Bài toán bảo tồn hai mẹ con voi

Thủy điện tích nước, đường Đông Trường Sơn cắt đôi cánh rừng khiến môi trường sống bị thu hẹp, đe dọa sự sống của hai mẹ con voi.

Gần 4 năm qua, người dân huyện Hiệp Đức thường xuyên gặp hai mẹ con voi sống trong khu rừng hai xã liền kề Phước Gia và Phước Trà trên diện tích rừng tự nhiên gần 5.000 ha. Voi di chuyển liên tục trong rừng và ra bìa rừng đi ăn; thỉnh thoảng về nương rẫy ăn lúa, sắn và phá trang trại của người dân.

bao-ton-me-con-voi
Hai mẹ con voi đang đi ăn ở bìa rừng xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức. Ảnh: Sơn Thủy.

Tháng 3/2016, hai mẹ con về khu vực suối Cáo, tiểu khu 53 nhổ sắn trên trang trại của ông Hồ Văn Giang, 63 tuổi, ở xã Phước Gia. Gần đây nhất tháng 4/2020, khi vợ chồng ông Giang và em trai đang ngủ trong lán trại thì voi rừng kéo về ăn mía, chuối. Cả ba tháo chạy, nhưng bị hai con voi xông đến. Ba người đành trốn giữa đàn trâu 7 con. Đến lúc đó voi mới voi dừng lại, bỏ lên nương rẫy.

Sau đêm hôm ấy, ba người rời rừng về làng. Từ ngày đó đến nay, sáng ông Giang đi 17 km đường rừng vào sản xuất, chiều xuống đi về nhà không dám ở qua đêm. “Tôi sợ voi lắm, mong cơ quan chức năng di dời chúng đến nơi khác”, ông nói.

Trước đây voi kiếm ăn ở vùng rừng giáp ranh ba huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Hiệp Đức. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây khi thủy điện sông Tranh 3 hoạt động, nước dâng nên không thể đi qua huyện Tiên Phước. Ngoài ra, đường Đông Trường Sơn được mở, cánh rừng nguyên sinh của xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My bị cắt thành hai mảnh. Không gian sinh sống ngày càng bó hẹp nên voi thường xuyên về trang trại huyện Hiệp Đức quậy phá.

Ông Lê Văn Phú, Phó chủ tịch xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức cho hay, chính quyền địa phương rất lo lắng trước việc hai mẹ con liên tục xuất hiện tại nương rẫy của người dân. Xã cùng ngành kiểm lâm đã tuyên truyền, cảnh báo cho người dân đang sinh sống, có hoạt động sinh hoạt, sản xuất tại khu vực voi xuất hiện, hạn chế tối đa việc đi lại, ngủ, nghỉ tại đây.

“Xã mong muốn cơ quan chức năng di dời hai mẹ con voi về khu bảo tồn voi Nông Sơn. Chúng được nhập vào đàn 8 con voi ở đó sẽ tốt hơn”, ông Phú nói.

bao-ton-me-con-voi
Rừng tự nhiên giữa ba huyện Tiên Phước, Hiệp Đức bị chia cắt bởi thủy điện sông Tranh 3, đàn voi bị thu hẹp sinh cảnh sống. Ảnh: Đắc Thành.

Theo ông Lê Minh Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, hai mẹ con voi tách từ đàn 4-5 con ở ba huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Hiệp Đức từ lâu nay. Hiện đàn không có voi đực, nguy cơ không phát triển thêm. Nếu không có giải pháp, đàn sẽ giảm dần. Từ xưa tới nay, khu vực này không có quy hoạch rừng tự nhiên hay vùng sinh cảnh cho voi.

Tỉnh Quảng Nam nhiều lần gửi văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp bảo tồn hai con voi. Tổng cục Lâm nghiệp cử người đi khảo sát nhưng chưa có giải pháp nào khả thi. “Chúng tôi đang chờ Trung ương, các nhà khoa học quan tâm hỗ trợ địa phương”, ông Hưng nói.

Ông Hưng đánh giá việc di dời đàn voi không đơn giản vì là động vật quý hiếm. Nếu di dời đến Khu bảo tồn voi Nông Sơn thì bị xung đột đàn, không khéo voi chết thì “ai chịu trách nhiệm”. Nếu thành lập ban bảo vệ thì không có người và kinh phí.

bao-ton-me-con-voi
Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng tuần tra bảo vệ hai mẹ con voi. Ảnh: Đắc Thành.

Bà Trần Thị Hoa, chuyên viên Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng Cục Lâm nghiệp), giải thích voi tách đàn thường có nguy cơ xung đột với con người. Để bảo tồn chúng, chính quyền cần thành lập các đội cơ động gồm chuyên gia có kỹ năng để di chuyển voi về khu vực khác. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, có thể xảy ra rủi ro cho con người và voi, tốn nhiều nguồn lực.

Bà Hoa phân tích, để di chuyển bảo tồn hai con voi phải có giải pháp tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực, vùng di chuyển. Quần thể voi có tiếp nhận hai cá thể hay không, cần nghiên cứu kỹ. Vì thế đôi khi bảo tồn tại chỗ sẽ tốt hơn.

Việt Nam cũng có nhiều chuyên gia nghiên cứu nhưng không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với trường hợp đàn di chuyển thế này, cần có sự vào cuộc của chuyên gia quốc tế. “Thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Nam để đưa ra phương án bảo tồn hai mẹ con voi”, bà nói.

Đề cập đề án tổng thể bảo tồn voi, bà Hoa cho biết đang gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu thức ăn hàng ngày của voi rất lớn, 200-300 kg thực vật, 150-280 lít nước mỗi ngày. Vào mùa khan hiếm thức ăn, voi có thể di chuyển với diện tích 40.000 ha để tìm kiếm. Trước đây vùng di chuyển của voi rộng, sau đó con người tác động, chia cắt vùng sinh cảnh. Trong vùng sống của voi, con người trồng nhiều loại cây chúng ưa thích như mía, dứa, sắn dẫn đến xung đột.

Vì thế việc bảo tồn phải tính toán cân đối cả hai thứ đảm bảo môi trường sống của voi và sinh kế của người dân. “Giải pháp là phải hai hòa giữa hai thứ, mỗi bên sẽ phải chịu thiệt đi một chút, tập cho voi làm quen với diện tích bó hẹp trong khu bảo tồn. Người dân trồng bớt cây voi ưa thích để tránh xung đột, học cách ứng xử chung sống với voi”, bà nói.

Đắc Thành – Tất Định

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/bai-toan-bao-ton-hai-me-con-voi-4125521.html

Cùng chuyên mục