Đừng kỳ vọng có nhiều hình ở Vườn quốc gia Tràm Chim, vì sao?

Sẽ thật thú vị khi bạn đi du lịch mà không bị áp lực của thói quen lo tìm ảnh đẹp để đăng lên mạng xã hội. Có một nơi giúp bạn làm được điều này một cách tự nhiên, không phải gượng ép. Đó là Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Cổng vào của Vườn quốc gia Tràm Chim.

Vườn quốc gia Tràm Chim có nhiều loài động thực vật quý hiếm, là một hệ sinh thái tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ. Vườn quốc gia Tràm Chim công nhận là khu Ramsar của thế giới từ năm 1992. Đây là khu Ramsar 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Phiên bản hai cá thể sếu nhồi trong phòng trưng bày Vườn quốc gia Tràm Chim.

Tràm Chim, đi là để ngắm

Sẽ là sự thất vọng cho thói quen của nhiều bạn trẻ hiện nay, thường có xu hướng tìm hình ảnh đẹp, độc để đưa lên mạng xã hội khi đến nơi này. Vì những cái hay ho nó không hẳn lệ thuộc vào hiệu quả hình ảnh chụp được.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Dòng kênh chính trong Vườn quốc gia Tràm Chim.

Thí dụ như, sẽ có người hỏi sao Tràm Chim mà chim không nhiều, tập trung như ở… Thảo Cầm Viên. Vì sao chim không bay ra rợp trời để ngắm. Hẳn là nhiều du khách sẽ bảo sao nhìn hình du lịch quảng bá nhiều chim và hấp dẫn thế. Những hình ảnh đấy không sai, nhưng như đã nói, tùy duyên và hên xui tùy thời điểm xuất hiện của những loài chim trong vườn.

Chỉ mỗi việc cứ mải thắc mắc vậy là bạn đã bỏ qua nhiều cơ hội được ngắm nhiều loài chim hễ thấy động là vỗ cánh bay đi ở các cành, bụi cây, mô đất ven bờ rồi. Các loài chim mặt nước chiếm 90% tỉ lệ chim sống hai bên con kênh trong Tràm Chim này.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Cò trắng thấy động bay lên cây khi có thuyền chở khách tham quan đi ngang qua.

Sẽ có nhiều loài chim mà đời sống thị thành bạn không có thể thấy nó. Những loài chim thường gặp ở đây sẽ là sếu (Grus antigone), cò trắng (Egretta garzetta), cò bợ (Ardeola bacchus), trích cồ, trích đất, vịt trời (Anas poecilorhyncha), le khoang cổ (Nettapus coromandelianus), diệc lửa (Ardea purpurea), diệc xám (Ardea cinerea), cò lửa (Lxobrychus sinensis), cò lép…

vuon-quoc-gia-tram-chim
Các loài chim mặt nước chiếm 90% tỉ lệ chim sống hai bên con kênh trong Tràm Chim này.

Bạn hãy dành thời gian để ngắm nhiều hơn thay vì lăm lăm máy ảnh, điện thoại mong tìm những khoảnh khắc. Hãy để mắt được no nê hơn và đừng phân tán sự tập trung của mình. Như đã nói, đây là nơi để bạn thả lỏng mình một cách thoải mái nhất. Cả mấy tiếng đồng hồ ngồi xuồng các loại, là cơ hội để bạn được tách mình ra khỏi những thói quen và không gian sống thường nhật. Để mắt, tai mình không bị ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng màu sắc rối rắm ở phố thị. Không gian yên lắng, chỉ có tiếng xuồng máy chạy đều đều, tiếng chim hót, đập cánh bay, tiếng âm thanh của những cú chạm nước săn bắt cá ngoạn mục, chốc chốc lại vang lên khuấy động mặt kênh yên tĩnh.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Đôi khi chúng đứng bất động giữa cánh đồng như không bận tâm đến du khách tò mò ở phía xa xa.

Mà lũ chim này cũng kỳ, chúng nhát một cách tùy cơn. Bình thường chúng náu mình rất kín trong các lùm cây, cành cây, chỉ thấy chiếc thuyền chở người tới gần là bay đi. Vỗ cánh bay nhưng cũng không quên tranh thủ sà xuống mặt nước. Thoắt cái, chúng tung cánh lao xuống nhanh như chớp, không xa trước mũi thuyền của du khách, làm mặt kênh yên tĩnh chao sóng nước, vài giây sau đã đập cánh bay song song mặt nước lấy đà bay lên cao cùng chiến lợi phẩm là một chú cá vừa săn được. Từng chú chim lần lượt tung cánh không theo một quy luật nào phía trước mũi thuyền là những thước phim sinh động cho bạn ngắm. Thú vị nhất phải kể đến các chú chim xà điểu. Chúng lặng lẽ bơi rất nhẹ trên mặt kênh, có thể làm giật mình du khách yếu bóng vía, khi cái đầu trông xa không khác gì một con rắn đang vươn người lên cao từ mặt nước, thả trôi yên lặng, dù thật ra chúng đang săn mồi.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Không gian mênh mông của môt Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

Người hướng dẫn ở vườn hài hước cho biết chim trời sống theo ý của chúng chứ không phải theo ý những người làm việc ở vườn hay du khách. Chúng sống theo tập tính và nơi nào có nhiều cá chứ không hề có ý định trình diễn cho du khách xem. Có thể hôm nay chúng đậu ở khúc kênh này, gần tới mức nhìn rất rõ cảnh săn bắt cá của từng con, nhưng hôm sau, thấy động, thấy có người, chúng chuyển sâu hơn vào tít trong đồng xa, thì đành chịu ngắm chúng từ xa vậy. Lũ chim vốn rất nhát người. Chúng ta đến đây để xem, ngắm các loài chim trong thế giới của chúng, nên chỉ có thể nhập gia tùy tục chứ không thể đòi hỏi khác. Hãy để mắt của mình là máy ảnh. Hãy để giác quan mình được tận hưởng hết những gì đang có ở đây.

Sếu đầu đỏ và câu chuyện của một vườn quốc gia

vuon-quoc-gia-tram-chim
Chim xà điểu, hay còn gọi nôm na là chim cổ rắn. Trông xa rất giống một con rắn đang vươn lên trên mặt nước.

Một trong những câu hỏi được hỏi thăm nhiều nhất của du khách khi đến đây là loài chim quý, có tiếng trong sách đỏ, nổi tiếng nhất nơi đây, sếu đầu đỏ, có thể dễ thấy không? Có, nếu may mắn sẽ thấy loài chim tuyệt đẹp này bay về trên những cánh đồng xa xa, ít ra cũng tầm 500 – 700m phía trong vườn. Nếu tập trung quan sát thì mới có thể thấy. Còn những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông thì thuộc phần sáng tác ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Du khách sẽ khó mà có ảnh nếu không có những ống kính máy ảnh chuyên dụng và dành thời gian để theo dõi, ngụy trang kiên trì ngày đêm để chụp sếu. Chưa kể, chúng chỉ tạm trú ở đây trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5 dương lịch. Nói như thế, không phải để dập tắt niềm hào hứng của bạn, mà để bạn hiểu rõ hơn một chút khi đi tham quan Tràm Chim, để không bị thất vọng một cách không đáng.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Chỉ những nhân viên của vườn quốc gia mới được phép đi lại trong khu vực Tràm Chim.

Theo thống kê, năm 1998, lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và đến tháng 2/2019 chỉ có 11 con!

Giới chuyên môn lý giải, việc sếu về vườn ít một phần là do việc quản lý thủy văn cho phù hợp với nhu cầu của hệ sinh thái đất ngập nước, chủ động phòng chống cháy rừng nên giữ mực nước tương đối cao trong khu bảo tồn, trong bối cảnh chế độ thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi do sự phát triển hệ thống kênh đào rộng khắp. Cỏ năn vì thế chưa có điều kiện phát triển tốt, trong khi đây là thức ăn chính của sếu dẫn đến số lượng loài chim này bị giảm theo hàng năm.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Những cây tràm mọc dày đặc hai bên bờ kênh đang phải đối mặt với việc nước ngập cao sẽ úng ngập, nước cạn lại dễ có nạn cháy rừng.

Tràm Chim đang đứng trước những vấn đề khá quen thuộc của một vườn quốc gia. Biến đổi khí hậu đang tác động đến tình hình thủy văn – yếu tố quyết định đến hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim. Việc tăng diện tích sản xuất nông nghiệp quanh Tràm Chim khiến môi trường sống của sếu bị thu hẹp. Chế độ bảo vệ nghiêm ngặt trong nhiều năm qua của vườn quốc gia cũng đã không ngăn cản được sự xâm nhập của người dân chung quanh vào bên trong để khai thác, dẫn đến sự suy kiệt tài nguyên (cá, củi, cỏ).

vuon-quoc-gia-tram-chim
Lông của các loài chim trong Tràm Chim được sưu tập lại thành các bức tranh vẽ trực tiếp trên lông chim.
vuon-quoc-gia-tram-chim
Đài quan sát Tràm Chim, một trong những nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh Tràm Chim.
vuon-quoc-gia-tram-chim
Các ghe, xuồng chở khách tham quan cũng có khá nhiều thông tin, hình ảnh về các loài chim trong vườn quốc gia.
vuon-quoc-gia-tram-chim
Xuồng kéo, một trong những loại xuồng được sử dụng làm du lịch ở vườn quốc gia Tràm Chim.

Ngoài ra, vườn quốc gia này còn bị các loài ngoại lai xâm hại, cụ thể là cây mai dương (Mimosa pigra), một loài thực vật được Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên, xếp trong 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Theo dự đoán, nếu không kiểm soát được, chừng 10 – 15 năm nữa, toàn bộ vườn quốc gia sẽ bị loài này xâm lấn thành loài độc tôn! Sự đa dạng sinh học sẽ mất đi hoàn toàn.

vuon-quoc-gia-tram-chim
Du khách có thể tham khảo thông tin về các loài chim hiện sinh sống tại vườn.

Vấn đề phát triển du lịch sinh thái, sao cho vừa mang lại lợi ích cộng đồng, đóng góp cho bảo tồn mà không gây tác hại lên hệ sinh thái cũng là chuyện đáng bận tâm của nơi này.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/dung-ky-vong-co-nhieu-hinh-o-vuon-quoc-gia-tram-chim-vi-sao/

Cùng chuyên mục