Mưa miền đất mặn
Dường như cây lúa ở vùng đất này cũng rắn rỏi hơn, đi qua vạt đồng xanh ngăn ngắt, mới hay đất mặn đâu đã phụ người.
Buổi chiều đi qua đồng cỏ cháy, ngẫm lại những xơ xác đời mình, bàn chân trần băng qua vạt đồng khô khốc với ngọn khói đốt đồng giăng đầy mái lá. Những người già quanh tôi luôn bước ra nhìn lên trời đong đếm từng mùa nắng hạn. Tôi lấy tay chấm mồ hôi trên trán như gặp lại cả một miền đất mặn xa xôi.
Sau ba lần kêu thợ về khoan cây nước, cậu Ba tôi cũng bỏ cuộc với hành trình tìm nước ngọt. Năm mới dọn ra ở riêng, cậu Ba kêu người về khoan cây nước. Dân Nước Mặn kêu trời, biểu cậu Ba đào tìm vàng coi bộ còn dễ hơn, cậu chẳng nói gì. Đám thợ khoan nhìn bà con Nước Mặn cười hiền khô: “Tụi tui làm mướn, ai kêu khoan thì tui khoan“. Cậu Ba cứ nhấp nhổm chờ mạch nước mát lành từ lòng đất, từng cái ống được cắm vào đất như người ta ghim vào lòng cậu niềm hy vọng. Ông thợ khoan sau một hồi đúc ống cũng lắc đầu nhìn cậu Ba: “Nước mặn lắm, không xài được đâu“. Lần thứ hai, đám thợ bớt tiền cho cậu phân nửa, khi thấy mắt cậu buồn hiu nhìn mớ đất đá ngổn ngang. Thứ nước phun lên vẫn mặn đắng như nước mắt của mợ Ba khi cản ông chồng cứng đầu. Đôi bông tai của hồi môn của mợ cũng nằm lại ở cái tiệm vàng ngoài ngã tư. Lần thứ ba, cậu nói chắc như đinh đóng cột: “Chỗ này tui thấy được lắm” và cậu chỉ thật sự từ bỏ khi dòng nước mặn đục ngầu vẫn dửng dưng chảy ra, thấm vào đầu lưỡi của cậu. Hình ảnh cây bơm nước chảy ra những dòng nước trắng xóa, mát lành cũng tan đi sau những lần miệt mài hy vọng.
Để trữ nước ngọt dùng cho mùa hạn, người dân Nước Mặn thường tận dụng tất cả những thứ gì có thể đựng được nước. Ngày ba má dọn ra ở riêng, ông bà nội cũng cho ba má một cặp lu với miếng đất sau nhà. Những chiếc lu tròn bóng nhẵn cứ dọc ngang dưới nhánh sông quê, mang đến từng mái nhà, thôn xóm. Người dân Nước Mặn đã quá quen với ông Sáu làm lu, cái nghề cực nhọc nhưng cứ truyền hết đời này đến đời khác. Tôi từng theo ghe ông Sáu đi giao lu cho người dân Nước Mặn, chiếc ghe khẳm lừ, rẽ vào kênh rạch chằng chịt. Có nhà nằm tuốt trên đầu hậu, ghe không thể chở lu lên được, cả xóm cùng nhau phụ dong lu về nhà. Chiếc lu được thả nổi trên mặt nước, người đứng trên bờ cầm dây kéo, người đứng dưới nước vịn không để lu chìm xuống nước. Khi đến gần bờ, người ta lại lót miếng ván rồi cùng nhau lăn lu lên. Tôi đứng trên bờ nhìn nụ cười của chủ nhà, nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm của ông Sáu, những tràng vỗ tay của mấy đứa trẻ khi chiếc lu nằm yên trước nhà. Nó lại sống một cuộc đời thầm lặng mà vinh quang.
Chiếc ghe chở nước ngọt lại xôn xao cả một góc sông. Mùa hạn, ghe chở nước có khi vào ra mấy cữ mà vẫn không đủ nước cung cấp cho bà con. Tiếng động cơ bơm nước vào lu, tiếng người dân đứng trên bờ gọi í ới nhau đổi nước, tiếng người lớn trong nhà dặn đám trẻ “xài nước tiết kiệm” cứ vọng từ bờ này sang bờ kia. Ông chủ ghe nước cẩn thận cuốn ống nước xuống ghe, không để giọt nước nào rơi ra khỏi cái ống dài ngoằn ngoèo. Đám trẻ con quanh quẩn bên lu nước, người lớn lại đậy nắp lu giữ kỹ như báu vật.
Đất mặn dạy con người ta cách thích nghi, cách bám trụ với quê hương xứ sở. Thế hệ đi trước truyền cho thế hệ sau bài học về cây trồng giống má, về cách thau chua rửa mặn. Cánh đàn ông Nước Mặn luôn nhắc nhau khi nào cày đất, nếm nước dưới sông để đồng loạt bơm nước vào đồng. Khi bơm nước ngọt vào đồng, người dân Nước Mặn lại cày đảo sục bùn lên, sau đó để bùn lắng xuống rồi lại tháo nước ra hết mới đưa nước ngọt vào. Mọi thứ được lặp đi lặp lại nhiều lần để khi gieo hạt lúa vào đất, nó lại bén rễ mà đâm chồi đứng dậy. Dường như cây lúa ở vùng đất này cũng rắn rỏi hơn, những thân lúa mỏng manh luôn biết tựa vào nhau không bao giờ ngã đổ như đám trẻ còi cọc ở Nước Mặn vẫn âm thầm lớn lên. Đi qua vạt đồng xanh ngăn ngắt, mới hay đất mặn đâu đã phụ người.
Cơn mưa về ngang qua miền đất mặn, lũ trẻ tưng bừng đón những giọt mưa đầu tiên sau mùa hạn kéo dài, mặc kệ câu nói của người lớn tuổi trong nhà “mưa đầu mùa dễ bệnh”, nhưng cả người lớn cũng không thể cưỡng lại được thứ nước mát lành khỏa lên da thịt. Tôi ào vào mưa, đưa tay hứng những giọt nước long lanh như miền đất mặn khao khát chờ mưa.
Người già trong xóm nở nụ cười tươi rói khi nhìn mưa về, những người phụ nữ lại lôi hết quần áo, mùng mền ra sân giặt giũ. Đồng cỏ cháy được tưới mát bằng cơn mưa đầu mùa, mấy cành cây bắt đầu nhú lên những chồi non mới. Cánh đàn ông Nước Mặn lại xôn xao những vụ mùa no hạt, đất mặn lại hồi sinh chở che biết bao nhiêu phận người nhỏ bé. Từ lúc lọt lòng, lũ trẻ ở Nước Mặn đã được dạy cách sống ngọt ngào, mặc kệ đất mặn khô cằn. Dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao…
Nóng ruột chờ mưa Hàng lu nằm thẳng tắp quanh nhà, đợi hứng những giọt nước mưa từ mái lá. Mọi thứ như cong lại chờ mưa về. Đám trẻ Nước Mặn cũng mỏi mòn, teo tóp với những ngày thiếu nước, những người đàn ông xóm tôi chỉ xối đúng một ca nước nhỏ sau khi kỳ cọ dưới dòng nước mặn đắng. Cây cỏ quanh nhà dường như cũng hiền từ hơn. Có năm, mưa đến muộn, người dân Nước Mặn phải gồng mình chống chọi, tận dụng nước vo gạo để rửa chén, rồi tưới cây. Tấm áo trắng đến trường của tôi cũng ngả phèn vàng ố, sau ba bốn đợt giặt nước dưới ao. Những người phụ nữ lại ngồi thở hắt chờ mưa… |
Nguyễn Chí Ngoan
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
Link nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/mua-mien-dat-man-20200328202110266.htm