Về Tam Mỹ ngắm… ba cái đẹp

Chúng tôi ví von khi ghé Tam Mỹ và gọi nơi này là xứ sở của “ba cái đẹp”. Là Hố Giang Thơm trong veo, là vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ sum suê và đàn voọc chà vá chân xám quý giá… 

ve-tam-my
Vẻ đẹp thanh bình của một nhà vườn ở thôn Tú Mỹ. Ảnh: Q.T

Rủ rỉ cùng… voọc

Tám giờ sáng, mặt trời đã nhô hẳn khỏi đỉnh đồi. Tiếng chim rừng lảnh lót khắp các sườn núi. Chiếc xe máy ì ạch bỏ lại mấy con dốc lởm chởm sỏi đá cùng vết nhão nhoẹt bùn đất do những cơn mưa cuối mùa còn hằn lại.

Bỏ xe bên bìa rẫy keo, ông Huỳnh Công Phương – tổ phó tổ tuần tra thôn Tú Mỹ vừa bước thoăn thoắt theo lối mòn vào rừng vừa ngoái đầu thúc gịuc: “Mấy chú nhanh chân chút nữa chứ giờ này dễ mà đám voọc chúng nó ăn no đi ngủ hết rồi”.

Chúng tôi tạm dừng chân trên một khoảnh đất trống nhỏ, phía trước tầm mắt là vạt rừng già um tùm trên đỉnh Hòn Dồ. Hòn Dồ là khu vực còn bảo tồn được diện tích rừng già lớn nhất ở Tam Mỹ Tây với khoảng 10ha và cũng là điểm ghi nhận nhiều cá thể voọc sinh sống nhất trong số 4 hòn núi trên địa bàn xã.

Tôi toan tiến đến sát rừng già hơn thì ông Phương ngăn lại. “Đứng từ đây là dễ quan sát voọc ở Hòn Dồ nhất rồi. Mọi hôm tôi đi tuần tra hay bắt gặp chúng nó tụ tập cả đàn ăn lá non ở cây da xanh kia. Đàn voọc này định cư ở đây từ lâu lắm rồi mà mấy chục năm trước có ai biết nó quý hiếm đâu, người dân trong làng lầm tưởng là khỉ đầu chó. Hồi đó rừng già còn nhiều, người dân chỉ cần ra sau hè nhà ngoái lên là thấy nó ngồi vắt vẻo, lộn nhào qua lại nhìn rất vui mắt” – ông Phương kể.

“Đó đó, voọc kìa”. Giương vội ống kính về hướng ông Phương chỉ, đúng là một con voọc trưởng thành đang túc tắc “ăn sáng”. Có lẽ nó đã ngủ nướng hoặc háu ăn hơn so với bầy đàn. Mươi phút trôi qua, con voọc chỉ lẩn quẩn trên cây da đâm cành vắt bên vách núi, rồi lẩn khuất vào bụi lùm.

Thực ra, Hòn Dồ cũng không rộng lắm. Từ Hòn Dồ sang Hòn Ông cách đường chim bay hơn một cây số và còn bị cắt xẻ bởi đồng ruộng, rẫy keo nên trước giờ, đàn voọc ở đây chưa bao giờ di chuyển qua lại giữa các hòn. Điều đáng mừng là thời gian qua ở cả 4 hòn đều ghi nhận có sự xuất hiện voọc non.

Ông Võ Ngọc Danh (62 tuổi), một thành viên khác trong tổ tuần tra thôn Tú Mỹ chậm rãi kể: “Mùa xuân là mùa giao phối, sinh sản của voọc. Cái giống này nhìn ngồ ngộ mà lại hiền khô à, không như khỉ tụ tập cả đàn mấy chục con kéo nhau hết từ hòn này đến hòn nọ phá phách. Khi chúng giao phối cũng ngộ lắm. Con đực với con cái mỗi đứa mỗi góc đang ngồi nhấm nháp tự nhiên vậy cái xáp lại xẹt xẹt mấy giây là xong à. Mà chỉ có con đực đầu đàn mới được giao phối với các con cái trong đàn thôi. Hồi trước, có lần tôi nghe tiếng chí chóe vang vọng khắp rừng. Anh em hoảng hồn tưởng nó mắc chân vào bẫy thú, hớt hải cùng công an xã chạy lên mới vỡ ra là tiếng của con cái hú khi vào mùa động dục để báo hiệu cho bạn tình”.

“Coi vậy chứ chúng cũng tinh ranh lắm mới duy trì nòi giống được tới chừ trong một không gian nhỏ hẹp như vậy chứ?” – tôi gặng hỏi.

“Voọc nó ăn nhiều loại lá nhưng khoái nhất là lá mơ, còn con cái trong kỳ sinh đẻ hoặc con non thì rất thích ăn lá sâm đất. Nó cũng chỉ chọn ăn quả già chứ không ăn quả chín nẫu vì sợ đau bụng. Lâu dần tôi tự hỏi rằng có vẻ nó biết lựa chọn những loại dược liệu này để tăng sức đề kháng, tăng khả năng sinh tồn. Ngay cả nước tiểu và phân dãi của nó trên lối mòn trong rừng hình như cũng có toan tính. Mấy thứ này của chúng khi con người đi ngang qua hít phải mùi rất dễ bị hắt xì. Từ tiếng động đó, nhận thấy sự nguy hiểm rình rập, con voọc đầu đàn sẽ kêu “khột, khột” ra hiệu tập trung rồi dẫn đàn của mình lẩn vào sâu trong rừng” – ông Danh chia sẻ.

Hương xuân Tú Mỹ

Trưa tháng Giêng, nắng hanh hao trải khắp các triền đồi. Con dốc đá rêu phong và hai hàng cau đều tít tắp dẫn vào “farmstay – vườn rừng” của ông Danh làm tôi liên tưởng đến mấy vần thơ trong tác phẩm “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Ngả lưng xuống chiếc võng treo sát rào dậu, gió thổi lồng lộng qua khóm mít cùng với con nước trong mát từ Hố Xanh chảy róc rách men theo bờ đá làm tôi ngỡ như vẫn còn lạc trong rừng già. Bóng râm phủ đều hai sào đất vườn của “già Danh” – tên thân mật mà mọi người hay gọi ông Võ Ngọc Danh. Lác đác trong vườn, cành cây xiêu vẹo, tơi bời. Có lẽ là vết hằn chưa lành của mùa mưa bão khắc nghiệt năm trước.

Bà Dung – vợ ông Danh xởi lởi: “Khách họ thấy vườn mát mẻ nên cũng hay ghé về chơi lắm, kiểu nhóm khách gia đình. Thường thường đến mùa trái cây rộ thì khách họ đến chơi, ăn uống rồi mua hái tại chỗ luôn. Xoài, mận, mít, chôm chôm đủ hết. Dần dà rồi không cần phải đem ra chợ tiêu thụ nữa”.

Trên đường từ Hòn Dồ về Hố Giang Thơm, nhẩm đếm cũng ngót chục vườn cây trái như vậy. Thềm hiên, bờ rào nhà nhà ở Tú Mỹ vẫn ngập sắc xuân. Bươm bướm, vạn thọ, hồng, dâm bụt chen chúc nhau trổ nụ.

Ông Phan Đình Dung – Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây chia sẻ: “Từ công tác bảo tồn, cải tạo hệ sinh thái động thực vật đặc trưng ở thôn Tú Mỹ, xã cũng đã có kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm đến Hố Giang Thơm. Tiếc là hạ tầng, dịch vụ ở đây còn hạn chế chứ khoảng cách từ Tam Mỹ Tây đến Tam Kỳ hoặc sân bay Chu Lai cũng khá gần, thuận lợi để thu hút du khách”.

Đánh thức giấc mơ

Nhắc về du lịch, tôi chợt nhớ có lần trao đổi, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phân tích rằng: “Làm thương hiệu cho điểm đến trên địa bàn tỉnh không khó nhưng quan trọng là phải có yếu tố khác biệt, nhất là với du lịch cộng đồng. Bởi nếu sản phẩm cũng chỉ na ná với vùng ven đô Hội An thì rất khó để thuyết phục du khách di chuyển một khoảng cách xa như vậy để sử dụng dịch vụ”.

Quay lại câu chuyện của Tam Mỹ Tây, với voọc, vùng đất có điều kiện lý tưởng, hiếm có để gầy dựng một sản phẩm du lịch đặc thù ở thì tương lai. Khoảng cách giữa Hòn Dồ – Hòn Ông đến những vườn cây ăn trái cũng như Hố Giang Thơm chỉ chừng 5km. Từ việc thuộc hai thôn khác nhau, các khu vực trên bây giờ chỉ còn nằm trên địa phận thôn Tú Mỹ sau khi sáp nhập.

Nhưng trở lại với thực tại, đàn voọc ở đây đang có một cuộc sống khá khó khăn so với đồng loại  phân bố rải rác dọc theo dãy Trung Trường Sơn. Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) so sánh, tổng diện tích sinh cảnh sống của đàn voọc hơn 1.300 cá thể ở bán đảo Sơn Trà là 4.439ha trong khi ở Tam Mỹ Tây hiện chỉ là 30ha cho gần 70 cá thể. Có thể nhận thấy áp lực lớn nhất đối với bảo tồn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà là từ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, còn với voọc chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây là cộng đồng cư dân ở vùng đệm xung quanh.

“Nếu bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên và phát triển tốt quần thể loài linh trưởng quý hiếm này thì đây là cơ hội để phát triển sinh kế theo định hướng “du lịch sinh thái đúng nghĩa” và các dịch vụ kèm theo loại hình này” – ông Trần Hữu Vỹ nói.

Ông Vỹ đã chỉ đúng thách thức mà đàn voọc ở Tam Mỹ Tây đang vấp phải bởi sinh cảnh sống quá hạn hẹp. Nhưng một phần nào đó, chính nhờ sự tử tế của cộng đồng từ nhiều năm nay với loài linh trưởng này mà chúng mới còn tồn tại được đến hôm nay. “Vành đai an toàn” 3 mét được người dân tình nguyện để trống không canh tác giữa rừng già với rẫy keo và tuần tra tình nguyện đều đặn hàng tuần bất kể nắng mưa đủ cho thấy tình yêu của họ đối với loài động vật thú vị này. Một thời, vì kế sinh nhai, người dân Tam Mỹ Tây phải tiến về phía rừng. Giờ đây, câu chuyện làm sao để họ sống chung, sống bền vững với rừng trở nên bức bách. Theo lời ông Danh, việc bảo tồn voọc để phát triển bắt đầu từ bây giờ đã hơi muộn. Nhưng nếu có khát khao, không bao giờ là muộn để bắt đầu…

Qua theo dõi, ghi nhận của chuyên gia GreenViet và cộng đồng, hiện ở Tam Mỹ Tây ước tính có ít nhất 68 cá thể voọc chà vá chân xám sinh sống ở hốc núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông, Dương Bản Lầu của thôn Tú Mỹ.

 Quốc Tuấn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/ve-tam-my-ngam-ba-cai-dep-109245.html

Cùng chuyên mục