“Việt Nam tuy không trật tự bằng Nhật và Singapore nhưng tôi lại thích điều đó”

Đến các quốc gia khác với nơi cha sinh mẹ đẻ để làm việc đã là xu hướng toàn cầu hoá. Và Endo Ayako, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn đầu tư One Clappin đã lựa chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống, làm việc…

Giấc mơ về một khu du lịch sinh thái giới thiệu các sản phẩm từ ca cao của Việt Nam

Endo Ayako là một phụ nữ Nhật nhỏ nhắn, thanh mảnh, thoạt nhìn có thể nghĩ Ayako là người Việt. Tôi gặp Ayako vào giữa năm 2018 khi đi cùng một cô bạn Nhật Bản dạy tiếng Việt tại một trường trung học ở Tokyo. Ayako và bạn của tôi từng học chung lớp ngữ văn tiếng Việt ở trường đại học Osaka và từng có thời gian sang Việt Nam thực tập. Do duyên nợ với Việt Nam, Ayako ở lại Sài Gòn làm việc, và gần 10 năm sống ở Việt Nam đã khiến cô gắn bó với mảnh đất này.

Endo Ayako (bìa trái ảnh) giới thiệu các sản phẩm từ hạt ca cao Việt Nam cho các bạn người Nhật - Ảnh TT
Endo Ayako (bìa trái) giới thiệu các sản phẩm từ hạt ca cao Việt Nam cho các bạn người Nhật. Ảnh TT

Lúc đó Ayako dẫn chúng tôi đi thăm vườn ca cao của ông chủ Trịnh Văn Thành ở xã Xà Bang huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi mà cô đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp Nhật cần mua hạt ca cao của Việt Nam từ năm 2017. Thời gian đó, cả Ayako và ông Thành đều đang ấp ủ giấc mơ cùng hợp tác xây dựng một khu du lịch sinh thái tại huyện Châu Đức để giới thiệu các sản phẩm từ cây ca cao Việt Nam cho du khách trong và ngoài nước. Gần một năm sau, khu du lịch sinh thái ấy đã ra đời và khai trương vào cuối tháng 5/2019 với tên gọi Binon Cacao nằm bên cạnh hồ Bàu Sen tĩnh lặng và có rất nhiều cây xanh tuổi đời cả trăm năm.

Vào cái ngày chúng tôi đi cùng Ayako lần đầu tiên xuống xã Xà Bang, khu du lịch sinh thái trong tương lai ấy còn bừa bộn lắm, cỏ dại cao ngất và bữa trưa của chúng tôi được dọn ra ngay bên cạnh hồ Bàu Sen, với những chiếc ghế xếp trên nền đất bập bênh. Tôi nhớ có món bánh đa nướng xúc tép tươi, cháo nấm và món ếch xào lăn – những chú ếch đồng được “soi” chứ không phải ếch nuôi – nên thịt béo và ngọt.  Dù thức ăn được đựng trong nồi, chảo và chén đĩa mỗi thứ một kiểu chẳng ăn nhập gì với nhau, Ayako và hai cô bạn người Nhật ngồi ăn ngon lành và chẳng ngại ngần bất cứ món nào. Anh Thành – chủ doanh nghiệp ca cao Thành Đạt có vẻ quý mến Ayako, cho biết Ayako đã giúp nông dân chúng tôi bán hạt ca cao Việt Nam sang Nhật. Cây ca cao trồng ở Việt Nam cho ra hạt có phẩm chất tốt trên thế giới, với hàm lượng bơ chiếm tỷ lệ cao và quá trình lên men hữu cơ đã giúp hạt ca cao giữ lại vị chua nhẹ tự nhiên. Mặt khác, bột ca cao Việt Nam được nghiền từ hạt đã tách vỏ chứ không bao gồm luôn vỏ như các loại bột ca cao nhập từ nước khác nên giá bán luôn cao hơn.

Ayako thích trái cây Việt Nam và là cầu nối giữa các trang trại và các công ty Nhật
Ayako thích trái cây Việt Nam, cô là cầu nối giữa các trang trại và các công ty Nhật.

Nhờ có Ayako, tôi và hai cô bạn người Nhật của cô mới tận mắt thấy những trái ca cao có kiểu mọc ngộ nghĩnh ở thân cây, mới biết hạt trái ca cao tươi có vị chua chua ngọt ngọt thơm thơm và biết đến ngoài bột ca cao và các sản phẩm chocolate, hạt từ trái ca cao còn có thể làm ra rượu ca cao và những hạt ca cao nibs – hạt ca cao vụn – hiện đang là món ăn vặt thời thượng của giới văn phòng người Nhật và các nước phát triển khác.

Thích Việt Nam vì Việt Nam… không trật tự như Nhật và Singapore

Ayako có phong cách giản dị, cô bảo mình đã mua một căn hộ nhỏ ở quận 2 và cứ hai tháng mới về Nhật Bản một lần. Mỗi lần về Nhật, cô thổ lộ lại nhớ cà phê phin không đường, nhớ một số món ăn Việt Nam. Từ nhà ở quận 2, mỗi ngày cô đến công ty ở quận 1 bằng xe gắn máy và chỉ khi nào trời mưa mới mở app đặt xe bike công nghệ. Mặc dù đã từng bị giật điện thoại và bị lấy cắp nón bảo hiểm,  Ayako vẫn không sợ và cho rằng do mình bị xui xẻo thôi. Theo Ayako, lý do khiến cô thích làm việc ở Việt Nam là vì ở đây dễ sống hơn ở Nhật Bản.

Cô giải thích: Người Nhật thường cứng nhắc, không linh động, cái gì cũng theo quy định, theo ý của cấp trên. Khi tiếp xúc họ ít có vui vẻ, phân biệt rõ hai vùng công việc và gia đình, trong khi người Việt thoải mái hơn, thân thiện hơn, khi cùng làm việc có thể chia sẻ về gia đình. Mặt khác, người Nhật xem khách hàng là Thượng Đế nên người bán rất dễ bị ép thì ở Việt Nam, quan hệ giữa khách hàng và người bán hàng phải win-win (hai bên cùng có lợi) nên dễ làm hơn.

Ayako sử dụng xe gắn máy để đi làm mỗi ngày và có kinh nghiệm chỉ nên đi xe cũ
Ayako sử dụng xe gắn máy để đi làm mỗi ngày.

Một lý do khác lạ nữa mà Ayako nói ra là Ayako không thích Việt Nam sạch sẽ quá hoặc trật tự quá như ở Nhật Bản và Singapore, bởi sự nghiêm khắc của xã hội dễ làm cho mình buồn chán. Cô bảo nguyên tắc sống của Nhật Bản là làm cái gì cũng 100% hoặc hơn. Thời gian đầu, Ayako từ quê Osaka đến Tokyo sống cũng thấy khác biệt. Theo Ayako, cái gì cũng phải có mức độ, nếu ai đó khó quá cũng khó sống. Sống ở Sài Gòn, Ayako quan niệm nếu người hàng xóm làm ồn ào mỗi ngày thì Ayako sẽ chuyển nhà, còn nếu hai ba tháng họ mới làm ồn một lần thì không sao.

Nhìn Endo Ayako nỗ lực mỗi ngày để quảng bá các loại trái cây Việt Nam cho người Nhật, tôi tự nghĩ có lẽ ngay từ khi chọn môn ngữ văn tiếng Việt ở trường đại học Osaka là cô đã “bén duyên” với Việt Nam rồi và điều đó thật đáng trân trọng biết bao.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào đầu năm 2019, hiện có khoảng 80.000 người ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam, chủ yếu cư ngụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Thanh Thủy

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục