Ngợi ca áo dài cách tân
Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) là tượng đài trong thế giới nghệ thuật tranh sơn mài của Việt Nam. Một trong những chủ đề ông vẽ thành công nhất là thiếu nữ, đặc biệt thiếu nữ mặc áo dài, mà Vườn Xuân Trung Nam Bắc là ví dụ điển hình. Quang cảnh chính của kiệt tác sơn mài này là các thiếu nữ ba miền khoe áo dài cách tân trong khu vườn Xuân ấm áp, tươi vui.
Về thời gian tạo tác và kích thước, Vườn Xuân Trung Nam Bắc (540cm x 200cm, gồm 9 tấm, niên đại từ năm 1969 đến 1989) là một trong số ít kỳ công nhất của Nguyễn Gia Trí. Tranh được công nhận Bảo vật quốc gia vào ngày 30/12/2013, thuộc đợt 2, hiện trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tại sao các nhà thiết kế áo dài làm được cuộc cách tân thành công vào giữa thập niên 1930? Tại sao những cách tân áo dài gần đây bị dị ứng, phản đối? Một trong những lý do chính là thời đó các nhà thiết kế cũng là họa sĩ, chính sự am tường về kỹ thuật tạo hình và thẩm mỹ của họ đã làm nên cuộc cách mạng này. Nhiều nhà thiết kế thời trang sau này gần đây khá xa lạ với hội họa và cả tư tưởng thẩm mỹ, nên họ thường gặp thất bại trong các cách tân, vì thiếu nền tảng lý luận sáng tạo.
Áo dài cách tân gắn liền với Le Mur – Nguyễn Cát Tường (1912 – 1946) và Lê Phổ (1907 – 2001) thập niên 1930 – 1940, những người cùng thời với Nguyễn Gia Trí. Các tranh vẽ áo dài cách tân thành công còn thấy ở Joseph Inguimberty, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tiến Chung, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… Rõ ràng đã có một thế hệ nghệ sĩ tạo hình tài danh, sống cùng thời, cùng ngợi ca áo dài bằng những kiệt tác, thì biểu sao áo dài không dễ đi vào lòng người. Về đời tư, sau khi lưu lạc vẽ tranh phong cảnh từ Hong Kong đến Sài Gòn năm 1952, Nguyễn Gia Trí lập gia đình với Nguyễn Thị Kim (em họ vợ họa sĩ Nguyễn Cát Tường) vào năm 1955, sống cho đến ngày mất. Nguyễn Gia Trí với nhà cách tân áo dài, xem như có chút quan hệ gia đình, nên có thêm cơ hội để chia sẻ các quan điểm về áo dài cách tân.
“Bộ áo của các bạn gái rồi đây phải ra thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân mình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật, lịch sự. Nhưng dù thế nào nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được” – quan điểm của Nguyễn Cát Tường khi thiết kế áo dài cách tân.
Gần như cùng lúc, trên báo Ngày nay, số 1, ra ngày 30/1/1935, trong bài Quần áo mới, Việt Sinh – tức nhà văn Thạch Lam – viết: “Vật chất thường bao giờ cũng đi trước tinh thần; sự cải cách về y phục nên, và phải đi trước sự cải cách về tính tình và tư tưởng của phụ nữ. Sự cải cách này giúp và cần yếu cho sự cải cách kia”.
Rất nhanh chóng, áo dài kiểu Le Mur (sau thêm Lê Phổ) không chỉ phổ biến khắp Việt Nam, mỗi miền mỗi kiểu, mà còn phổ biến khắp Đông Dương trong các thập niên 1940 – 1950. Ngoài họa sĩ, Nguyễn Gia Trí còn là nhà đồ họa, nên ông có thêm phương pháp tư duy để dễ dàng chia sẻ quan điểm và thẩm mỹ áo dài, sớm đưa vào trong các tác phẩm sơn mài của mình. Bức bình phong sơn mài hai mặt Thiếu nữ trong vườn (159cm x 400cm) mà Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1939 là một ví dụ về áo dài 3 miền Trung Nam Bắc.
Nếu như Trịnh Công Sơn viết ca khúc Huế Sài Gòn Hà Nội thì có thể lý giải quê ông ở Huế, có chút hoài nhớ, nên ưu tiên về vị trí, vùng miền. Còn với Nguyễn Gia Trí thì khác, nhiều người thắc mắc tại sao lại là Vườn Xuân Trung Nam Bắc? Trong khi Nguyễn Gia Trí quê ở xã Trường Yên (Hà Tây), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1936, từ thập niên 1940 đi lưu lạc quốc tế, sau đó về định cư tại Sài Gòn, rất ít gắn bó với miền Trung.
Quan sát các thiếu nữ ở tranh này, trung tâm là cô múa quạt mặc áo dài cách tân màu vàng của phong cách Huế, bên phải là áo dài cách tân kiểu Cát Tường ở Hà Nội, bên trái là áo dài cách tân kiểu Sài Gòn từ thập niên 1950 trở về sau. Trước tuổi trung niên, dù sống nhiều nơi, có thể ngoài vòng “cương tỏa” của triều đình nhà Nguyễn, nhưng phong vị của xứ cung đình Huế – miền Trung – rõ ràng có ảnh hưởng đến Nguyễn Gia Trí trong nhiều tác phẩm. Không chỉ trong Vườn Xuân Trung Nam Bắc thì các áo dài mang phong cách Huế mới ở trung tâm, mà các thiếu nữ này hiện diện trong nhiều bức quan trọng khác. Cũng có thể do bố cục tranh thường theo trục hoành, trong khi địa lý Bắc Trung Nam của Việt Nam theo trục tung, nên khi vẽ miền Trung sẽ luôn nằm chính giữa?
Trong ca khúc Quê nghèo (năm 1942), Phạm Duy viết: “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong nắng cười…”. Rõ ràng không khí về áo dài cách tân thời bấy giờ được lan tỏa khá rộng rãi, được chia sẻ trên một nền chung về thẩm mỹ và tư tưởng, nên các nghệ sĩ, nhà sáng tạo dễ dựa vào đó để cách tân, ngợi ca. Nguyễn Gia Trí cũng vậy, nhưng ông còn tích hợp thêm lịch sử áo dài vào cuộc cách tân này, nên xem tranh của ông còn thấy thêm sự mẫu mực, hàn lâm.
Từ khá sớm, trên báo Ngày nay, số 146 ra ngày 21/1/1939, Tô Tử (tức Tô Ngọc Vân) đã viết: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy người ta cảm thấy tất cả cái băn khoăn yêu muốn khoái lạc – thứ nhất là khoái lạc của Nguyễn Gia Trí”. Nhận định này gián tiếp cho thấy tại sao sự ngợi ca áo dài cách tân của Nguyễn Gia Trí thành công, được đánh giá cao. Bởi vì chỉ có tạo ra được kiệc tác thì các chủ đề trong kiệt tác ấy mới được chú ý nhiều hơn; còn nếu muốn ngợi ca áo dài cách tân, mà kỹ thuật sơn mài yếu, thì cũng sẽ bị tác dụng ngược.
Hiền Hòa
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh