Tứ Lập 3 giới thiệu 42 tác phẩm với những chuyển biến thú vị từ cuộc sống cá nhân của mỗi họa sĩ, tạo nên những sắc thái khác biệt trong tranh của họ. Bên cạnh trục nhân vật, họa sĩ Nguyễn Minh đưa ra những tác phẩm phong cảnh, cũng với tinh thần lãng mạn, mờ ảo từng thấy. Họa sĩ Phạm Xuân Trung chuyển phong cảnh từ ngoại thành Hà Nội ra biển và lên Tây Bắc với vẻ đượm buồn và quyến luyến. Tác phẩm của họa sĩ Đặng Hữu là những phong cảnh vùng cao, được xóa nhòa, hòa trộn trong bút pháp trừu tượng. Còn tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất là những chân dung bạn bè, văn nghệ sĩ, những đứa trẻ vùng cao, xó bếp miền quê. Bốn nam họa sĩ của “đồng quê” là 4 cách nhìn cuộc sống mới mẻ, sinh động.

“Đồng hành” của Phạm Xuân Trung
Đồng hành của Phạm Xuân Trung.

Ở triển lãm Tứ Lập lần này, người mộ điệu sẽ cảm nhận rõ nét những khác biệt trong tư duy sáng tác của những họa sĩ thế hệ mới. Nhà sưu tập Tú Anh cho rằng: “Các họa sĩ Trung – Hữu, Minh – Tuất làm thành 2 đường chéo của một hình tứ giác với 4 đỉnh là 4 trải nghiệm khác nhau. Đỉnh này của đường chéo là sự đối lập với đỉnh kia về đối tượng, góc nhìn, bút pháp và tạo hình. Ở trục nhân vật có Minh và Tuất. Nếu Tuất với những hòa sắc ấm áp, niềm say mê bền bỉ trong những khuôn mặt trẻ em miền núi hay nông thôn thì Minh say mê không gian thanh bình, lãng mạn, ẩn trú khỏi cuộc sống chật hẹp, xô bồ chốn đô thị. Ở trục phong cảnh, có Đặng Hữu và Phạm Xuân Trung. Đối lập với những phố xá vắng vẻ cũ kỹ, hiện thực của Trung là những cánh đồng, vườn tược lấp lánh ánh sáng phong cách ấn tượng của Hữu. Bỏ qua những nguyên tắc thông thường, những quy ước về khoảng lùi, đường chân trời trong bố cục, vẽ với những rung cảm chân thành của mình là nét đặc trưng trong các tác phẩm của họa sĩ Đặng Hữu“.

Không gian bếp” của Bùi Văn Tuất
Không gian bếp của Bùi Văn Tuất.
“Phố xám” của Nguyễn Minh (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Phố xám của Nguyễn Minh. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

 

Thùy Trang

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)