Xuất khẩu hải sản khó khăn trước “thẻ vàng” của EU
Đã hai năm kể từ khi hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị EU áp dụng thẻ vàng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU), nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng thị trường nhằm hạn chế rủi ro, kéo kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm mạnh.
Ông Đặng Thành Pha, giám đốc thu mua của công ty Phillips Seafoods, chuyên xuất khẩu ghẹ và sản phẩm giá trị gia tăng từ ghẹ với doanh số xuất khẩu bình quân 20 – 30 triệu USD mỗi năm, cho biết kể từ khi EU áp dụng thẻ vàng, công ty ông không còn xuất hàng sang EU nữa vì thủ tục đáp ứng yêu cầu này quá rắc rối. Trong khi trước đây xuất khẩu sang EU chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty.
“Chúng tôi chấp nhận tìm thị trường khác để thay thế”, ông Pha nói và cho biết một trong những thị trường mới là Mỹ, tuy nhiên vẫn chưa thể bù đắp phần kim ngạch công ty xuất sang EU. Song song với việc mở thị trường mới công ty cũng đa dạng mặt hàng, bắt đầu đưa thêm sản phẩm mới cá ngừ ra thị trường.
“Tuy nhiên thị trường Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ gặp khó nếu tình hình tại EU không khắc phục được. Nếu thực sự Mỹ cũng siết như EU thì sắp tới hoạt động công ty sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Pha cho hay.
Ông Ngô Viết Hoài, phó chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu (BaseaFood) cũng chia sẻ: “Thủ tục chứng từ vô cùng phức tạp khiến chi phí tăng lên. Hiện nay 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất sang EU phải mất 10 – 20 ngày kiểm tra, thời gian kéo dài rủi ro tăng, chi phí cũng tăng, gây áp lực rất nhiều cho doanh nghiệp.”
Tại BaseaFood, kim ngạch xuất khẩu sang EU từ khoảng 30% trong tổng doanh số hàng năm 37 – 40% trước đây, nay công ty cũng chủ động giảm xuống 15%. “Chúng tôi buộc phải đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để phù hợp với những thị trường mới”, ông Hoài cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh, thị trường Mỹ cũng bắt đầu có các dấu hiệu tương tự như EU và khả năng họ cũng sẽ điều tra, hiện nay mới áp dụng trên một số mặt hàng.
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, việc chịu thẻ vàng IUU có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU, sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Điều đó cho thấy qua các con số sụt giảm cụ thể từ thị trường EU.
Cụ thể, từ cuối 2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kể từ đó đến nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU liên tục suy giảm.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 390 triệu USD, giảm 7% so với năm trước. Các sản phẩm như cá biển, cua ghẹ và nhuyễn thể… đều giảm mạnh. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản ghi nhận giá trị đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý giảm chủ yếu ở các sản phẩm chủ lực như cá ngừ giảm 6,3%; mực, bạch tuộc giảm 13%.
Những năm trước đây, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ với khoảng 17% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường này với kim ngạch bình quân 350 – 400 triệu USD mỗi năm trong ba năm qua, tương đương 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU.
“Dưới tác động của “thẻ vàng”, Việt Nam đã rớt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam, từ 18% xuống còn khoảng 13% kim ngạch”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, phó chủ tịch VASEP kiêm chủ tịch Ủy ban Hải sản nói tại hội nghị đánh giá hai năm thực hiện chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU do VASEP tổ chức hôm 25/9.
Cũng theo bà Sắc, sau hai năm, các bộ ngành liên quan và hiệp hội, doanh nghiệp nỗ lực để chứng minh cho EU thấy được Việt Nam có kế hoạch rõ ràng trong việc khắc phục những tồn tại của ngành đánh bắt hải sản hiện nay. Bài toán khó nhất để giải quyết thẻ vàng IUU xuất phát từ tàu đánh bắt và mức độ tuân thủ của ngư dân bởi vì hiện nay đánh bắt được xem là ngành “đánh bắt nhân dân” chứ chưa phải là một ngành công nghiệp thực sự.
“Nếu không giải quyết nhanh các vấn đề về tính tuân thủ, quy định phải có máy giám sát hành trình và có một hệ thống thông tin truy xuất quốc gia cập nhật các thông tin tàu cá cập bến. Bài toán thẻ vàng sẽ ngày càng khó giải,” bà Sắc nói.
Trong khi đó dưới góc độ điều hành doanh nghiệp, ông Hoài cho rằng dù IUU gây nhiều khó khăn cho nhưng nếu doanh nghiệp đủ năng lực thì đó là cơ hội để thay đổi công nghệ, cách thức điều hành, nghiên cứu sản phẩm mới để đáp ứng những thị trường khác. “Các doanh nghiệp cũng cần chung tay vào công việc chung, bởi hiện nay một số doanh nghiệp nhỏ không tham gia vào cam kết IUU nên họ có thể gián tiếp tiếp tay cho hành vi trái phép,” ông Hoài nói.
Trong một diễn biến liên quan, dự kiến tháng 11 này, đoàn công tác EU sẽ sang Việt Nam làm việc và có kết luận đánh giá những kết quả đạt được sau hai năm EU áp dụng thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam.
Bài & ảnh: Nhi Phạm
Theo forbesvietnam.com.vn