Thương nhớ cây tre

… Rồi làm sao nghe được hơi thở của tre giữa bốn bề bê tông, nhà kính? Nên đôi lúc thấy thương cho bụi tre nhỏ bé, lẻ loi giữa miếng vườn giả cảnh. Thương cho đôi quang gánh bài trí vô duyên giữa một không gian sang trọng và những người không có kỷ niệm gì với tre…

Nhiều năm trước, cô ca sĩ Thy Dung mời tới chơi quán cà phê nhạc sống của cô vừa khai trương ở Gò Vấp, tôi hào hứng nhận lời, vì muốn biết cô làm nghề tay trái thế nào thì ít, mà muốn xem công trình tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thì nhiều. Lúc đó vài công trình của kiến trúc sư “chuyên trị” tre này đã gây chú ý trên mặt báo. Quán khá rộng và mát mẻ. Nguyên khu vực ngoài trời chỉ toàn tre, từ rui kèo cho tới bàn ghế, vật dụng… Một nơi thích hợp cho những ai lớn lên từ bờ tre, ruộng lúa mà phải rời quê về phố thị. Nơi để người ta sống với ký ức. Lạ là sau những cảm giác ban đầu, có phần bị mặc định bởi những háo hức  của mình thì tôi nhận ra mình không cảm gì được hồn tre, hồn quê gì ở đây. Nhìn lên mái vòm hình tròn to lớn đầy những thân tre ken dày, xỏ ngang xỏ xéo, suy nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là… hoang phí tre. Và sự mát mẻ nhường dần chỗ cho cảm giác trĩu nặng. Dân quê, ở những vùng phải nương tựa vào tre, người ta dùng tre theo cái cách không bỏ đi một thứ gì từ tre. Người ta xem độ tuổi của tre để chọn làm cái giường, cái ghế, hay thúng, mủng, nong nia, làm cái đòn gánh hay đôi đũa ăn cơm… Cắt một mụt măng cũng nhìn cả bụi. Quét  lá tre là việc của những chị gái mỗi chiều thì những trưa hè lấy que tre vót nhọn đi ghim bẹ tre về chụm là việc của lũ trẻ con. Mùa mưa bão những bụi tre không may bị bật gốc thì được đào hết lên, đẹp thì tỉa tót làm ghế lạ ngồi chơi, không thì để dành đó làm củi cho những bữa giỗ chạp. Dưới mái nhà tranh tre, mọi thứ đều giản dị, tiết kiệm…

Làng quâ Hòa Vang – Đà Nẵng những năm 70. Ảnh: Steve Ferendo

Một năm khi tôi còn nhỏ, cả làng bị đói. Lúa đang ngậm sữa nước lũ đổ về ngập đồng hơn 10 ngày, nước rút, đọt lúa cứ dựng thẳng lên trời.  Có đám ruộng lúa trổ sớm, còn chưa kịp tách hết ra khỏi bẹ, cứ giơ ra những bông lúa cụt ngủn, trắng hếu. Không lẩy được nắm nào, đành thả trâu xuống ăn mà nước mắt vòng quanh. Mọi người lại vào rẫy, khoai sắn bị mưa triền miên cũng không được bao nhiêu củ. Không cần mang cuốc để đào, mấy chị em tôi cứ lấy chân đạp trong đám đất nhão nhẹt mà mót từng củ khoai bị hà. Có người bỏ ruộng, bỏ rẫy ra chạy chợ kiếm ăn từng bữa. Nhưng rồi, từ đồng ra chợ cũng không thành dân chạy chợ được, lại quay về với thôn xóm đìu hiu. Người lớn, trẻ con ra ngồi dưới những bờ tre mà chờ ông trời hết trở chứng. Hôm có mấy thương lái từ thành phố lên các vùng trên này đặt đan giỏ tre xuất khẩu, cả làng mừng như sắp phát tài. Đan giỏ tre làm cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Trẻ già đều chuốt nan, đan tấm, việc vào vành niền giỏ dành cho người khoẻ. Vui nhất là những đêm trăng, sân nhà nào cũng rổn rảng tiếng cười nói. Mùa đan giỏ đó cứu cả làng qua hồi đói kém nhưng sau mấy tháng ai nấy đều thẫn thờ khi nhìn những bờ tre trống hoác. Cái ngõ nhà tôi luôn rợp bóng tre, nắng không xuyên qua được, chỉ một chiều không quét là lá rụng phủ đầy mặt đất, vậy mà giờ đứng đâu cũng thấy nắng. Đêm nằm nhớ tiếng gió tre kẽo kẹt không ngủ được. Người lớn chặc lưỡi: Thôi, đợi ít lâu rồi măng mọc lại. Nhưng cái bờ tre cả hàng trăm năm, từ cái hồi ông tiền hiền khai hoang lập làng đến giờ, biết khi nào có lại? Mà cái giống tre cũng lạ, nó buồn hay sao mà tôi rời làng đi 15 năm sau trở lại cũng chỉ thấy loe hoe, không mọc thành bờ thành luỹ như ngày xưa nữa…

Xu hướng thời thượng bây giờ là thân thiện với môi trường, hòa nhập với thiên nhiên, nên cứ cái gì dính dáng, dù chút xíu tới cảnh quê, chất quê, hồn quê cũng được chọn làm tâm điểm truyền thông. Cái nón lá, đôi đũa tre có mặt ở nhà hàng sang trọng. Nhiều quán xá decor theo bản sắc quê để thu hút lớp khách ưa hoài niệm. Nhưng làm sao nghe được hơi thở của tre giữa bốn bề bê tông, nhà kính? Nên đôi lúc thấy thương cho bụi tre nhỏ bé, lẻ loi giữa miếng vườn giả cảnh. Thương cho đôi quang gánh bài trí vô duyên giữa một không gian sang trọng và những người không có kỷ niệm gì với tre. Những nông dân từ đồng ra phố, nhớ tre, ghé vào mấy chiếc xe đẩy bán đủ loại sản phẩm mây tre dọc đường mua cho con cây sáo dù nó chỉ thích chơi đồ điện tử, mua cái thúng nhỏ về đặt một góc phòng, chẳng để làm gì, chỉ để nhìn và nhớ về những ngày xưa. Cũng có người đã làm nhiều hơn là chỉ nhớ. Đã có hẳn một khu du lịch Làng Tre, không xa Sài Gòn là mấy. Ở đó chỉ toàn tre với tre, là tre được chăm chút thành hàng thành lối hẳn hoi, rợp mát bước chân du khách. Chỉ lo thời buổi khó khăn này biết có còn nhiều người chịu bỏ tiền mua kỷ niệm? Mà ở quê bây giờ,  những con đường làng trắng mịn bị bê tông hóa hết, những bờ tre rồi còn được bao nhiêu? Bao lâu nữa thì nó cũng thành ký ức, lũ nhỏ lớn lên nghe chuyện tre cứ như chuyện ngày xửa, ngày xưa…

  1. Theo Nhà & Đất 

 

 

Cùng chuyên mục