Bối cảnh Việt trên phim – Giữ chút hồn thu thảo…

Có lẽ, phải đến khi tổ chức Climate Central (Mỹ) của các nhà khoa học Mỹ công bố hồi cuối tháng 10/2019 với báo cáo nghiên cứu về tốc độ chìm của các vùng châu thổ trên thế giới, trong đó liên quan đến miền Nam Việt Nam, vấn đề biến đổi khí hậu tác động mạnh đến các vùng đất bản xứ mới được đông đảo người Việt thực sự quan tâm.

Phim Kong: Skull Island 2017 lấy bối ảnh quay ở Ninh Bình.

Và liệu rằng các bối cảnh Việt đã từng xuất hiện lúc chân thực khi kỳ ảo trong những bộ phim nổi tiếng có còn lưu giữ được với thời gian?

Hành trình tìm về những “vùng đất thất lạc”

Binh Nguyên – nhà báo đồng thời cũng là nhà làm phim tài liệu Việt, đã từng có một hành trình thử tìm về nguồn cội của cung đường “mùa len trâu” sau khi bộ phim Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) phát hành năm 2005. Chuyện phim dựa trên tác phẩm Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam, đã khắc họa nên một hồn cốt Nam Bộ xưa một cách sống động và chân thực, như thể mọi thứ cảnh vật và con người liên quan chỉ vừa mới diễn động trong ngày – hôm – qua, hoặc đang tồn tại phồn sinh trước mắt con người đương đại – khán giả đại chúng ngày nay. Hẳn nhiên, hành trình tìm kiếm bằng lòng đam mê địa văn hóa bản xứ dạo ấy của nhà báo Binh Nguyên đã làm sống dậy “những ký ức tưởng chừng chỉ còn trong quá vãng, có những hình ảnh thương nhớ quê nhà tưởng chừng đã mất”. Nhưng “mùa len trâu” của đời sống thực địa ở các vùng đất trong sách của nhà văn Sơn Nam và trên phim của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh không thực sự còn, trải dài từ An Giang qua Đồng Tháp hoặc sang tận vùng giáp giới Campuchia – như nhà báo nhà làm phim Binh Nguyên chia sẻ lại.

Và nếu nhà văn Sơn Nam, tác giả bút ký Mùa len trâu trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau đã từng phải buông lời cám cảnh, rằng: “Thời buổi này đâu còn len trâu, máy cày hết rồi…”, không gian nguyên bản ấy của miền Tây Nam Bộ xưa lại được điện ảnh phục dựng đầy hình tượng đẹp một cách ám ảnh đến độ nhiều người miền – Tây – gốc phải trầm trồ thán phục.

Hành trình tìm về các “vùng đất thất lạc” trong bối cảnh xứ Việt trên phim đôi lần đan xen cài chéo ngẫu nhiên ngoài tầm dự liệu và mong đợi. Chẳng hạn, bộ phim Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – khởi quay năm 2009, khởi chiếu năm 2010), sau khi đoàn phim đi tiền trạm chọn cảnh nát nước ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, cuối cùng đã quyết định chọn điểm ghi hình chính thức và chủ đạo là một cánh đồng bưng biền giữa vùng Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An – giáp biên giới Campuchia), ở nơi vẫn còn mọc hoang đầy lau, sậy, cỏ bàng (cói)… Thật thú vị khi bối cảnh này cũng chính là bối cảnh chính mà năm xưa bộ phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, công chiếu năm 1979) chọn ghi hình. Có vẻ như 30 năm của “vòng lặp” bối cảnh này là minh chứng cho việc lưu dấu một vùng đất thông nghệ thuật điện ảnh!

Phân cảnh phim Người Mỹ thầm lặng 2002.

Ngay cả với một bối cảnh phim trong Cánh đồng bất tận, khu chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vẫn có một sự thật đàng sau màn ảnh có phần hơi ngậm ngùi, đó là hiện nay khu chợ này chủ yếu để làm du lịch sông nước chứ không còn, không phải là đời sống sinh hoạt thiết thân thường ngày của cư dân nơi ấy! Rồi hình ảnh các lò gạch ven sông trên đường về Sa Đéc (Đồng Tháp) từng hiện diện trong khung hình Cánh đồng bất tận, hiện tại hầu như đã bị bỏ hoang khi nghề gạch nơi này bị mai một dần.

Vẫn ở Sa Đéc (Đồng Tháp), có một địa danh luôn được các tín đồ điện ảnh nhiều vùng miền thường lui tới để “selfie”, từng là bối cảnh chính trong bộ phim kinh điển Người tình (tựa gốc: L’Amant, đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud; chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cùng tên của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras; bộ phim khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành hậu kỳ năm 1990 và ra mắt chính thức vào năm 1992 trên khắp thế giới). Bối cảnh “xuyên không” đó là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (hiện còn, tọa lạc tại số 255A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nơi vốn dĩ từng là khung cảnh thật của câu chuyện tình xuyên biên giới trên đất Việt (Đông Dương xưa), giữa cô gái người Pháp 15 tuổi rưỡi với chàng công tử người Việt gốc Hoa thuộc gia đình điền chủ nức tiếng một vùng, những năm đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà cổ này là của một thương gia người Hoa gốc Phúc Kiến (Trung Quốc) xây dựng vào năm 1895, ven bến sông chợ Sa Đéc. Ngôi nhà này cũng đã được công nhận là “Di tích cấp quốc gia” hồi năm 2009.

Phim Người tình 1992 lấy bối cảnh phim ở Vĩnh Long.

Bộ phim Người tình cũng ghi dấu ấn mãnh liệt với chính người Việt ở thời đương đại khi được dịp nhìn ngắm những chiếc phà hồi đầu thế kỷ 20, chuyên chở người dân Nam Kỳ lục tỉnh qua lại đôi bờ sông Tiền mênh mông nơi vùng đất Vĩnh Long tiếp giáp Tiền Giang – được phục dựng “như thiệt” trên phim! Các con phà của ký ức lịch sử đặc trưng của vùng sông nước miền Tây thuở ấy, bây giờ hầu như đã lui vào quá vãng, nhường chỗ cho những cây cầu dây văng hiện đại dài hàng km nối đôi bờ sông Tiền, sông Hậu.

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo…”

Xứ Đông Dương ấy cũng từng hiện hữu thành bối cảnh chính của phim Đông Dương (tựa gốc: Indochine, đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, phát hành lần đầu năm 1992 nhưng mãi đến năm 2016 mới chính thức được giới thiệu với khán giả Việt Nam thông qua phiên bản phục dựng, dưới định dạng HD 4K), với cảnh quan trải dài từ Vịnh Hạ Long, Tam Cốc – Bích Động (thuộc Ninh Bình), kinh thành – Đại nội Huế (đây là bộ phim nước ngoài đầu tiên được ghi hình trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng thành Huế)… Có thể nói, đó là lần đầu tiên trang phục Việt xưa (đầu thế kỷ 20) được hiển thị rõ nét và khá hoành tráng về “vàng son một thuở” bằng hình ảnh diễn động trước mắt công chúng Việt, thông qua sự phục dựng công phu của tổ thiết kế phục trang của phim này. Ngay cả hệ nhân vật trong câu chuyện phim cũng đậm chất Đông Dương, với sự xuất hiện của người Pháp, người Việt rồi người Ấn và người Trung Quốc… như tên gọi xưa của Pháp và các nước phương Tây về vùng lãnh thổ này là Indo-Chine.

Người Mỹ hẳn nhiên cũng có dấu ấn khá đặc biệt với xứ Việt một thời, hiện diện sắc nét không kém người Pháp của “Đông Dương” trong phim Người Mỹ trầm lặng (tựa gốc: The Quiet American, đạo diễn Úc Phillip Noyce, công chiếu vào năm 2002; chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Graham Greene). Lần lượt các địa danh xứ Việt đều được “điểm danh” trên phim, từ Hà Nội với phố Hàng Mã, Hàng Vải, Tràng Thi cho đến rừng Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình); rồi Chùa Cầu (Hội An); đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) lừng danh một thời của Sài Gòn hoa lệ.

Hội An (Quảng Nam) cũng từng là bối cảnh chính với phong vị hồn quê xứ rất thơ trong phim Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh, phát hành năm 2006), bên cạnh các bối cảnh khác từ Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Huế…

Huế cũng chính là đất – được – chọn một cách bất di bất dịch với câu chuyện phim Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, phát hành năm 2008, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai). Điện Hòn Chén (Thừa Thiên – Huế) với lễ hội hầu đồng nổi tiếng cũng được chọn ghi hình lưu lại dấu ấn văn hóa dân gian trong phim này.

Phim Cô gái trên sông (đạo diễn Đặng Nhật Minh, công chiếu năm 1987) có 100% bối cảnh phim ghi hình tại Huế.

Phim Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phát hành vào tháng 12 năm 2019) cũng có rất nhiều cảnh quay được thực hiện tại Huế.

Đầu tư kỳ công về bối cảnh phim với các cảnh đẹp quê hương đất Việt thuộc hàng “non sông cẩm tú” như làng gốm Phù Lãng, chùa Dâu ở Bắc Ninh, hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, đình làng ở Nam Định, chùa Trầm ở Hà Tây…, không thể không kể đến nhắc về phim Hạt mưa rơi bao lâu (đạo diễn Đoàn Minh Phượng, phát hành năm 2005).

Bối cảnh phim Đông Dương 1992 quay ở Vịnh Hạ Long.

Chỉ dấu địa lý và liên văn hóa thời hội nhập

Và đương nhiên, nếu phải nói về việc giới thiệu hình ảnh phong cảnh Việt Nam với quốc tế, trên phim ảnh, thông qua bối cảnh ghi hình, bộ phim đình đám mới gần đây nhất được công chúng Việt quan tâm và ghi nhận chính là phim Kong: Đảo đầu lâu (tựa gốc: Kong: Skull Island, đạo diễn Mỹ Jordan Vogt-Roberts, phát hành trên toàn thế giới năm 2017). Bộ phim này có kinh phí sản xuất ước lượng là 185 triệu USD (theo IMDb), thuộc hàng “bom tấn” (blockbuster. Ngoài cảnh khởi quay tại Hawaii thì Việt Nam đã được chọn làm bối cảnh chính, từ quần thể Di sản thế giới Tràng An – đầm Vân Long – động Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình) cho đến Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình). Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của phim trên toàn thế giới (doanh thu toàn cầu là 562 triệu USD) nói chung và cả ở Việt Nam (doanh thu tại thị trường Việt là 7,4 triệu USD – tương đương 168 tỷ VNĐ, tại thời điểm phát hành) nói riêng đã khiến cho Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Việt Nam quyết định bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts người Mỹ này làm Đại sứ Du lịch Việt Nam!

Có thể thấy rõ, bối cảnh Việt hiện diện trên phim (phim Việt và phim nước ngoài thực hiện ghi hình tại Việt Nam) chính là thứ chỉ dấu địa lý mang tính liên văn hóa cực kỳ ấn tượng sắc nét, giữa thời hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Châu Quang Phước

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục