Vị mặn mòi của những giọt mồ hôi
Khó có thể nói hết được nỗi vất vả của người nông dân. Nắng mưa vẫn khom lưng cấy. Những giọt mồ hôi đã nhỏ xuống hòa vào dòng nước nuôi dưỡng cây lúa lớn lên.
Tháng năm âm lịch tháng của cái nóng đỉnh điểm trong năm, mới sáng ra đã nóng, đến chiều muộn cái nóng vẫn chưa chịu tan vào đá núi. Ấy thế mà đối với người nông dân lam lũ quê tôi lại là tháng vất vả nhọc nhằn, đua tranh với thời gian nhất.
Sáng bảnh ra trên cánh đồng làng tiếng các loại máy cày bừa nổ giòn tan. Người nào cũng muốn giữ lại nước không cho nó chảy về cuối nguồn hay ngấm vào lòng đất. Trên những mảnh nương mảnh ruộng, các mẹ các chị đang ngồi túm tụm, đôi bàn tay thoăn thoắt nhổ từng cây mạ non, nón trắng rợp trời.
Sáng cấy, chiều cấy, đôi tay người đàn bà không ngưng nghỉ. Một ngày trừ giấc ngủ ra còn lại thời gian trong ngày họ khom lưng trên những mảnh ruộng đủ hình dạng, kích cỡ cấy lên những hàng lúa thẳng băng.
Khó có thể nói hết được nỗi vất vả của người nông dân. Nắng mưa vẫn khom lưng cấy. Những giọt mồ hôi đã nhỏ xuống hòa vào dòng nước nuôi dưỡng cây lúa lớn lên. Hơn ba tháng trời từ lúc gieo mạ đến khi cấy hái người dân quê tôi đổ bao công sức vào cây lúa.
Chẳng thế mà có những câu thơ đọc lên bùi ngùi xúc động. “Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, “một hạt thóc chín giọt mồ hôi”… Cái điệp khúc mưa nắng làm cho cây lúa tốt tươi, đến khi cầm trên tay nắm cốm được làm từ cây nếp cao thơm, pì pất (tên 1 giống lúa nếp) đưa lên miệng ăn nhớ đến người mẹ ngày nào khom lưng cấy, gánh phân ra đồng. Ăn một bát cơm dẻo mà như nghe trong đó có vị mặn mòi của những giọt mồ hôi.
Tháng năm chưa nằm đã sáng, mẹ tôi không kịp ăn sáng chưa kịp rửa mặt đã vội ra đồng tranh thủ cấy những cây mạ xuống đất. Trưa nắng mạnh cấy cây lúa sẽ bị héo và chậm bén rễ.
Có lẽ tháng tư tháng năm là hai tháng mà người phụ nữ bán lưng cho trời, bán mặt cho đất nhiều nhất. Nghỉ chẳng được nghỉ, ăn tranh thủ, nhưng ai cũng tranh thủ làm xong mùa vụ. Mồ hôi ướt đẫm vai áo mẹ, nhưng những người đàn bà vẫn cười vui tin ở mùa thu hoạch. Cây nuôi sống con người, người năng chăm bón cây không mấy phụ công. Tôi luôn nhớ câu nói của bà mỗi khi mùa vụ đến.
Trước kia khi chưa có máy móc kéo cày, bừa làm đất thay trâu, mùa cấy kéo dài hàng tháng trời chưa xong. Những đám ruộng lớn cần tới hai, ba mươi con trâu bò hợp sức lại. Sáng sớm tinh mơ đã phải ra đồng bừa, đến giữa trưa đã nghe thấy tiếng hò hét đuổi trâu bò để “loát” ruộng cho bằng phẳng tiện cho việc cấy lúa.
Nhưng giờ đã có máy móc làm thay trâu bò. Người quê tôi có câu “pẻnh tái le mò vài phằng, khấu núa đắm đéng mò vài hảy” (ăn tết slíp slí trâu bò sung sướng, xôi đen đỏ, sau lễ tảo mộ mồng ba tháng ba âm lịch trâu bò khóc). Bởi sau lễ tảo mộ trâu bò không sáng nào được nghỉ.
Sáng cày đất, chiều đi bừa mấy tháng liền thì chẳng khóc. Từ ngày có máy móc trâu bò được thảnh thơi. Bây giờ có gia đình nuôi năm sóc con trâu bò nhưng không có một con biết kéo cày, kéo bừa. Đến buộc còn chưa cho chủ buộc dây dắt đi ăn cỏ. Nuôi trâu bò giờ chỉ lấy phân bón cho cây trồng, có còn ai nuôi gia súc để làm sức kéo?
Máy móc tấu bản hùng ca trên đồng ruộng, không biết đến bao giờ những người đàn bà không còn phải khom lưng cấy lúa? Xem trên vô tuyến thấy nhiều nơi đã có máy cấy lúa. Nhưng những cái máy cấy lúa kia có đi được trên những mảnh ruộng bậc thang, uốn cong theo những quả đồi?
Máy móc sẽ thay thế con người, một ngày nào đó mẹ tôi sẽ không còn khom lưng cây lúa để nắng rọi trên đầu, mưa xối xả trên lưng. Thương người nông dân làm ra hạt thóc, hạt gạo trắng ngần đem bán chẳng được bao nhiêu. Bát cơm dẻo thơm đưa lên miệng, có mấy ai thấy được cái đắng cay muôn phần mà người nông dân nhọc nhằn vất vả để làm ra hạt thóc, gạo.
Nông Thanh Tùng
Theo Zing.vn
Link nguồn: https://zingnews.vn/vi-man-moi-cua-nhung-giot-mo-hoi-post1107683.html