22 triệu học sinh vào năm học mới

Sáng 05/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2019 – 2020, riêng học sinh vùng ngập lũ miền Trung lùi ngày khai giảng đến 09/9.

Tại Hà Nội, trời không mưa, học sinh mặc đồng phục đến trường dự khai giảng. Với các trường công lập, buổi lễ bắt đầu lúc 7h30, kéo dài khoảng một tiếng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước và nhiều tiết mục văn nghệ.

Khác với những năm trước, lễ khai giảng năm nay ở thủ đô được tổ chức gọn nhẹ, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Nhiều trường như Marie Curie, Phan Huy Chú, Thăng Long, Ngôi Sao đã không thả bóng bay, thay vào đó là thả chim bồ câu, viết mong ước đầu năm học lên hạc giấy, trang trí lớp học.

Sự thay đổi này một phần xuất phát từ lá thư kêu gọi không thả bóng bay trong lễ khai giảng nhằm bảo vệ môi trường của Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 6G2 trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm).

Học sinh Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội trong lễ khai giảng sáng 5/9. Ảnh: Ngọc Thành
Học sinh Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội trong lễ khai giảng sáng 5/9. Ảnh: Ngọc Thành

Tại trường Marie Curie, lễ khai giảng năm nay mang tên Nguyệt Linh. Từ cổng trường, nhiều băng rôn kêu gọi bảo vệ môi trường được lắp đặt. Các bức tranh do học sinh vẽ với chủ đề Save the nature (bảo vệ thiên nhiên) và Save the ocean (bảo vệ đại dương) được trưng bày hai bên cổng chính.

Phạm Thảo Nguyên (lớp 7G2) chia sẻ vui mừng xen lẫn hồi hộp trước buổi lễ. Học ở trường Marie Curie 5 năm, đây là lần đầu tiên em thấy lễ khai giảng có chủ đề rõ ràng. “Em rất thích chủ đề năm nay. Nó giúp chúng em hiểu, chú ý hành động hơn trong việc bảo vệ môi trường“, Nguyên nói. Năm học mới, em hy vọng đạt kết quả học tập tốt, có một năm học vui vẻ, nhẹ nhàng, nhiều ý nghĩa.

Trong buổi lễ kéo dài chừng 40 phút, Nguyệt Linh và hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang đứng trước toàn trường kêu gọi mọi người hành động bảo vệ môi trường với thông điệp chính là loại bỏ rác thải nhựa, nylon trong trường học. Trường Marie Curie cũng kêu gọi phụ huynh không đốt vàng mã.

Ngay sau lời kêu gọi, thầy Khang đánh hồi trống khai giảng năm học mới trong tiếng vỗ tay của học trò. 8h20, học sinh khối THPT lên lớp học bình thường, học sinh khối THCS tập trung chuẩn bị cho buổi lễ dành cho khối này.

Thầy Xuân Khang đánh trống khai giảng. Video: Dương Tâm

Học sinh TP.HCM cũng bước vào năm học mới trong tiết trời mát mẻ, không mưa. Tại trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận 7), không gian sân trường rộn vang tiếng trống hiệu và nhạc. Học sinh được giáo viên hướng dẫn xếp hàng ngay ngắn, chuẩn bị cho buổi lễ lúc 7h30. Các bé lớp 1 còn tỏ ra bỡ ngỡ với trường mới trong khi học sinh các lớp lớn hơn cười nói rôm rả.

Nguyễn Hoàng Hải (lớp 5/2) chia sẻ rất hào hứng bước vào năm học mới bởi gặp đông đủ bạn bè. Mục tiêu của Hải là giành danh hiệu học sinh giỏi để hoàn thành một cấp học trọn vẹn. “Em mong năm học này vẫn vừa học vừa chơi như những năm trước, được chơi thể thao, học ngoại khóa nhiều hơn“, Hải nói.

7h30, lễ khai giảng bắt đầu, học sinh lớp 1 đầu đội mũ, ngực quàng băng rôn màu đỏ ghi tên trường, tay cầm hoa, được cô giáo dẫn qua khán đài trong tràng vỗ tay từ thầy cô và học sinh lớp 2 – 5. Những màn văn nghệ do học sinh thể hiện diễn ra ngay khi gần một nghìn học sinh ổn định chỗ ngồi.

7h45, lãnh đạo UBND quận 7 đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tiếp đó hiệu trưởng gióng hồi trống cho năm học mới. Lễ khai giảng kết thúc, học sinh trở về lớp tham gia phần hội với các trò chơi từ mô hình STEM. Cả buổi lễ không có sự xuất hiện của bóng bay.

Giống như trường Lê Văn Tám, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM như Nguyễn Du, Trưng Vương, Hồng Hà, Hệ thống giáo dục Nam Việt cũng không xuất hiện bóng bay trong lễ khai giảng, hạn chế đồ nhựa nhằm bảo vệ môi trường.

Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM trong lễ khai giảng. Ảnh: Hữu Khoa
Học sinh trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM trong lễ khai giảng. Ảnh: Hữu Khoa

Ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hàng chục nghìn học sinh sẽ dự lễ khai giảng vào thứ Hai 09/9 do trời mưa to, trường học, đường sá bị ngập sâu.

Tại Thừa Thiên – Huế, những trường ở khu vực cao vẫn tổ chức lễ khai giảng cũng không thả bóng bay. Một số trường thả chim bồ câu trắng, tung hoa giấy nhằm hưởng ứng ngày Chủ nhật xanh và không sử dụng túi nylon của tỉnh.

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 được tổ chức trên cả nước vào sáng 05/9, đây cũng là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Thực tế nửa tháng trước đó, học sinh nhiều trường ở Hà Nội đã bắt đầu năm học mới; học sinh TP.HCM tựu trường từ ngày 19/8.

Năm học 2019 – 2020, cả nước có hơn 22,3 triệu học sinh, tính cả giáo dục mầm non, tăng khoảng 400.000 so với năm học trước. Bậc đại học chính quy có hơn 1,5 triệu sinh viên. Số lượng giáo viên cả nước là hơn 1,148 triệu.

Thành phố Hà Nội có đông học sinh nhất cả nước, với khoảng 2 triệu, tăng 40.000 so với năm trước; kế đó là TP.HCM hơn 1,7 triệu, tăng 75.400, tập trung tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hoá cao (7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố là hơn 370.000, tạo áp lực lớn cho ngành giáo dục. Sĩ số học sinh vượt cao so với chuẩn, nhiều nơi quy mô 40 – 50 em. TP.HCM xây mới và đưa vào sử dụng hơn 1.200 phòng học nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu học 2 buổi một ngày, lớp bán trú. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp.

2019 – 2020 là năm học chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm sau. Trước lễ khai giảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm để bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống (dạy người) cho học sinh, sinh viên cần đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Ông mong thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tâm huyết với nghề; giữ vững đạo đức nhà giáo; tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để thích ứng với yêu cầu đổi mới của ngành. Mỗi phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội đồng hành với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

Dương Tâm – Mạnh Tùng

Theo VnExpress

 

Cùng chuyên mục