Chuyện trò về ẩm thực trong sách ‘Hà Nội, quán xá phố phường’
Bát bún cá và hành hoa, rau cần, hoặc chiếc bánh rán con con ở gánh hàng rong cũng mang những câu chuyện thú vị về văn hóa.
Hà Nội, quán xá phố phường là tập tản văn mới nhất của tác giả Uông Triều. Ai đã nhiều năm bôn ba ở chốn này mới thấu, Hà thành là mảnh đất rất dễ khiến người viễn xứ phải vấn vương. Ở đây, người ta có thể ngồi trong những nhà hàng sang trọng chỉ để thưởng thức một tô bún. Cũng chính tô bún đó, lại được thực khách xì xụp, chan chan, húp húp ở một quán vỉa hè. Ở đâu ngon hơn lại là một câu chuyện khác.
Người ngoại tỉnh, nhất là các bạn sinh viên khi mới lên Hà Nội, dễ bị choáng ngợp bởi phố phường thủ đô. Đường như mắc cửi, những con ngõ, con phố cả trăm năm trước được thiết kế như ô bàn cờ cứ thế đan dọc, đan ngang vào nhau. Chính những ngõ phố đó đã làm nên hồn cốt của Hà Nội. Trong lòng ngõ phố không chỉ có nhà cửa, người và xe, nó còn ẩn chứa nhiều câu chuyện về mảnh đất này. Chuyện cũ từ nghìn xưa và có cả những câu chuyện chỉ mới đây thôi.
Viết về quán xá Hà Nội, mục đích chính của nhà văn Uông Triều không phải là để giới thiệu đến bạn đọc những quán ăn ngon. Với anh, ăn hàng ở Hà Nội là một trải nghiệm không chỉ riêng về ẩm thực. Trong từng bát bún đầy đặn những cá và hành hoa, rau cần hay chỉ là chiếc bánh rán con con được mua ở gánh hàng rong cũng mang trong mình những câu chuyện thú vị về văn hóa.
Hà Nội là mảnh đất mà người dân tứ xứ đổ về mở hàng quán kiếm ăn, nên ẩm thực nơi đây cũng mang sự hòa trộn từ nhiều địa danh khác nhau. Không khó để con người nơi đây chấp nhận một món ăn “lạ” từ địa phương khác, nhưng khi đến Hà thành rồi, thức quà ấy lại được thêm nếm một vài nguyên liệu và gia vị mới, từ đó tạo nên một phong vị rất riêng.
Người Tràng An nổi tiếng cầu kỳ, nhất là trong việc ăn uống. Vì thế những món ăn dẫu chỉ bán ở quán cóc, hàng rong cũng không vì thế mà xuề xòa, cẩu thả. Chỉ là bánh rán thôi, mà người bán hàng phải đặt cùng lúc bốn chảo mỡ, với bốn mức nhiệt khác nhau, để rán sao cho bánh giòn mà không bị ngán.
Lê la hàng quán, ăn mấy món quà vặt hay nhấm nháp một ly cà phê người ta có thể tranh thủ ngắm nghía phố phường. Con phố, con ngõ không chỉ là địa danh đơn thuần, chúng chính là những chứng tích cho sự đổi thay của Hà Nội. Viết về phố phường Hà Nội, nhà văn Uông Triều vừa đưa vào trang văn những cảm nhận của riêng anh vừa có cả nhiều tư liệu về địa chí qua các thời kỳ, từ đó người đọc cảm thấy như đang thâu tóm được những lát cắt dọc về lịch sử của địa danh ấy.
Điều này thể hiện rõ nhất trong các bài viết về một số con phố trong khu Phố cổ như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chuối, ngõ Hội Vũ. Là một người yêu thích tìm hiểu lịch sử của dân tộc, nhà văn Uông Triều không viết qua loa về các chi tiết liên quan đến lịch sử, anh luôn đưa ra cho người đọc những mốc thời gian cụ thể với những dấu ấn rõ ràng.
Viết về phố phường, ẩm thực Hà Nội, làm sao người ta có thể bỏ qua những con người nơi đây. Chính họ đã tạo nên hồn cốt của mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Bóng dáng con người trong Hà Nội, quán xá phố phường cũng rất đa dạng. Đó có thể là một danh nhân lịch sử, một chủ quán ăn, hay đôi khi chỉ là một người bán hàng rong trên phố mà tác giả quen mặt.
Đọc sách, bạn đọc sẽ thấy ở đó một Uông Triều hào sảng và dân dã với lối kể chuyện tự nhiên. Anh viết giống như đang ngồi cạnh bạn bè, hàn huyên vài câu chuyện cũ. Thế nên, khi đang kể về một món ăn, ở một quán hàng nào đó, đột nhiên người đọc thấy anh chuyển hướng kể về con phố đó. Tác giả sẽ cà kê một chút trước khi quay lại với câu chuyện đang dang dở. Chỉ vài câu chuyện về ngõ phố, quán ăn cũng đủ làm người ta giật mình về một Hà Nội vừa quen vừa lạ. Quen thuộc để thương và lạ lẫm để người ta có thêm cảm hứng lãng du.
Quỳnh Anh
Theo Vnexpress