Vẻ đẹp thanh khiết của một Ý Nhi phi hư cấu

Lâu nay, nhắc đến Ý Nhi, người yêu thơ thường nghĩ ngay đến những tập thơ Người đàn bà ngồi đan (1985), Gương mặt (1991), Vườn (1998)… Sau nữa, ai theo dõi thời sự văn học hẳn không quên nhà thơ có được giải thưởng danh giá Cikada (2015) của Thụy Điển. Và bây giờ, ngoài tuổi thất thập (sinh 1944), nhà thơ thêm vào đời văn một hình sắc nữa bằng tác phẩm phi hư cấu Kỷ niệm không có mưa.

Nhan đề tập sách, như lời tác giả, là vẻ đẹp sáng trong và ấm áp mà một nhà văn Pháp gọi là “kỷ niệm không có mưa”. Và ngay trên trang bìa, thủ bút, tờ thư xưa, lời đề tặng đứng cùng với chữ ký, tấm ảnh, bức ký họa… như dẫn người đọc về chân trời phủ màn sương hoài niệm.

Đây là một cuốn dạng chân dung và góc nhìn

Việc đời, chuyện người với chi tiết bếp núc nghề nghiệp vừa đau xót, vừa buồn cười, kể lại bởi sự đồng điệu của tâm hồn mẫn tuệ và đa cảm, bởi giọng văn chân phương và thanh thoát.

Một thời gian ngắn làm ở Viện Nghiên cứu văn học, Ý Nhi tự nhận việc nghiên cứu phê bình không hợp và rẽ sang biên tập thơ ở Nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng rồi Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Chi nhánh miền Nam)…

Ở vị thế đó, tác giả thấm hiểu rất mực tấc lòng một số văn nghệ sĩ góp phần tạo nên diện mạo nền văn hóa nước nhà nửa sau thế kỷ XX. Và tập bút ký này cũng là dịp đền đáp món nợ ân tình: “Tôi vẫn mong có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn của mình với những gì tôi nhận được (…) từ những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tôi từng quen biết” (trang 7).

Sách có hai thiết kế bìa khác nhau

Tất cả đều thiết tha thắp lên mộng ước nghệ thuật nhưng mỗi đời văn, một cảnh ngộ. Chỉ một hai chấm phá thôi, Ý Nhi thâu tóm được thần thái từng bức chân dung cũng như đặc tả cốt cách từng gương mặt. Trước tiên là những đấng bậc trưởng thượng trong làng văn nghệ. Thật khó quên dáng nét liêu xiêu, ánh mắt buồn bã đầy ma lực trên gương mặt xanh xao của Dương Bích Liên. Sắc diện thăm thẳm cô đơn và ân cần của Xuân Diệu. Cảm hứng mãnh liệt, nụ cười hóm hỉnh, lối liên tưởng độc đáo của Chế Lan Viên. Rồi thật khó quên những Tế Hanh, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng…

Mà không như vậy thôi đâu. Còn là kẻ đồng trang lứa tin yêu từ thuở nào, thuở nào. Nếu Lê Minh Khuê này nhường nhịn và thủy chung thì Xuân Quỳnh kia mặn mà và thành thực, đôi khi tinh nghịch và sắc sảo trong giọng nói, bộ điệu. Ở phía khác là Phan Thị Thanh Nhàn không giấu được sự duyên dáng và vụng về, kín đáo và bộc trực, chi chút và hào phóng.

Người đọc dường như nhận ra hầu như không có kỷ niệm nào phơi phới niềm vui bất tận. Mà khắp đây đó là tiếng thì thầm lẻ loi.

Sách có in kèm nhiều hình ảnh và thủ bút của các nhân vật

Ở lúc này là nhà văn Nguyễn Minh Châu với bản tuyên ngôn quả cảm và quyết liệt Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa và ngòi bút lặng lẽ chuyển sang hướng khác. Nhức nhối và âu lo trước kiếp người nhỏ nhoi. Dằn vặt và ngờ vực trước sự đời ngổn ngang.

Ở chỗ kia là Nguyên Hồng gặp hệ lụy nghề nghiệp, từ bỏ quyền lợi, rời thủ đô Hà Nội lui về Nhã Nam, Yên Thế cho đến cuối đời. Và một hình ảnh giận dữ rồi nghẹn ngào khi thấy Tô Hoài Nhìn lại một số sai lầm trên báo Nhân dân, xua xua tay, nói như hét: “Ông thì không, Nguyên Hồng thì không!” và (…) quỳ xuống (…) rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít”.

Nhiều thủ bút rất quý hiếm và riêng tư

Thì đây là xót xa của Hoàng Trung Thông, cơ hồ Gặp thời thế thế thời phải thế, không còn lựa chọn nào khác. Khi là Tổng biên tập báo Văn nghệ “ứa nước mắt khi ký duyệt những bài đánh” Tình rừng của Nguyễn Tuân. Khi là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương “ký tên vào như tác giả của một bài do người khác dự thảo” để phê phán tập thơ Cửa mở của Việt Phương đang xôn xao dư luận.

Ý Nhi là nhà thơ hiện đại của Việt Nam

Ngoài văn nghệ sĩ cùng không gian sinh hoạt, cùng quan niệm sáng tác, Ý Nhi ít nhiều hạnh ngộ một vài khuôn mặt nhập cuộc vào dòng chảy văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975 và không chừng lấp bớt định kiến giữa hai phương trời cách biệt. Ngoái lại, những tên tuổi đó, công không phải không thành, danh chẳng phải chẳng toại. Mà thời buổi sau 1975, bao nhiêu thân phận tàn tạ và mòn mỏi, cùng quẫn vì cam chịu thực tại buốt đau không biết bao nhiêu mà nói. Thế này, lòng nào nghĩ đến mối tình bút mực như đã tịch liêu.

Còn gì nữa khi tráng sĩ của Trường sa hành Tô Thùy Yên chùng xuống với khúc đoạn đói khát xé tận gan ruột: “Nước khe, cơm độn, thân tàn rạcSống chẳng khôn, cầu được thác thiêng” rồi lầm lũi: “Bất chợt nghe như đời đã muộn/ Muộn đến chán chường rũ thõng đôi tay”. Còn gì nữa mà ngậm ngùi với bao phen gió dập sống dồi: “mong có dịp ra Hà Nội, nơi ông từng qua giữa đêm khuya trong chiếc xe chở tù bít bùng, chật chội”. Còn gì nữa mà không bình thản: “Thôi vướng mắc dài duyên với nợ/ Ân oán đời, phong kiếm rửa tay”.

Song đến họa sĩ Thái Tuấn là sắc xanh của hoài niệm, nhẹ nhàng, đạm bạc rồi trang nhã, tinh tế. Lại thêm tiết điệu ngưng đọng trong gió núi mây ngàn. Và còn vẻ đẹp cuộc sống gieo vào chân dung một thiếu phụ đang lặng lẽ vấn tóc hay bóng hình ai khép nép với nét duyên dáng của váy đen, yếm sồi, thắt lưng, áo tứ thân…

Và Bùi Giáng khác người và lạ đời qua vần thơ nhắn gởi bỡn cợt: “Cậy em vô tận bây giờ/ Ý Nhi từ buổi sơ đầu gặp nhau/ Anh đi như gió phai màu/ Buồn vui như thể mộng đầu éo le”. Không chỉ thế, tâm thế tự tại mà vấn vương kiếp phận mong manh giữa cõi người mà cất nên lời: “Ngàn mây về cuối mãi trời xaNước có bằng lòng đứng đợi ta.

Thì vẫn ân tình văn nghệ mà đây đó người đọc bắt gặp phần nào thế giới nội tâm của chính Ý Nhi. Tâm trạng bối rối: “Như người đàn bà ngồi đan/ Sợi dọc thì rối, sợi ngang thì chùng” (Xuân Sách). Dịu nhẹ và trầm buồn. Tự tại và hồn hậu. Thanh tĩnh với đời sống chật vật cũng như tránh va chạm trong sinh hoạt văn nghệ vốn lắm chuyện.

Dường như còn bao nỗi niềm ở mảnh ghép ký ức ấy. Xao xác trong tâm tưởng nhà thơ là rất đỗi ngùi thương kiếp cầm bút, vậy mà lẩn khuất trên trang sách là hỉ nộ ái ố giữa cuộc trần ai. Mà đáng kể hơn, người đọc nghiền ngẫm khía cạnh mù tối ít ai biết đến, điều chỉnh cách nhìn về một hành trình văn hóa và nhận diện vài dấu son bị hắt ra bên rìa văn học sử ”chính thống”. Phải chăng là ý nguyện không chỉ riêng nhà thơ Ý Nhi?

Nguyễn Duy Long

——

Tập Kỷ niệm không có mưa (Nhà xuất bản Đà Năng, 2018) tuyển chọn 11 chân dung đã in trong Những gương mặt, những câu thơ do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 2008. Một số bài về Nguyên Hồng, Thái Tuấn, Xuân Quỳnh… đã sửa chữa và bổ sung, cùng với 10 chân dung viết sau này.                           

Cùng chuyên mục