Kiến tạo cho di sản trường tồn
Hôm nay 16/7, Đảng bộ TP.Hội An khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Những năm qua, Hội An nỗ lực phấn đấu để trở thành đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch; trong đó văn hóa và con người là trung tâm, vừa đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đô thị cổ vừa tạo ra bản sắc riêng.
Lấy văn hóa làm lõi
Tháng 12/2018, nhân kỷ niệm 19 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhân là Di sản văn hóa thế giới, Hội An chính thức công bố đề án “Hội An – Nhân tình thuần hậu” sau một năm khảo sát, đóng góp ý kiến từ các tầng lớp nhân dân.
Những giá trị nhân văn, nếp văn hóa ứng xử từng phổ biến thường nhật tồn tại trong cộng đồng cư dân đô thị ven bờ sông Hoài qua nhiều thế kỷ đã được khơi gợi trở lại và lan tỏa nhanh chóng trong các tầng lớp nhân dân địa phương.
Hai năm là khoảng thời gian chưa dài nhưng đủ để ứng xử giữa con người với xã hội; giữa con người với gia đình dòng họ; giữa con người với con người và ứng xử với chính bản thân của người dân Hội An có sự chuyển biến tích cực trong mọi tương tác.
Bí thư Thành ủy Hội An Trần Ánh chia sẻ: “Hội An lấy cái “tĩnh” làm tiêu chí cho sự phát triển. “Tĩnh” ở đây không phải là sự ngưng đọng, nằm yên mà là sự phát triển có bước đi, có cung bậc nhưng không nhốn nháo, ồn ào. Nói một cách biện chứng, muốn Hội An thay đổi để tốt hơn chi bằng cách tối ưu nhất là cố sức giữ cho Hội An không đổi – cái không đổi đó chính là văn hóa”.
Lịch sử cho thấy người Hội An luôn sẵn sàng mở cửa, hội nhập, đón nhận, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa để tạo ra bản sắc cho riêng mình. Năm 2017, Thành ủy Hội An đã ban hành Nghị quyết 04 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch” để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới và được đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện.
Con người thuần hậu, nhân văn; văn hóa đậm đà bản sắc; phố làng khang trang sạch đẹp; xã hội văn minh an toàn sẽ là cái đích hướng tới của Nghị quyết 04 để Hội An luôn định vị được mình trong “cơn lốc” đô thị hóa ở khắp nơi.
Theo ông Trần Ánh, muốn xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch phát triển năng động, toàn diện, hiện đại, giàu bản sắc và bền vững phải dựa trên sự tổng hòa của 3 yếu tố: kinh tế bền vững, môi trường bền vững, xã hội bền vững. Hạt nhân của sự tổng hòa ấy chính là văn hóa và con người, tức là những giá trị nhân văn.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
Từ một thị xã đìu hiu, qua hơn hai thập kỷ, Hội An đã chuyển mình trở thành đô thị du lịch sôi động và đặc biệt có bước phát triển vượt bậc về lượng khách quốc tế. Điều này đã đặt ra bài toán phát triển toàn diện thành phố nhưng vẫn phải đảm bảo hình hài, hồn cốt của một đô thị di sản.
Từ nay đến năm 2025, Hội An sẽ phấn đấu từng bước hoàn thiện các tiêu chí cơ bản để trình Chính phủ công nhận trở thành đô thị loại 2, đồng thời đưa Cù Lao Chàm trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, đẩy mạnh các nhiệm vụ xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp, văn minh, an toàn, thân thiện.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hội An, địa phương định hướng xây dựng “phố trong làng”, “làng trong phố” và cố gắng giữ tối đa diện tích nông nghiệp hiện có bởi Hội An chỉ tập trung phát triển theo xu hướng đô thị hiện đại thì khó lòng cạnh tranh với các đô thị sôi động khác. Đến nay thành phố vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, có sự chuyển tiếp mềm mại từ lõi đô thị phố cổ ra vùng ven đô, vùng biển đảo và giữa ba vùng này có sự kết nối hài hòa.
“Hội An luôn cố gắng giữ tối đa yếu tố đô thị truyền thống, dĩ nhiên Hội An sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông đối ngoại lớn như cầu Cẩm Kim, đường dẫn cầu Cửa Đại… nhưng ở nội thị thì chủ trương giữ lại cơ bản hệ thống giao thông như hiện nay, bởi nếu Hội An chỗ nào cũng mở lớn ra thì không còn là đô thị cổ nữa” – ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Với thương hiệu của mình, Hội An cũng tranh thủ tốt nhiều nguồn lực khác để hoàn thiện nhiều dự án quan trọng có ý nghĩa “kép” cả bảo tồn và phát triển, gồm “Cải thiện chất lượng nước và môi trường di tích Chùa Cầu”; hệ thống mạng lưới thu gom nước thải đấu nối vào từng nhà dân; duy trì vận hành 2 nhà máy xử lý nước thải và mở rộng hệ thống mạng lưới thu gom, xử lý nước thải toàn thành phố…
Luôn chú trọng đến việc hài hòa giữa phát triển với bảo tồn, những năm gần đây Hội An đã tạo được tiếng vang với bạn bè quốc tế, lan tỏa thêm thương hiệu đô thị di sản qua các giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu năm 2018”, “Phát triển đô thị bền vững quốc gia Đức năm 2019” (cùng với thành phố kết nghĩa Wernigerode), “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Danh hiệu xuất sắc tiêu biểu quy hoạch đô thị quốc gia lần thứ 1 – năm 2019”…
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố đạt 15%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 32,98 triệu đồng lên 62,4 triệu đồng/năm. Đến năm 2017, thành phố đã cơ bản xóa xong hộ nghèo. Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 950 doanh nghiệp và hơn 11 nghìn cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp. Nguồn vốn xã hội trong dân đầu tư cơ sở hạ tầng bình quân hàng năm huy động đạt hơn 2.500 tỷ đồng. |
Quốc Tuấn
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/chinh-tri/kien-tao-cho-di-san-truong-ton-90259.html