia chứng kiến ​​sự bùng phát lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, với 6.284 ca nhiễm và 42 trường hợp tử vong, chính phủ áp hạn chế xuất khẩu khẩu trang và kêu gọi các nhà máy tăng sản lượng. Hầu hết các nhà xưởng đều phải chạy hết công suất, vận hành dây chuyền sản xuất cả ngày và nhân công có khi phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, mà không có ngày nghỉ.

Mới đây, chính phủ Thái Lan phê duyệt 225 triệu baht để sản xuất 50 triệu khẩu trang vải trong vòng 10 ngày. Nhà chức trách khuyên người dân nên dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế dùng một lần. Và tương tự ở Việt Nam, nhà chức trách Thái đã phát hiện một số vụ thu gom khẩu trang y tế xài rồi để ủi và bán lại như hàng mới.

Singapore cho biết họ đang tìm nguồn cung khẩu trang địa phương trong lúc các quốc gia khác như Đài Loan cấm xuất khẩu khẩu trang.

Tình hình khan hiếm khẩu trang tăng cao do cung không đủ cầu. Theo một chính sách mới sẽ có hiệu lực từ hôm 9/3, mỗi người dân Hàn Quốc chỉ có thể mua hai khẩu trang mỗi tuần vào một số ngày nhất định trong tuần, dựa trên năm sinh của họ.

Poster nhắc nhở người dân đeo khẩu trang ngừa virus Covid-19, tại một trạm xe buýt ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, nhà chức trách đưa ra khuyến cáo rằng bất kỳ hoạt động găm hàng, hoặc đẩy giá khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn và các vật tư y tế khác đều có thể cấu thành hành vi phạm tội.

Trong khi đó, nhà chức trách ở Thái Lan truy tố hình sự 51 vụ đối với các nhà thuốc bị cáo buộc tội bán khẩu trang với giá cao.

Cảnh sát Indonesia cho biết đã bắt giữ 25 người vì thu gom khẩu trang và dung dịch sát khuẩn.

Khi các trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở Singapore vào giữa tháng 1/2020, do dân chúng hoảng loạn mua khẩu trang và dung dịch sát khuẩn nên chính phủ phải áp dụng việc bán sản phẩm này hạn chế theo đầu người.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ nước này cấm việc mua đi bán lại khẩu trang. Hiện tại, 14 gói, gồm tổng cộng 620 cái khẩu trang, đang được rao bán trên trang đấu giá Yahoo Nhật Bản với giá đặt mua cao nhất là 9.444 đô la.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Reuters

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/cac-nuoc-chau-chay-dua-may-khau-trang-chong-dich-covid-19/

Cùng chuyên mục