Bình yên như buổi chiều ở làng gốm Thanh Hà

Hội An có nhiều chỗ thú vị cho bạn đến, nhưng đừng quên ghé vùng ven đô, thăm làng gốm cổ Thanh Hà hiền lành nép bên dòng sông Thu Bồn. 

Du khách đến Hội An, thường gặp trong những quầy lưu niệm bên đường, trên mẹt hàng của các bà, các chị bày bán dọc theo phố cổ, trước các đền chùa, hội quán… những phù điêu, con thú, tò he… làm bằng đất nung đỏ au. Tất cả đều là sản phẩm của làng gốm cổ Thanh Hà.

Con heo của làng gốm

Lần nào đến Hội An tôi cũng nhất định mua dăm thứ đồ gốm nào đó. Khi thì mấy con tò he, lúc thì vài bức phù điêu gốm, đèn ốp tường hay chỉ đơn giản là mấy con heo đất ngộ nghĩnh với kiểu dáng không hề giống với những con heo ở nơi khác.

Những chú heo bùng binh cỡ đại đang phơi nắng chờ vào lò nung.

Heo đất Thanh Hà rất khác biệt, nhìn là biết ngay, không lẫn vào đâu được, mộc mạc bình dị, chỉ có một màu của đất nung, không sơn phết màu mè, thường chỉ có hai từ Thanh Hà hoặc Hội An được khắc lên mình. Có khá nhiều kiểu dáng ngộ nghĩnh, nhiều kích cỡ và được thể hiện rất sinh động. Nếu là heo để đựng tiền tiết kiệm, sẽ có cái bụng tròn xoay như cái chum, mắt tròn trô trố trông thật hài hước.

Bạn có nhìn ra đây là “tiền kiếp” của những chú heo bùng binh được bày bán khắp ngả phố Hội không?

Có khi đó là một bầy heo con với đủ tư thế và kích cỡ, có khi là một con heo nái sề to đùng… Đến Hội An thường xuyên nhưng mãi sau này, khi không chỉ mua mà còn la cà chuyện trò với những cô bán hàng, tôi mới hay tất cả các đồ làm từ gốm, đất nung bày bán ở đô thị cổ này đều có xuất xứ từ một cái làng nhỏ nằm kề Hội An: làng gốm Thanh Hà.

Một chiều với làng Thanh Hà

Đem niềm yêu thích ấy, tôi đến làng gốm Thanh Hà vào một chiều cuối tuần khi nắng đang nhạt dần. Lang thang qua các khu làm gốm và thật tình cờ, đi ngang qua một ngôi nhà làm gốm bên bờ sông. Làng gốm Thanh Hà nằm bên sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An 3 km về phía Tây (thuộc phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Gốm Thanh Hà – Hội An có nguồn gốc từ Thanh Hóa, được hình thành từ cuối thế kỷ XV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVI, XVII cùng Hội An. Thanh Hà vốn là một ngôi làng rất sầm uất, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung của miền Trung. Chủ nhà  thường niềm nở mở cửa đón khách và một trong những địa chỉ bạn nên đến là nhà của nghệ nhân cao tuổi nhất làng gốm này. Đó là của bà cụ Nguyễn Thị Được mà chúng tôi đã có dịp nói đến trong cuốn sách Cá tính Quảng.

Một trong hai “hậu duệ chân truyền” của cụ Nguyễn Thị Được – anh Nguyễn Văn Sơn, cháu nội trai của bà. Người kia là chị Vân, cháu gái.

Làng gốm buổi chiều bình yên lắm. Đó đây trên sân mỗi nhà có dăm người đang ngồi chuốt lại các sản phẩm hãy còn ướt, trước cửa lò đang có người lúi húi sắp xếp lại cho mẻ nung mới. Nắng cuối ngày xiên xiên qua mấy cái sân phơi, nơi hàng loạt tô chén, con ve, con heo, phù điêu Chăm pa hay chùa cầu phố Hội đang nằm đợi nắng rọi cho khô ráo để vào lò nung.

Giản dị mà cần thiết 

Cảnh quen thuộc trong nắng chiều ở làng gốm Thanh Hà.

Điều hay là người dân làng gốm Thanh Hà đang làm đúng những công việc và theo đúng cách cha ông họ đã làm trong những thế kỷ trước. Gốm Thanh Hà không quá sắc sảo và kiêu sa, đa dạng kiểu dáng, chất liệu như gốm Bát Tràng, nó giản dị, mộc mạc và hồn nhiên như bước ra từ ruộng đồng, từ những ngôi nhà lợp ngói cổ kính của người Hội An vậy.

Gốm Thanh Hà là gốm mộc, không phủ men, đây là một nét riêng, nét duyên của gốm Thanh Hà. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống dân gian bao thế kỷ qua như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng. (Chính vì vậy, khi đô thị Hội An suy thoái, không còn là thương cảng chính của miền Trung nữa thì làng gốm này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nghề gốm cũng mai một dần).

Trong xu hướng phục hồi để bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch, làng gốm này đã làm thêm các sản phẩm lưu niệm, phù điêu, đồ trang trí, tượng mỹ nghệ. Không chỉ thế, làng gốm là đối tác duy nhất có thể cung cấp những viên gạch xây, những viên ngói lợp đúng tiêu chuẩn, hợp quy cách và chất lượng cao phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn cả Hội An.

Không cần phải giới thiệu, chỉ cần nhìn là bạn có thể biết mình đang ở nơi nào của Hội An.

Theo thống kê, hiện nay ở Thanh Hà có khoảng 20 hộ làm gốm nhưng thực ra chỉ có 4 hộ sản xuất có tính quy mô kinh doanh, có lò nung lớn; các hộ còn lại chỉ có lò nung nhỏ, cho ra đời các đồ gốm mỹ nghệ lưu niệm rất nhỏ như các con giống đồ chơi. Mỗi lần đến thăm, được nhìn ngắm các mẻ gốm chuẩn bị vào lò, những sản phẩm vừa chuốt xong đang đợi khô, là tôi thấy vui, vì như thế nghĩa là gốm vẫn tiêu thụ được, vẫn có khách mua nhớ đến…

Và cũng vì thế, mà càng thấy mến thương hơn cái làng gốm nhỏ nhắn, bình dị này, trong bể dâu thay đổi vẫn cố lưu giữ hồn cốt một làng nghề truyền thống…

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Cùng chuyên mục