Nhọc nhằn đời nữ phụ hồ

hường phải đi sớm về muộn, quần áo lúc nào cũng lấm bụi công trường, nhưng vì cuộc mưu sinh, hàng ngày, những nữ phụ hồ vẫn miệt mài gắn bó với nghề, bất kể nắng mưa…

Vất vả mưu sinh

Trời đứng bóng, tốp thợ xây của một công trình tại khu dân cư thu nhập thấp phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) khó khăn tìm chút bóng mát để nghỉ ngơi. Hai ba người phụ nữ loay hoay bắt bếp lửa, đun nồi nước pha chè. Lửa đỏ, cởi chiếc nón lá và khăn trùm đầu ướt đẫm mồ hôi, chị Bùi Thị Ngọc Hiền (ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) mở đầu câu chuyện: “Năm nay nắng gắt, mới đầu mùa đã vậy, thợ hồ như chúng tôi càng phải vất vả rồi. Nhưng cực vầy, chớ cực hơn nữa cũng phải bám nghề, rứa mới có tiền cho con ăn học”.

Nữ phụ hồ phải làm rất nhiều việc, từ trộn hồ, bưng gạch, khuân vát xi măng, đến uốn thép... Ảnh: KL
Nữ phụ hồ phải làm rất nhiều việc, từ trộn hồ, bưng gạch, khuân vát xi măng, đến uốn thép… Ảnh: KL

Ở cùng quê, chị Cao Thị Minh cũng theo chân chị Hiền đi phụ hồ ba, bốn năm nay. Chị Minh kể, lúc trước, kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, khó khăn chồng chất khó khăn. Vợ chồng chia nhau đi làm ăn. Được mấy chị em gần nhà giới thiệu, mới nghe qua, cũng đã hình dung được nỗi vất vả của nghề phụ hồ, nhưng áp lực cơm áo gạo tiền áp sát bên hông nên chị Minh cũng sửa soạn quần áo đi làm phụ hồ. “Phụ nữ chúng tôi đi làm công việc này thật ra cũng chỉ phụ những việc linh tinh cho mấy anh thợ chính. Chứ mình đàn bà, chân yếu tay mềm, có muốn đứng trên giàn giáo đặt gạch, tô trát, chủ thầu cũng không chịu” – chị Minh chia sẻ.

Hàng ngày, bất kể nắng mưa, công việc của nữ phụ hồ bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa, rồi tầm hơn 1 giờ chiều họ lại làm đến tối mịt mới xong chuyện. Việc linh tinh mà chị Minh nói thật ra cũng rất vất vả, nặng nhọc, mà nếu không đủ cứng cõi, mạnh mẽ thì những người phụ nữ ấy không thể đứng vững trên công trường. Với số tiền công 250 – 270 nghìn đồng/ngày, họ phải làm rất nhiều việc, từ trộn hồ, bưng gạch, khuân vát xi măng, đến uốn thép, đổ bê tông; thậm chí kiêm luôn vai trò “chị nuôi”, lo đi chợ, nấu ăn, thu dọn đồ đạc cho cả đội nếu chủ thầu nhận công trình ở những nơi xa, phải ở lại công trường dài ngày…

Hiểm nguy rình rập

Phải đối mặt với nắng mưa, khói bụi hàng ngày, nhưng theo chị Nguyễn Thị Trúc Đào (ở xã Tam Tiến, Núi Thành) thì những tai nạn, rủi ro mới là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người làm thợ hồ như chị. Vì chỉ cần một chút bất cẩn, lơ đễnh là tai nạn có thế ập đến bất cứ lúc nào. Theo nghề hơn 5 năm, nhưng chưa lúc nào chị Đào thôi lo lắng về những hiểm nguy. Bây giờ, máy móc nhiều, hiện đại hơn nhưng không phải cái gì cũng làm được. Đối với những công ty xây dựng, được trang bị đầy đủ thiết bị thì dân lao động như chị đỡ vất vả hơn. Nhưng với những công trình nhỏ, phương tiện thô sơ, phần lớn phụ hồ không có trang thiết bị bảo hộ lao động.

Trang phục của các chị cùng làm chung đội với chị Đào cũng rất đơn giản. Những chiếc quần tây, quần jeans cũ kỹ được họ tận dụng tối đa. Khoác lên người mấy lớp áo, chọn cái dày nhất mặc ở ngoài; chân đi giày ba ta hoặc ủng nhựa; đầu đội nón lá, mũ tai bèo; thêm cái khẩu trang vải che nắng, che bụi. Đồ bảo hộ lao động của họ chỉ có thế. Nhìn quần áo, đầu tóc, mặt mũi họ lúc nào cũng phủ đầy bụi xi măng, bụi hồ, bụi đất… thì cũng biết rằng, hàng ngày người thợ vẫn phải đặt cược tính mạng mình với nhiều rủi ro.

Trước đây, khi xây từ tầng 2 trở lên, mọi vật liệu đều được vận chuyển thủ công thì nay đã được thay bằng máy tời. Khi người thợ đón tời ở tầng trên, không may dây tời hoặc dây kéo tời giữ góc chữ A bị đứt sẽ lôi cả người xuống. Không chỉ người trên cao mà người ở dưới đất cũng sẽ gặp nguy hiểm. “Không những vậy, với những công trình cao tầng, người thợ phải làm việc trên giàn giáo thô sơ, chênh vênh giữa không trung. Chị em nhiều lúc cũng phải leo lên phụ, nếu không làm chủ độ cao, có thể ngã bất cứ lúc nào. Còn chuyện dẫm phải đinh, đứt chân, bàn tay nứt nẻ vì vôi vữa thì là chuyện bình thường rồi” – chị Đào chia sẻ.

Khó nối khó, việc sinh hoạt nơi công trường nắng gió vốn bất tiện, thì với những người phụ nữ như chị Đào lại còn gian nan đủ đường, ăn uống kham khem, cuộc sống tạm bợ. Nơi ở, nghỉ ngơi là những chiếc lều dựng tạm tại công trường với chỉ vài cây sắt dựng lên, quay xung quanh là những tấm bạt, mái che là những tấm tôn cũ rách…

Giữa nhọc nhằn thường nhật, giọt mồ hôi lăn dài. Những nữ phụ hồ cam chịu vất vả để cho con cái có cuộc sống tạm đủ đầy… Và cứ thế, hết ngày này sang tháng khác, những người phụ nữ nơi công trường xây dựng theo chân chủ thầu đi khắp nơi. “Thu nhập tuy thấp, nhưng mình không cần vốn liếng gì, cứ bán sức mà làm thôi, khỏi nghĩ ngợi gì, khỏe đầu óc. Trừ chi phí, cũng đủ trang trải cuộc sống. Còn khỏe ngày nào, thì cứ theo nghề ngày đó thôi” – chị Minh nói.

Kiều Ly

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục