Áo khoác từ cây bạch đàn có khả năng tự phân hủy

Một hãng thời trang mới đây gây kinh ngạc khi sản xuất một chiếc áo khoác có mũ trùm đầu hoodie từ cây bạch đàn và được nhuộm bằng quả lựu. Sản phẩm may mặc này được ghi nhận có khả năng tự phân hủy trong thùng ủ phân trộn trong vòng nửa tháng.

Được làm từ bột gỗ bạch đàn trộn với dẻ gai có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý bền vững, chiếc áo khoác làm từ thực vật có được màu rêu xám rất đẹp và nhã nhặn do được nhuộm bằng vỏ quả lựu. Nó được thiết kế để có thể phân hủy hoàn toàn và có thể dùng làm phân trộn.

ao-khoac-tu-cay-bach-dang
Vỏ của quả lựu thường bị vứt bỏ có thể dùng để nhuộm cho ra màu rêu xám

Từ 50 thế kỷ trước đã có áo phân hủy sinh học

“Chiếc áo nào trông hệt như một chiếc áo hoodie bằng vải bình thường và có độ bền như bất kỳ chiếc áo hoodie nào, nhưng nó bắt đầu hình thành từ tự nhiên và được thiết kế để kết thúc ở đó,” Steve Tidball, đồng sáng lập công ty Vollebak cho biết.

Vì vậy, khi chiếc áo hoodie đã hết tuổi thọ – cho dù đó là thời gian 3 năm hay 30 năm, nó có thể được dùng làm phân trộn hoặc chôn trong vườn mà không hề gây hại cho tự nhiên.

Theo nhà sản xuất, chiếc áo hoodie này sẽ phân hủy ở các tốc độ khác nhau tùy thuộc vào cách nó được ủ. Nếu để nó trong môi trường ấm hơn, đầy vi khuẩn thì áo sẽ bị phân hủy nhanh hơn.

ao-khoac-tu-cay-bach-dang
Chiếc áo được làm theo quy trình khép kín, trong đó hơn 99% nước và dung môi được sử dụng để biến bột gỗ bạch đàn trộn với dẻ gai thành sợi tái chế

Vollebak tính toán rằng áo sẽ phân hủy hoàn toàn trong vòng 12 tuần nếu được chôn trong đất, hoặc tám tuần trong thùng ủ tại nhà và thậm chí nhanh hơn trong cơ sở ủ phân bón công nghiệp.

Thật ra, trang phục có khả năng phân hủy sinh học không phải là sản phẩm tiên phong của con người hiện đại. Các nhà sử học cho biết, từ 50 thế kỷ trước đã có những người đầu tiên mặc quần áo dạng này.

Giới nghiên cứu cho rằng, người băng Otzi – một trong những tổ tiên của chúng ta, được tìm thấy xương cốt trong băng hơn 5.000 năm với trang phục được làm từ thực vật, vỏ cây, cỏ và da động vật. Do vậy, nhân loại trong quá khứ đã đạt được đỉnh cao của quần áo phân hủy sinh học.

ao-khoac-tu-cay-bach-dang
Chỉ trong vòng nửa tháng, chiếc áo có thể biến mất trong tự nhiên như chưa từng tồn tại

Quy trình ít tiêu tốn năng lượng

Tuy vậy, để tạo ra phiên bản hiện đại của trang phục có khả năng phân hủy sinh học, các nhà sản xuất đang đối mặt với một chút thử thách. Bởi vì những gì họ làm là cố gắng tái tạo chất liệu và tiêu thụ năng lượng theo các phương pháp sản xuất cổ xưa, được bản địa hóa bằng cách sử dụng chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại.

Thách thức đáng kể nhất là tạo ra một thứ có thể dễ dàng làm phân trộn và có thể sản xuất nó hàng loạt theo cách thức bền vững, ít tiêu tốn năng lượng nhất có thể. Và đây được cho là xu hướng để các nhà sản xuất đặt mục tiêu cho ra mọi sản phẩm trên Trái đất sẽ có khả năng phân hủy sinh học, không để lại dấu vết tồn tại trong môi trường.

Vollebak cho biết áo hoodie được làm theo quy trình khép kín, trong đó hơn 99% nước và dung môi được sử dụng để biến bột gỗ bạch đàn trộn với dẻ gai thành sợi vải tái chế.

Theo hệ thống tính điểm Higg MSI về tác động môi trường của sản phẩm, loại vải này đạt điểm 10 so với điểm 60 của cotton. Con số này đưa ra từ kết quả đo lường tác động của việc sản xuất một kg sợi đối với nguy cơ gây ra sự cạn kiệt tài nguyên hóa thạch, khan hiếm nguồn nước, phản ứng của hệ sinh thái và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Chất liệu “vải” sau đó được nhuộm bằng cách sử dụng vỏ của quả lựu thường bị vứt bỏ và khâu lại bằng chỉ bông tái chế.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ Dezeen

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/ao-khoac-tu-cay-bach-dan-co-kha-nang-tu-phan-huy/

Cùng chuyên mục