Về quê ăn Tết
Năm nay, mới giữa tháng Chạp, một số người quê tôi đi xa làm ăn xa lâu ngày hay định cư, lập nghiệp ở xứ người đã về quê để chuẩn bị ăn Tết, vui Xuân. Có người hẹn nhau cùng về, có người không hẹn, khi gặp nhau họ đã sớm tạo nên những cuộc hội ngộ rôm rả ở quê làng.
1. Qua chuyện trò, họ nói mình về sớm để kéo dài thêm được ngày vui ở quê nhà, để cùng với người thân vừa lo Tết, vừa sống lại cái không khí rộn ràng, hối hả những ngày tháng Chạp, nhiều cực nhọc, nhiều lo lắng mà vui, mà đáng nhớ. Họ cũng nói, cuộc sống của họ, của quê nhà nay đã kha khá lên rồi, thôi thì bớt chút thời gian, bớt chuyện làm ăn, lợi lộc để dành ngày Xuân ngày Tết cho người thân, cho quê nhà mà cũng là cho chính họ.
Trong tâm thức người Việt Nam ta, câu nói chứa đựng niềm hoan hỉ của người đi xa có lẽ là lời hứa với người thân trong gia đình, dòng tộc hay với hàng xóm, bạn bè là năm nay mình sẽ về quê ăn Tết. Và người ở quê khi nghe được câu này cũng là lúc họ rộn lên niềm vui và đợi chờ những ngày Xuân sum vầy, hội ngộ với người trở lại. Nhân loại có lẽ có rất ít những tộc người không có Tết truyền thống của riêng mình. Và với dân tộc ta, thật đáng mừng, được nằm trong số những dân tộc biết thiêng liêng hóa cái Tết truyền thống của dân tộc mình tự ngàn xưa.
Đáng mừng và ấm lòng hơn, giờ đây cuộc sống khá dần lên từ những chuyển biến kinh tế – xã hội với chiều hướng tích cực, Tết đã mang vào sắc màu tươi rạng, như một “lễ hội” nơi từng gia đình, từng làng mạc, thôn trang, từng con đường, ngõ phố. Và cái “lế hội Tết” của gia đình sẽ tròn đầy biết mấy khi những thành viên trong gia đình cùng ngồi lại bên mâm cổ Tết, cùng vọng nhớ tiên linh qua khói hương là đà, cùng cảm nhận được niềm vui của một cái Tết sum vầy.
Những năm gần đây Tết như đến sớm hơn. Cái không khí tươi vui, rộn ràng không chỉ diễn ra ở nơi phố thị với chuyện sản xuất, bán mua, lưu chuyển hàng Tết mà còn lan tận đến mọi miền quê. Và nổi bật lên trong bức tranh tươi màu đó chính là hình ảnh hân hoan của những người về quê ăn Tết cũng như những người thân của họ. Đường làng ngõ xóm được mở rộng, được bê tông hóa. Người về quê kẻ đi xe ôm; người gọi người thân, bạn bè đến đón; người thuê taxi hay lái ô tô mình sắm được về nhà. Tiếng xe, tiếng còi, tiếng nói cười rộn khắp đường quê.
2. Dù bận bịu với nhiều công việc lúc cuối năm, nhưng bao năm qua, hễ có dịp ra đường vào những ngày tháng Chạp là tôi luôn để mắt ngắm nhìn những dòng người về quê trên những nẻo đường mình qua. Thật lý thú, gặp họ để thấy niềm vui lan tỏa vào lòng mình bởi họ không chỉ về quê đón Tết mà cũng còn… mang Tết về quê. Nguồn thu nhập họ có được từ công việc nơi xa hay từ nơi quê mới đã giúp họ mang về cho gia đình, cho người thân những gì cần cho một cái Tết đủ đầy. Dăm ba năm nay đã có những người xa xứ khi về quê ăn Tết đã tặng quà Xuân cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xóm ngoài làng. Năm nay người này làm, năm sau người khác làm, sự giúp đỡ cho quê nhà từ những người con đi xa khi về quê đón Tết thật đáng mừng, đã lan tỏa…
Cũng thêm niềm vui khi vài năm nay một số người ở nhiều làng quê cũng như ở tôi đã “phục hồi” việc nấu bánh tét, bánh chưng. Cuộc sống bận bịu bởi đa số lớp trẻ đã có việc làm ở các công xưởng ở phố tỉnh, phố huyện; lớp trung niên cũng bận rộn với nghề thợ mộc, thợ nề, lao động phổ thông nên mươi năm nay nhiều nhà đã mua bánh tét, bánh chưng ở chợ thay vì tự nấu. Cũng vậy, khá nhiều người đã chung nhau mua “heo sạch” – heo được nuôi bằng các loại thức ăn truyền thống chứ không dùng bột vỗ béo, bột tăng trọng, rồi cùng nhau mổ thịt chia phần.
Vậy là lửa bếp nấu bánh chưng lại tỏa khắp xóm làng, ngọn khói lại là đà, tiếng heo eng éc thoảng chốc lại vang lên những ngày cuối năm. Dân làng vui – người lớn, trẻ con quây bên bếp lửa bánh chưng bánh tét, bên bữa cỗ lòng heo. Nhưng hoan hỉ nhất có lẽ vẫn là những người xa xứ khi được quây quần bên nồi bánh đang sôi, bên nong thịt heo chia phần với tiếng cười nói rôm rả của bà con. Cái không khí Tết từ ngàn xưa nay lại thấy được.
Hoàng Minh
Theo báo Quảng Nam