Chẳng ai biết được chữ ngờ…
Những ngày này, cả miền Trung đang phải đối mặt với cơn bão lớn. Mưa dập, gió vùi. Nhà sập, người chết. Nơi cơn bão đi qua, đường phố, xóm làng tan hoang, đổ nát. Vành khăn tang còn in dấu nỗi hãi hùng, nước mắt đau thương rơi xuống đầu con trẻ. Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất với người dân là sẽ phải đối diện với cái đói, là tay trắng sau bao ngày vất vả, là nợ nần chồng chất không biết bao giờ trả nổi… Dải đất hẹp và nghèo khó này mỗi năm luôn phải oằn mình chống đỡ bão lụt, mưa lũ nhưng thiên tai là thứ không thể muốn tránh thì tránh được, dù có được dự báo, dù có sự chuẩn bị. Người miền Trung luôn phải học cách chịu đựng và đối phó với những bất trắc.
Không chỉ có thiên tai, những mối hoạ từ dịch bệnh, từ chính sự vô tâm của con người cũng khiến cuộc sống đầy những rủi ro. Cái chết thương tâm của cô gái trẻ Thanh Truyền trên đường đi làm một sáng tháng 4 khiến người ta còn chưa hết bàng hoàng thì chỉ trong vòng một tháng qua, 2 cái chết liên tiếp của hai học sinh trên đường đi học về và đang vui đùa với chúng bạn, bị điện rò rỉ giật chết ngay giữa trung tâm một thành phố phát triển bậc nhất trong cả nước gây nên sự phẫn nộ trong dân chúng. Sự lơ là, chủ quan của một số người đang thi công công trình cộng cộng cũng khiến nhiều người đã phải chết oan uổng, hoặc bị thương tật suốt đời. Bất cứ một sự bù đắp nào sau đó cũng không khiến nỗi đau vơi bớt. Điều có thể làm được là đừng để sự mất mát tiếp diễn với những người khác, nhưng dường như chưa có gì bảo chứng cho điều này.
Đi ra đường giờ đây ai cũng trong tâm trạng căng thẳng, bất an vì phải đề phòng mọi thứ. Những tai nạn bất ngờ rơi xuống không chỉ có điện giật, cây đổ, hố ga, mà có thể một tấm baner hay giàn giáo xây dựng thình lình đổ ập lên đầu, một chiếc xe buýt vội vàng tranh đường, một tài xế xe tải ngủ gật, một tay đua tuổi vị thành niên… Có những thứ không gây chết người tức thì nhưng đầu độc mỗi ngày, gây tổn hại sức khoẻ, từ bầu không khí ô nhiễm đến thực phẩm kém chất lượng…
Làm sao tránh khi sức mình có hạn, khi cuộc sống vốn đã mong manh lại chứa đầy bất trắc?
Bạn có mơ một giấc mơ giống tôi: Thức giấc trong một buổi sớm trong lành, dùng bữa điểm tâm ngon miệng cùng với cả nhà. Đường đến công sở mát rượi dưới những hàng me, trong tiếng xe xuôi ngược phố phường vẫn còn nghe được tiếng chim xôn xao trên vòm lá. Dùng ly cà phê với đồng nghiệp và giở tờ nhật báo sáng. Những tin tức đập vào mắt không là tâm bão với sức gió cấp 12, không là hình ảnh cha mẹ khóc ngất bên quan tài của con, không điện giật, cây đổ, không tai nạn liên hoàn… Một ngày mới khởi đầu thật dễ chịu và bình yên. Đây có lẽ cũng là ước mơ của nhiều người
Tôi từng nghe câu nói này: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Hãy làm mọi điều để ước mơ thành hiện thực, để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn lên. Tôi sẽ cố gắng bắt đầu bằng những việc tốt nhỏ: chia sẻ nỗi đau với người không may và giúp đỡ họ trong khả năng có thể; lên kế hoạch cho đời mình, không để thời gian trôi qua vô ích; tích luỹ dự phòng để khi bất trắc xảy đến tôi có thể xoay xở vượt qua. Nếu bất trắc là chuyện không ngờ tới, nếu môi trường sống chưa thể ngày một ngày hai mà thay đổi thì hãy học cách tự bảo vệ khi “sống chung” với nó…
Theo Tạp chí Sống