Vọng Sài Gòn hay một nỗi niềm khắc sâu trong tâm khảm

Sài Gòn không chỉ là một cuộc đời, một con người có dung mạo hình hài, cốt cách tư phong và số phận. […] Dù phong trần hải hồ quảng giao và hào sảng tới đâu, Sài Gòn, với bản chất phù phiếm nhẹ dạ cả lòng ấy, với lòng phù thịnh nhưng đãi suy hồn hậu đó, khi như nhân tình, như hồng nhan tri kỷ, có khi lại như những bà thím bà má Nam Bộ xởi lởi nơi những nếp gia liếp thưa mà lu nước mưa luôn đầy mát lòng người lỡ bộ.

Sài Gòn, vốn được biết tới là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất trên dải đất hình chữ S. Nhưng với Trác Thúy Miêu, một trong những người thuộc thế hệ cuối cùng có những kỷ niệm và tâm thức Sài Gòn kiểu cũ, cô có những quan sát rất riêng, tinh tế mà khác lạ về mảnh đất này. Trác Thúy Miêu đã ấp ôm những mảnh ký ức cùng nỗi niềm chất chứa và tình yêu mãnh liệt với vùng đất này, chắt chiu tạo nên hình hài cho đứa con tinh thần đầu tay – Vọng Sài Gòn, cuốn tản văn nhắc nhớ chút kỷ niệm và ý niệm về Sài Gòn qua những trải nghiệm sống động và mang dấu ấn cá nhân của tác giả.

Vọng Sài Gòn được viết bởi một người con của Sài Gòn, mang trong mình một tình yêu sâu đậm mà nhiệt thành bạo liệt với chính nơi này. Tình yêu ấy vừa tự nhiên, chân thành như người con sống trong gia đình nhưng cũng mãnh liệt đầy cuồng si tựa lứa đôi bên nhau. Chính quãng thời gian ngót nửa thế kỷ sống trong lòng Sài Gòn đã khiến Trác Thúy Miêu có thể lột tả và trả cho Sài Gòn những định tính, nhân xưng, biểu lộ chính xác nhất. Cũng hai tiếng Sài Gòn thân thương, gần gũi nhưng cô đã bóc tách thành hàng vạn mỹ từ: ly loạn, trầm luân, kiêu kỳ, phù phiếm…

Bìa cuốn sách Vọng Sài Gòn.
Bìa cuốn sách Vọng Sài Gòn.

Bằng ngôn ngữ trau chuốt, văn phong bạo liệt cùng cách kể chuyện sắc sảo, chọn lọc chi tiết từ những hồi ức của bản thân, Trác Thúy Miêu dẫn lối cho người đọc bước vào cuộc chơi buồn vui với Sài Gòn. Cô nhắc nhớ Sài Gòn một thời bao cấp nặng nề, nỗi khắc khoải về sự tàn lụi của sân khấu cải lương, sự xuất hiện của những cư dân thành phố, tính hay chuyện của dân Sài Gòn hay một cái nhìn bao quát, ôm trọn cả thành phố từ con sông chính chảy qua nơi đây – sông Sài Gòn. Những ấn tượng của cô, dù nhỏ và riêng tư nhưng phản chiếu đầy tinh tế.

Đọc Vọng Sài Gòn, người ta thấy phảng phất niềm tiếc nuối về phong vị xưa cũ của thành phố trong tác giả nhưng trên hết, họ thấy một tình yêu sâu sắc. Trác Thúy Miêu không chỉ yêu, cô như một người đi truyền đạo của người yêu Sài Gòn, muốn kêu gọi tình yêu ấy từ những người trẻ. Dưới ngòi bút trải đời mà sắc bén, Trác Thúy Miêu thôi thúc người ta đọc về Sài Gòn và trải lòng về một Sài Gòn của riêng mình.

Trác Thúy Miêu sinh năm 1975, tên thật là Vũ Hoài Phương. Cô là một nhà báo –  một cây bút sắc sảo của mảng văn nghệ thời trang, một người dẫn chương trình truyền hình. Cô được nhiều người biết tới trong vai trò người dẫn chương trình Chuyện đêm muộn phát sóng trên VTV3. Với cá tính mạnh cùng vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, Trác Thúy Miêu đã để lại ấn tượng sâu sắc và được nhiều khán giả yêu mến. Hiện cô đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vọng Sài Gòn là tâm sự ngút lòng của một người yêu Sài Gòn bất chấp, tình yêu đó rất… boléro, rất “mùi” từ gót chân của quá khứ cho tới sợi tóc của hiện tại, mà những dòng chữ được viết bằng trái tim đắm đuối, làm người đọc có khi muốn khóc, có khi mắc cười, có khi vui, có khi buồn, có khi tức tưởi, có khi nổi sùng, nhưng thường là bị làm cho đau! Cái cách “túm đầu túm cổ” người đọc như vậy, ra đòn sắc cạnh và dừng lại mướt mát, chính là thẻ ID nhận diện Trác Thúy Miêu trên văn đàn. Không giống ai hết, một mình bước đi trên một quang lộ do chính mình khai phá, tự sạc năng lượng và tự phát sáng vừa đủ công suất cần thiết để người ta thấy mình. Bạch Mai, nguyên trưởng ban Văn hóa – văn nghệ Báo Phụ nữ TP.HCM.

Đọc sách để thư giãn, nhưng không phải với cuốn này. Miêu viết là để bạn đọc đấu vật với tiềm thức của chính mình, cào xới đến sây sát cả tàng thức để tìm cho ra những hạt đậu tốt/xấu mà mảnh đất này để lại. Để biết mình đang yêu một thành phố như thế nào Liêu Hà Trinh, MC truyền hình, diễn viên.

Người viết cuốn sách có tình yêu nồng nàn đến dữ dội đối với vùng đất Sài Gòn khiến cho bất cứ ai, dù sống ở đây chưa lâu hay có gốc gác nhiều đời ở vùng đất này, vừa cảm thấy gần gũi nhiều điều cuốn sách đề cập đến, vừa cảm thấy tình không đủ nặng, yêu chưa da diết và còn nhiều thờ ơ với nó, khi đọc những trang viết của Trác Thúy Miêu.– Phạm Công Luận, tác giả của Sài Gòn chuyện đời của phố.

Trích đoạn

Bởi Sài Gòn là một đô thị…nặng mùi. Một tạp âm hổ lốn, đa tầng được cảm nhận bởi khứu giác đã bão hoà từ quá lâu đủ để chậm chạp bóc tách từng lớp, từng nốt trầm tích mùi hương ấy ra mà phân tích một thứ “hương Sài Gòn” chuẩn xác.

Bốn mươi năm sống trong lòng Sài Gòn, tôi dõi theo ký ức của chính mình, nhắm mắt lại, hít thở và để mặc những nốt mùi hương làm công việc của nhà điêu khắc, tạc vóc chân dung Sài Gòn. Bốn mươi năm của một hành trình thoái hương đầy biến cố, cho đến khi bất cứ dòng nước hoa xưa cũ nào với trường phái đặc thù của mỹ cảm 1920 và 1970 cũng có thể lập tức phục dựng sinh động một kỳ đoạn nối dài từ giữa những năm 1970 đến cuối thập niên 1980 của Sài Gòn, trở mình giữa lệ và hoa.

—–

Ai sống ở Sài Gòn mà không có lấy một quán café quen tới mức không cần gọi món và có thể đường hoàng ký sổ thì chỉ mới sống ở Sài Gòn chớ chưa thật sự là “dân Sài Gòn thứ thiệt”. Trải dài từ quán cóc vỉa hè cho tới những tiệm café hạng “danh gia vọng tộc” khu trung tâm. Ở Sài Gòn, cứ kể cho tôi nghe về tiệm café ruột của anh, tôi sẽ đoán được anh là ai.

Tiếc thay, xảo thuật sơ giao đó bây giờ hơi khó xài bởi lũ lượt những cửa tiệm mới được mở ra, phần lớn thuộc cơn lốc “chuỗi café” đồng hóa, khiến việc nhận diện thị dân qua sở thích cũng muôn phần khó hơn. Người ta là chuỗi những Nguyên, những Long, những Xô-Đựng-Sao và những Lá-Và-Hột đều tăm tắp theo một quy chuẩn được hệ thống hóa, nở rộ trên bình địa được san phẳng thênh thang như quảng trường ngoài trung tâm, như một cuộc đại đồng hóa hân hoan đang từ từ nghiến nát những góc quen đã thành đặc sản, hồn vía và thuộc tính Sài Gòn.

Nhưng đó chính là khi người ta chợt da diết nhớ cái cảm giác nghiễm nhiên thuộc về một góc quen, cái thú tận hưởng văn minh dịch vụ “đo ni đóng giày” dành cho khách quen thay cho những câu chào đồng thanh của kỹ nghệ tân mậu dịch.”

—–

Ngày đó, ngay cả tác phong hành xử giao tế khi đi vũ hội cũng được các vũ sư hay ba mẹ dạy kỹ càng, đứa nào cũng phải học cách phục sức điệu nghệ, con trai học thắt cà vạt, chải gel, xài những chai Brut hay Old Spice đầu đời, con gái tập tự bới tóc, thoa son, tập ráp xắc tay với váy đầm cho hạp.

Không đơn giản chỉ là lề luật nguyên tắc xã giao của một thú tiêu khiển cao nhã văn minh, đó cũng là cái làm nên cung cách phong lưu mã thượng của một thanh niên Sài Gòn sành điệu, trong cả hành vi xã hội và tình ái về sau.

Con trai Sài Gòn đúng điệu khi ấy, ngoài công cuộc kinh sử ở trường văn hóa, cậu nào cũng được gia đình đầu tư “thủ thân” cho ít nhất một môn võ thuật theo đúng hình mẫu Lý Tiểu Long, biết chơi một nhạc cụ, bình dân nhất cũng xử lý được món Tây Ban cầm làm tài vặt, và cuối cùng, phổ cập nhất, vẫn là vài đường lả lướt để đối phó với nghi thức giao tế trưởng thành: đó là nhảy đầm. Cũng như nhu đạo hay thái cực đạo, nhảy đầm, hay khiêu vũ, không chỉ là một kỹ năng mềm trong giao tế xã hội- đạo lý và những nguyên tắc bất thành văn của “món ăn chơi” này chính là bộ môn “nam giáo” sơ đẳng cho hành trang trưởng thành của bất kỳ cậu thiếu niên nào.”

BTV

Cùng chuyên mục