Viết lách là hành trình đơn độc
Để tạo nên vẻ đẹp của ngôn từ, nhà văn phải lao động một cách miệt mài, không ngừng sáng tạo, đấu tranh với những cái cũ kỹ, xáo mòn trong con người mình.
Nhà văn Uông Triều là người luôn muốn thử thách ngòi bút của mình. Với anh, văn chương giống như cuộc du hý, mỗi thể loại là niềm vui mà người viết có thể gặp trên đường. Đã dấn thân vào nghiệp văn, kẻ phu chữ không nên trói buộc mình ở một thể loại nhất định. Dẫu thành công, hay thất bại, hãy thử sức mình ở những sân chơi mới.
Uông Triều đến với văn chương bằng truyện ngắn. Sau đó, anh viết tiểu thuyết, rồi bút ký và tản văn. Là người say sưa đọc sách, thích viết và ham trò chuyện về văn chương, những câu chuyện “hậu trường” trong quá trình sáng tác của bạn bè, đồng nghiệp và cả những bậc tiền bối luôn khiến anh hào hứng.
Thế giới của sáng tạo là tập tiểu luận văn chương mới được phát hành của nhà văn Uông Triều. Với anh, viết lách là một hành trình đơn độc, nhưng ở đó luôn ẩn chứa niềm vui.
Để tạo nên vẻ đẹp của ngôn từ, nhà văn phải lao động một cách miệt mài, không ngừng sáng tạo, đấu tranh với những cái cũ kỹ, xáo mòn trong con người mình để viết nên những điều mới lạ.
Lời khen, tiếng chê: Chuyện muôn thuở của văn chương
Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo của riêng người viết. Nhưng khi đã được xuất bản rộng rãi, nó trở thành món ăn tinh thần của hàng nghìn độc giả. Từ xưa đến nay, chuyện “chín người, mười ý”, khen chê lẫn lộn, cùng những luồng ý kiến trái chiều về chất lượng của một tác phẩm, đã trở thành chuyện “xưa như Trái Đất”.
Thế nhưng, nhiều nhà văn vẫn cảm thấy không hài lòng khi đứa con tinh thần của mình gặp phải những lời chê bai. Đặc biệt, tác giả còn khó chịu hơn khi những nhận xét có phần thẳng thắn ấy đến từ các nhà phê bình.
Giữa nhà văn và nhà phê bình luôn có những “trận chiến”. Chúng có thể diễn ra âm thầm, đôi khi trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa trên văn đàn.
Chắc hẳn, nhiều độc giả sẽ cho rằng giữa nhà văn và nhà phê bình chỉ tồn tại mỗi quan hệ cạnh tranh. Khi đọc hai bài viết Nhà văn và nhà phê bình và Quyền lực của nhà phê bình, chúng ta sẽ có cái nhìn khác về mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này.
Sáng tác của các tác giả chính là “nguyên liệu đầu vào” để các nhà phê bình có thể sử dụng năng lực thẩm định và đánh giá của một “siêu độc giả”. Tất nhiên, chẳng ai muốn công sức của mình bị chê bai.
Nhưng nhờ có sự góp ý thẳng thắn của các nhà phê bình, người cầm bút mới biết đâu là cái hay, cái dở trong tác phẩm của mình. Từ đó, sửa đổi và trau chuốt để các sáng tác sau này hấp dẫn hơn.
Đến đây, chúng ta có thể thấy mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình không chỉ là mối quan hệ “cạnh tranh”, mà còn là mối quan hệ “cộng sinh”.
Không có một nền phê bình phát triển, với cái nhìn đa chiều, dám nói thẳng nói thật thì văn chương không thể phát triển. Các nhà văn, hãy cứ xem nhà phê bình như một độc giả khó tính mà thôi.
Văn chương là sản phẩm của sự sáng tạo. Nhà văn có thể mặc sức liên tưởng để kể nên câu chuyện của mình. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng con được tạo tác nên một áng văn có giá trị cũng lắm nhọc nhằn.
Tưởng tượng là một thứ không có giới hạn, nhưng nhà văn lại gặp phải những rào cản trong quá trình liên kết hình ảnh để tạo ra các hình tượng và quan niệm mới.
Rào cản lớn nhất của tưởng tượng có lẽ là những quan niệm về tôn giáo và đạo đức. Đôi khi, để vượt qua những rào cản này, có một số nhà văn đã phải trả giá bằng an toàn tính mạng. Câu chuyện của tác giả người Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie mà nhà văn Uông Triều dẫn ra trong sách là một ví dụ.
Nhà văn, nhà thơ vốn là những con người nhạy cảm. Những biến đổi của thời cuộc, cạn kiệt khả năng sáng tạo và sự thất vọng về bản thân là những nguyên nhân khiến họ suy sụp. Nhiều nhà văn đã tìm đến cái chết để giải thoát cho mình khỏi những nỗi đau mà văn chương và cuộc đời mang lại. Bởi vậy mới nói: Nhà văn là một nghề nguy hiểm!
Nhà văn đọc sách như thế nào?
Tác giả của Ngôi đền vàng, nhà văn người Nhật Bản Yukio Mishima đã từng nói: “Người đọc nhiều sách chưa chắc đã trở thành nhà văn. Nhưng nếu muốn trở thành nhà văn, chắc chắn phải đọc nhiều sách”.
Trong cuốn tiểu luận văn học Thế giới của sáng tạo, Uông Triều cho độc giả thấy vốn đọc sâu và rộng của mình.
Anh là một con người ham đọc, đọc nhiều và đọc kỹ. Trong cuốn sách này, anh không quên dành tình cảm cho các nhà văn mà mình yêu quý như: Victor Hugo, Houellebecq, Patrick Modiano, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng và nhiều cái tên khác nữa.
Với các nhà văn, đọc sách không chỉ là thú vui giải trí. Một tác phẩm hay, có giá trị còn khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm khác, của các nhà văn thuộc thế hệ sau. Đây không phải là chuyện hiếm của văn chương thế giới nói chung và văn chương trong nước nói riêng.
Theo nhà văn Uông Triều, người viết đừng ngần ngại thổ lộ rằng mình thần tượng một bậc tiền bối nào đó. Cũng chắc cần xấu hổ, hay buồn rầu vì được nhận xét rằng văn chương của mình bị ảnh hưởng bởi một nhà văn đi trước.
Đọc sách, chính là một cách học của nhà văn. Nếu không chăm chỉ đọc, người cầm bút sẽ không tìm được hướng đi đúng đắn cho mình.
Thế giới của sáng tạo không được viết bằng bút pháp của một nhà phê bình. Nó cũng không phải là trải nghiệm của một nhà văn trong suốt quãng thời gian dài lăn lộn cũng chữ nghĩa. Trước hết, cuốn sách này được viết bằng cảm nhận của một “mọt sách”, với những tác phẩm mà anh yêu thích. Một kẻ ham đọc sẽ lâng lâng vui sướng nếu đọc được một cuốn sách hay.
Không sử dụng nhiều thuật ngữ mang tính chuyên môn, cuốn tiểu luận văn chương của Uông Triều mang sắc thái gần gũi và giản đơn. Nó giống như những chia sẻ của một người ham đọc về quá trình đọc sách và trải nghiệm với văn chương của bản thân.
Được viết bằng ngôn ngữ dí dỏm, hài hước và dung dị, tập tiểu luận của Uông Triều là món quà dành cho số đông những người yêu sách. Không cần kiến thức lý luận phê bình văn học, độc giả cũng có thể làm bạn với cuốn sách này và tìm thấy trong đó nhiều câu chuyện thú vị.
Thụy Oanh
Theo Zing.vn
Link nguồn: https://zingnews.vn/viet-lach-la-hanh-trinh-don-doc-post1128421.html