Mộng thiên đường

Một trong những cơ sở để những huyền thoại tiên cảnh làm thành một thứ fantasy (mê ảnh) trong tâm trí người Việt lâu bền nhất có lẽ chính là khả năng giải thoát cho họ khỏi thực tại.

Để nhận xét hoàn cảnh sống viên mãn tột đỉnh, người Việt nói “sướng như tiên”. Bản thân người Việt khi muốn điển chế hóa nguồn gốc của mình, họ đã coi mình là dòng dõi Tiên Rồng. Việc coi dòng dõi mình gắn với những tổ tiên siêu nhiên là một nhu cầu vẫn còn được nhiều dân tộc và quốc gia ghi hẳn trong các pho sử.

Mặc dù hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng, tiên lại là một ý niệm trải rộng từ Đông sang Tây. Trong những cách ví von phổ biến của người Việt, họ tính từ hóa chữ “tiên” để chỉ tất tật những gì tuyệt vời nhất, thần kỳ nhất, đáng ao ước nhất.

mong-thien-thai
Bìa một số bản nhạc chủ đề Thiên Thai trong thập niên 1940-1950.

Khi xâm nhập sâu sắc vào thế giới quan của người Việt, “tiên” đã hiện diện bằng tư duy ngôn từ. Những từ Hán Việt khi viết ở dạng chữ Hán, một loại chữ viết tượng hình, có những dấu vết của tư duy cụ thể của con người. “Tiên” là một từ như vậy.

Người xưa đã giải thích cho chúng ta bối cảnh của tiên bằng phép chiết tự: Một người lên núi tu tiên/Nhân sơn ghép lại chữ TIÊN tạo thành. Câu thơ dạy chúng ta rằng: bộ Nhân ở bên trái chữ Sơn ghép thành chữ Tiên (仙), theo đó tiên là người sống trên núi cao, nơi cách biệt với nhân gian, đã tu luyện thành bậc kỳ tài.

Cách hiểu này khiến ông cha chúng ta nghĩ về tiên là những người tu luyện có phép thuật, nắm trong tay những thứ kỳ ảo phục vụ cho những mục tiêu vô cùng thực dụng: cải thiện sức khỏe con người, chữa chạy những bệnh nan y. Chúng dệt nên vô vàn câu chuyện về thuốc trường sinh bất lão, về tiên dược biến cải sinh mệnh.

Tiên đem lại ý niệm trừu tượng, hương xa, những phẩm tính mà đời sống bình dân nặng về trực quan và kinh nghiệm của người Việt thiếu hoặc nếu có thì cũng rất đơn sơ. Khi đề cao tiên giới là một cõi hư ảo thì hình như người ta cũng xem nó thuộc về một không gian của đẳng cấp cao, của tầng lớp trên, của người có chữ (phép chiết tự là một gợi ý!) và trong nhiều trường hợp, các vua chúa đã tìm cách tạo dựng một cuộc sống hòng sánh với cõi đó. Hải Thượng Lãn Ông khi vào phủ chúa Trịnh chữa bệnh cho thế tử đã phải làm thơ cảm thán: “Tưởng như ngư phủ lạc Đào Nguyên”. Ông giới thiệu cung điện của chúa Trịnh bằng một bút pháp thiên về tả thực:

… Chúng tôi theo cửa hữu phủ đường mà đi, quanh co ước hơn một dặm thì thấy lâu đài đình các, rèm châu cửa ngọc, ánh nước long lanh thấu từng mây. Quanh lối đi nào kỳ hoa, dị thảo, gió thoảng hương bay, chim xinh, con hót con nhảy. Chốn bình địa nổi ngọn núi cao, nơi bóng râm tỏa lùm cổ thụ. Cầu sơn vẽ bắc qua giòng nước, đá sặc sỡ tạo thành lan can. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác cảnh tiên vậy (Thượng kinh ký sự, Phan Võ dịch).

mong-thien-thai
Bìa các bản nhạc phổ bài thơ Tống biệt (Tản Đà) và Tiếng sáo Thiên Thai (Thế Lữ).

Vườn ngự uyển, lầu tạ đình các của chúa Trịnh qua văn chương của Lãn Ông, đều là những thứ có thể định nghĩa được, ngoại trừ “kỳ hoa dị thảo” không nói rõ ra sao, còn lại vẫn là những thứ có sẵn trong hiểu biết của người thường, song đã thành “cảnh tiên”. Dường như sự xa hoa của nơi vua chúa ngự là giới hạn tưởng tượng của người xưa về chốn Đào Nguyên. Giới hạn ấy còn được củng cố khi trên mảnh đất nghèo nàn của đời sống nông nghiệp làm chủ đạo, tư duy xã hội không khuyến khích làm giàu, sự xa hoa khác thường nào bên ngoài hệ thống cung đình cũng đều bị xem như phạm thượng.

Cùng thời Lãn Ông, Phạm Đình Hổ đã cho biết hễ ai có cây quý hay vật lạ là quan quân cướp mang về phủ chúa, như câu chuyện kể trong Vũ trung tùy bút:  “Buổi ấy, bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì” (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến). Những nơi ngoài cung vua phủ chúa có thể tôn xưng là tiên cảnh mà không sợ phạm thượng có lẽ là những danh lam thắng cảnh, nơi mà màu tín ngưỡng phủ lên chúng một quyền năng siêu nhiên. Nhưng ngay cả địa hạt này, các vua chúa cũng biết cách thâu tóm chúng vào hệ sinh thái tiên giới của tầng lớp này, chẳng hạn như đặt ra các thứ hạng đệ nhất, đệ nhị… cho các hang động đẹp mà trong số đó, nơi tương truyền Từ Thức gặp tiên ở ngọn núi cạnh cửa biển Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa) là “Nam thiên đệ thất động”.

Nhưng vì sao lại là hang động? Dường như có một ẩn ức về nơi cư trú nguyên thủy của người xưa, để họ hồi tưởng về thuở ban sơ nơi con người chưa phạm bụi trần, nơi “dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần”. Tiên trong văn hóa cổ truyền thường gắn với các câu chuyện cổ tích về một nơi chốn mà ai nấy chẳng phải lo nghĩ, một ngày bằng vài năm dưới hạ giới. Đem tiên cảnh để đối lập với hạ giới, nghĩa là coi nơi chốn ấy ở trên cao và bên ngoài hệ thời gian thuần túy của phàm trần. Tiên cảnh được hòa trộn một cách nhuần nhuyễn giữa chốn cực lạc hay niết bàn của đạo Phật và không gian đắc đạo của những thần tiên Đạo giáo.

Trong bối cảnh các tôn giáo hòa trộn vào đời sống dân gian sâu đậm, cõi tiên có tầm vóc trừu tượng hơn là một không gian phiếm định. Nó là cả một nhận thức về cuộc sống, về sự giải thoát, về ước vọng, về những gì con người gửi gắm cho một ngày mai nào đó. Và trước hết, hình dung của con người về cõi đó là phải đẹp. “Đẹp như tiên”, một sự so sánh khác được dùng khi mô tả nhan sắc của phụ nữ, cho dù cũng có khi ví von những ông cụ râu tóc bạc phơ với “bát tiên quá hải”. Rõ ràng, tiên là một ý niệm thẩm mỹ đáng kể. Mãi sau này, khi văn hóa phương Tây du nhập vào, những câu chuyện cổ tích về các bà tiên độc ác, như bà tiên ban lời nguyền rủa công chúa bị mũi xa quay sợi đâm vào tay mà chết, thì “tiên” mới bổ sung thêm một cảm giác mới: cái đẹp có thể ác.

Một trong những cơ sở để những huyền thoại tiên cảnh làm thành một thứ fantasy (mê ảnh) trong tâm trí người Việt lâu bền nhất có lẽ chính là khả năng giải thoát cho họ khỏi thực tại. Những truyền thuyết về cõi tiên vẽ ra bối cảnh là những hang động trên những ngọn núi xa cách với đời sống con người, song chúng cũng sớm bộc lộ nỗi hoài nghi của con người về khả năng thoát tục. Truyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, ngọn núi ở Chiết Giang (Trung Quốc) hay sự tích Từ Thức lên tiên ở động Phi Lai đều có điểm mấu chốt là những nho sĩ tìm thấy sự thăng hoa ở một chốn cách biệt nhân gian nhưng rồi cảm giác tha hương vẫn thắng thế, khiến họ quay về quê cũ.

mong-thien-thai
Bìa tờ nhạc Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn, 1966).

Kết cục cả Lưu Thần, Nguyễn Triệu hay Từ Thức đều chuốc lấy thất vọng khi nửa năm tiên cảnh hóa ra đã nhiều đời ở hạ giới, họ trở thành kẻ lạc loài với chính nhân quần. Khi quay lại non tiên thì “trời đất từ nay xa cách mãi” (Tản Đà), chốn Đào Nguyên đã đóng lại vĩnh viễn như lời nguyền dành cho những kẻ dám nghi ngờ sự tuyệt đối của hạnh phúc tiên cảnh.

Kết cục động tiên đóng lại cũng hàm ý người Việt ngoài những ảo tưởng về tiên cảnh, họ thực dụng về cuộc sống, lo âu cho tương lai bất trắc. Họ hy sinh những khía cạnh thẩm mỹ của huyền thoại Thiên Thai để bấu víu những khía cạnh khác của huyền thoại này về tính siêu nhiên, về bí thuật cứu khổ, những mục đích mang tính thực tế cho đời sống. Biến thể khác của tiên cảnh nằm ở chính khía cạnh tôn giáo khi đạo Lão và đạo Phật cũng đưa ra khung cảnh một thế giới khác cho những kẻ tu hành. Nhưng có đạt tới được hay không lại phụ thuộc vào năng lực tu tập đắc đạo của họ. Vì vậy, các huyền thoại đầy nuối tiếc về Thiên Thai, về Bồng Lai, về Tây Phương cực lạc thường là kết quả hoặc một phần của những bi kịch về sự toàn hảo không đạt tới. Nó là bi kịch của niềm tin, lấn át bi kịch của thẩm mỹ.

Vào thời Việt Nam tiếp xúc văn hóa phương Tây trong bối cảnh thuộc địa, tiên giới xuất hiện thành một hệ thống trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật. Khi chọn bài thơ Tống biệt của Tản Đà làm bài thơ mở đầu tập Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân có lẽ có một chủ đích khi nhận ra nguồn cảm hứng lớn của đề tài mộng ảo tiên giới trong dòng chảy Thơ Mới, mà sau đó hai ông đã khéo léo nhắc lại trong thiên tiểu luận Một thời đại trong thi ca tổng kết Thơ Mới bằng câu “động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ”.

Nhìn vào danh sách những bài thơ được tuyển chọn, quả thực chủ đề tiên cảnh được các nhà thơ Tây học say đắm. Từ Tiếng sáo Thiên Thai của Thế Lữ đến Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử, thơ ca vẽ nên những cảnh trí “hai con hạc trắng bay về Bồng Lai” hay “đây phút thiêng liêng đã khởi đầu”, chúng dẫn người Việt ở tầng lớp trung lưu và có học quay lại với khía cạnh thẩm mỹ của không gian tiên giới.

Những bài hát tân nhạc về cõi tiên giai điệu hóa khía cạnh thẩm mỹ này, khi chúng tìm thấy chất liệu tương đắc từ vẻ huyền ảo của huyền thoại tiên cảnh. Tính từ ca khúc Thiên Thai của Văn Cao viết năm 1941, dòng âm nhạc lãng mạn Việt Nam đã có hẳn một vệt bài ca về ảo mộng Á Đông trên nền khúc thức Tây phương.

mong-thien-thai
Bìa bản nhạc Thiên Thai của các NXB Đỗ Văn (Hà Nội, 1945, do chính Văn Cao vẽ); Đàn Việt (Hà Nội, khoảng 1950); Tinh Hoa (Huế, 1952, Phi Hùng vẽ).

Ngoài hai bài thơ Tống biệt và Tiếng sáo Thiên Thai được các nhạc sĩ Võ Đức Thu, Đức Quỳnh hay Phạm Duy phổ nhạc trên nền điệu tango, nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng có những bài ca cùng chủ đề, mang những cái tên diễm ảo: Mơ Tiên, Một mùa xuân huyền ảo, Vũ khúc Nghê Thường… Không gian hoàn mỹ của huyền thoại là một ý niệm nhục cảm khi người nhạc sĩ gợi ý “dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai” (Thu quyến rũ – Đoàn Chuẩn & Từ Linh).

Các thanh niên thời giữa thế kỷ XX thực ra cũng nối tiếp những khúc Thiên Thai cổ, những “rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai” của nhiều thế kỷ trước, nhưng giờ họ hoàn toàn ý thức “ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần” (Văn Cao). Cái phút một lần đó chính là căn cước nhận diện bản sắc của họ.

Chính bản thân những bài thơ, bài hát chủ đề Thiên Thai đến lượt chúng qua thời gian cũng trở thành một thứ động Đào Nguyên đã đóng lại khi vắng bóng trong sáng tác lẫn trường đọc-nghe của các thế hệ sau. Đã có những thứ tiên cảnh khác thay thế: các sản phẩm nghe nhìn khiêu dâm, các chất kích thích như ma túy. Để gọi tên một chất kích thích, truyền thông sử dụng mỹ ngữ “nàng tiên nâu”. Để đặt tên một trang web khiêu dâm, họ dùng từ “Thiên Thai”.

Điểm chung nổi bật của những thứ này với huyền thoại Thiên Thai xa xưa hay những bài thơ, câu hát lãng mạn là sự “mê cuồng có một lần”. Sự nguy hiểm mấu chốt để các chính phủ và tổ chức bảo vệ sức khỏe trên thế giới ngăn chặn các chất kích thích này không chỉ vì khả năng gây chết người bằng độc tố, mà còn vì sự làm hao mòn sức lực lẫn tinh thần người sử dụng. Chúng gây nghiện, và cứ mỗi lần lại nặng đô hơn, các con nghiện không thể như Tản Đà say thuốc phiện làm ra thơ để cô đầu hát, chỉ còn là những “mỹ thể rạc hơi đèn phù thể” (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc – Văn Cao). Cảm xúc mất hút trong cơn say đờ đẫn, cuộc đời chỉ còn tính bằng những phút mê cuồng rời rạc.

Đã đầy tính tưởng tượng, lại bị lạm dụng cho những thứ suy đồi, chẳng biết có phải vì thế mà bây giờ câu ví “Đẹp như tiên” không còn phổ biến. Cái đẹp giờ dưới tác động của những phương tiện truyền thông tương đối cụ thể, chẳng hạn các cuộc thi hoa hậu hay các bộ phim bắt mắt, mà phần nhiều chung một vài chỉ số phổ quát: số đo ba vòng, sống mũi cao, mắt to, chân dài, làn da “trắng sáng”… Vĩ mô hơn, là những cái đẹp của di sản phương Tây, từ các công trình nhà kiểu Pháp thời thuộc địa cho đến mô hình quản trị xã hội Âu Mỹ. Chúng sinh ra những câu ví mới, chẳng hạn “Đẹp như Tây”, có cơ sở hiện thực rõ ràng, thay thế cho “Đẹp như tiên”. Người Việt thỏa mãn với “thiên đường” và “thiên thần” hơn là “cõi tiên” và “tiên nữ”.

Nhưng “thiên đường” liệu có phải chỉ là một khái niệm tôn giáo phương Tây? Nó rộng hơn thế. Tiếng Anh, mô hình giáo dục, thiết chế xã hội… những thứ tạo nên một môi trường mà thuật ngữ “thiên đường” nằm trong đó, dẫn đến một cái đích dễ đồng thuận, chẳng hạn như việc học và định cư ở một nước Âu Mỹ sẽ bảo chứng cho hạnh phúc tương lai. Rút cục, tiên cảnh hiện đại chẳng đâu xa lạ chính là trời Tây, nơi mà qua lăng kính người Việt thì đấy là một chốn giải thoát những phiền não về thực tại trên đất nước mình, cho dù trong sâu thẳm, họ chẳng dám chắc.

Câu chuyện về cõi hương xa này ám ảnh người Việt nhiều thế hệ, trở thành một huyễn ảnh, một sự sùng bái, mà quả thực, nhiều khi chúng vẫn có những cánh cửa vô hình đóng lại, như một cửa động khép lại, trước những khác biệt văn hóa. Con cháu Tiên Rồng thời nay, có lẽ vẫn không bao giờ thôi hết vấn vương “thành tình nhân, đứng giữa trời không, khóc mộng thiên đường” (Tình khúc thứ nhất – Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn)?

Nguyễn Trương Quý

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/mong-thien-duong-24124.html

Cùng chuyên mục