Ước mơ làng chài

Như thức dậy sau một giấc mộng đêm hè” kéo dài… 22 ngày, làng chài thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) bừng sáng với những nét vẽ mà từ đó, người dân ở đây có thể mơ những giấc mơ khác mà không phập phồng với lênh đênh sóng biển.

Yên bình biển Trung Thanh.
Yên bình biển Trung Thanh.

1. Đối diện với mé trái nhà văn hóa thôn Trung Thanh, là bức vẽ ông thần đèn. Tác giả của bức vẽ ấy là Choi Rak Won – một họa sĩ của nhóm Dự án mỹ thuật Hàn – Việt. Tôi gặp anh vào đầu tháng 7.2016, khi anh cùng các thành viên trong nhóm của mình đang đi vào giai đoạn cuối của dự án nghệ thuật này ở Trung Thanh.

Khi ấy, trên đầu ông thần đèn, Choi Rak Won vừa hoàn tất một khung chữ mà anh sẽ viết vào đó cụm từ “Con muốn ước điều gì?”. “Trẻ em thường thích những câu chuyện liên quan đến thần đèn. Chúng còn biết cả việc ông thần đèn sẽ mang đến cho chúng những điều ước” – Choi Rak Won nói thêm, trong lúc tôi ngắm nghía bức vẽ ấy.

“Tất nhiên rồi, mọi đứa trẻ đều đáng được có những ước mơ cho riêng mình” – tôi đáp lời. Choi Rak Won cười, ngó lên khung chữ mình vừa hoàn tất: “Nên ước mơ của chúng là gì, hãy để chúng ước riêng và lớn dậy mỗi ngày cùng với ước mơ ấy”.

Một góc làng bích họa.
Một góc làng bích họa.

Vài ngày sau, chính xác là vào ngày 12.7.2016, Dự án mỹ thuật Hàn – Việt làm lễ khánh thành, tuy nhỏ mà ấm cúng. Hôm ấy tôi gặp lại Choi Rak Won, anh thú nhận rằng, ngay cả lúc sắp sửa rời nơi mình gắn bó gần tháng trời, anh vẫn chưa biết được điều ước của lũ trẻ ở đây.

“Nhưng chắc chắn là có, bằng mọi cách nào đấy, hoặc trong những hình thái khác nhau” – anh nói, kiểu niềm tin hơn là giả dụ. Vào dịp Lễ Quốc khánh năm ấy, tôi quay trở lại làng bích họa Trung Thanh, tìm gặp cậu bé có nụ cười rất tươi trong clip mà một nhóm bạn trẻ đã bỏ tâm huyết của mình ra làm, nhằm quảng bá vẻ đẹp đang bừng sáng ở làng chài này.

Cho đến bây giờ, tôi không còn nhớ tên cậu bé, ngoài nước da ngăm đen, gầy và mấy chiếc răng vừa rụng đi. Cậu nói mẹ mua cho mình một thùng lạnh, cho các loại nước ngọt cùng đá viên vào trong ấy để ướp. Rồi cậu chở lên ngay chỗ bức vẽ ông thần đèn để bán, tất nhiên là vào những lúc không đến trường. “Cũng không hẳn vì tiền lắm, chỉ là con ham vui thôi” – cậu bé nói về lý do của mình.

Vài lần sau tôi quay lại, mới biết cậu bé không còn bán nước nữa. Hỏi ra mới hay, cậu bé thấy “không còn ham vui kiểu ấy”. Đúng là trẻ con, chóng thèm cả chán. Nhưng ít ra, làng bích họa cho cậu bé thêm lựa chọn sống vui của mình. Đó là trong nếp nghĩ non trẻ của cậu bé, còn đối với người lớn, thì như mở thêm cánh cửa mưu sinh cuộc đời. Cũng không hẳn là to lớn gì, nhưng họ có thể kê thêm vài chiếc bàn, vài chiếc ghế, bán nước ngọt, cà phê,… thậm chí là giữ xe hay quần áo, mũ nón có in hình làng bích họa.

2. Những trang viết về làng bích họa như tiếp diễn những dòng cổ tích, nhất là khi có dự án nghệ thuật sắp đặt thuyền thúng. Nhưng rồi vài tháng sau đó, thứ người ta tận thấy trên báo chí, các kênh thông tin là Trung Thanh đang quay cuồng trong cơn sốt đất. Thậm chí, còn có thông tin người Trung Quốc đứng sau gây nên sự “nhảy múa” giá đất ở đây.

Du khách selfie tại làng bích họa.
Du khách selfie tại làng bích họa.

Cách đây ít lâu có ghé lại, ngồi quán nước, gặp ông Phan Đình Bông, 51 tuổi, hỏi chuyện đất đai, ông tặc lưỡi: “Thôi, giá đất nó lên lắm. Cái nhà này, hồi trước có làng bích họa, cùng lắm hai, ba trăm triệu. Nay mà hô bán một phát, có người sẵn sàng chồng tiền với mức giá gấp tám, gấp chín, hoặc gấp mười giá cũ liền”.

“Rứa chú có bán không?”. Miệng còn ngập ngụa khói thuốc, ông đáp ngay: “Bán rồi ở mô mi, dân biển mà xa biển thì kiếm chi sống?”. Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy thì, kể từ lúc làng bích họa mình tấp nập du khách, chú có thấy tiêu cực gì chưa?”. “Chưa” –  ông khẳng định ngay.

Dự án nghệ thuật này mang lại cho người dân Trung Thanh rất nhiều cái lợi. Nếu như trước đó họ chỉ có làm biển, buổi sáng họp chợ bán cá rồi xong, rồi làng im lìm, đến chiều, khi những ngư dân tiếp tục ra khơi thì mới lại chộn rộn tý, thì bây giờ, làng như nhộn nhịp cả ngày. Hàng quán theo đó mà mọc lên, rất nhiều.

Tôi hỏi một số người, họ nói rằng thu nhập không quá cao, nhưng “dư sức ngày chợ”. Như vậy là mừng. Đáng mừng hơn, là họ không chèo kéo hay giành giật khách – một điều mà những người làm du lịch ắt hẳn sẽ rất quan tâm.

Và cái người ta tiếp tục quan tâm, là tương lai nào cho làng chài này, khi đã có một vài ngôi nhà, mảng tường được vẽ bị đập phá. Nhiều trong số những bức vẽ, đó có dấu hiệu hư hao. Tôi đem điều ấy, hỏi bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ, thì bà cho biết trong tháng 5.2018 nhóm họa sĩ của Quỹ giao lưu phát triển Hàn Quốc đã quay trở lại Trung Thanh để “sửa” những bức vẽ bị hư hỏng.

Từ ngày có làng bích họa, du khách đổ về Trung Thanh rất nhiều.
Từ ngày có làng bích họa, du khách đổ về Trung Thanh rất nhiều.

Đồng thời, họ đã cho dựng lên những bức tường có tác dụng khỏa lấp những khoảng trống trước khi vẽ mới lên trên đó. “Họ cũng đã vẽ mở rộng làng bích họa lên thôn Thượng Thanh. Du lịch cộng đồng đặt trong bối cảnh phát triển thành phố theo hướng sinh thái, là ưu tiên trong quy hoạch mà chính quyền thành phố đang theo đuổi” – bà Hiền nói.

Tôi quên hỏi là Choi Rak Won có trở lại cùng với dự án lần đó hay không. Nhưng chắc hẳn rằng, sẽ còn đó những giấc mơ được viết tiếp nơi làng chài, khi ông thần đèn vẫn còn mỉm cười với lũ trẻ và người dân nơi đây.

Bài & ảnh: An Vĩnh

 

 

 

Cùng chuyên mục