Phố cổ Hội An tạo sức hút bền lâu
Khu phố cổ Hội An – một di sản văn hóa “sống” của thế giới, mang “vẻ đẹp không trùng lắp” không chỉ có diện mạo mà còn có linh hồn, phong thái riêng, hiếm có được ở di sản nào trong và ngoài nước. Không chỉ người dân mà du khách thập phương còn có thể tìm gặp trong từng mái ngói rêu phong tiếng nói từ quá khứ với những dư vang của ngày xưa vọng lại; hay sự đồng điệu, giao hòa trong nếp sống thị dân của một “đô thị thương cảng truyền thống châu Á” đang thời mở cửa hội nhập năng động, sáng tạo. Vì vậy, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu phố cổ cần được những chủ nhân trong lòng di sản trân trọng giữ gìn và nâng niu. Nhìn nhận được những giá trị lớn lao sau 20 năm “Đêm phố cổ” ra đời và khẳng định uy tín vững bền với bè bạn thế giới, ông Lê Minh Kim – Trưởng khối phố An Định, phường Minh An nói: “Theo xu hướng thời đại, chúng ta tất bật hòa mình vào cuộc sống đời thường, cơm áo gạo tiền và quên đi cái vốn quý giá mà ông cha ta đã bao đời nay tôn tạo để lại. Nhờ vào cái vốn quý giá đó, chúng ta hằng ngày sinh sống. Đó là di sản khu phố cổ Hội An!”.
Tuy vậy, trong thời gian qua, trật tự kinh doanh thương mại, mỹ quan đô thị do quản lý thiếu chặt chẽ và thường xuyên nên bị xộc xệch, gây phiền hà cho du khách; các dịch vụ du lịch bùng phát đủ dạng, dẫn đến tình trạng quá tải đối với phố, lấn át những công năng truyền thống đến từng di tích cấu thành nên khu di sản. Tình trạng buôn bán chặt chém, lấn chiếm vỉa hè, làm ô nhiễm môi trường, thái độ ứng xử không đúng mực của một bộ phận người kinh doanh buôn bán… đã làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp “nhân tình thuần hậu” của người dân phố cổ, làm sa sút uy tín thương hiệu du lịch Hội An.
Khu phố cổ và TP.Hội An đang là điểm đến, là trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực trên con đường di sản miền Trung, đồng thời đang được giới thiệu đưa vào chiến lược phát triển du lịch đô thị của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo đó, sản phẩm du lịch đô thị sẽ chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa gắn với lối sống đô thị. Với Hội An đó là lối sống đô thị cổ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói: “Bất kỳ di sản văn hóa thế giới nào cũng phải có một kế hoạch quản lý, quy chế bảo vệ và quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển những giá trị của di sản. Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng để cho mọi tầng lớp nhân dân, du khách, doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng nhau chăm sóc, nâng niu và nâng cao hơn nữa chất lượng của phố cổ Hội An”.
Với những gì đạt được và trên cơ sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, trong thời gian tới Hội An không chỉ là điểm đến hấp dẫn, là nơi tạo lực hút đầu tiên mà còn là điểm tạo ra sức lan tỏa cho sự phát triển các khu vực làng quê, biển đảo trên địa bàn thành phố.
Đỗ Huấn
Theo Báo Quảng Nam