Từ vẽ truyền thần đến ảnh selfie

Với phần đông người Việt sinh sau chiến tranh thì việc mất ký ức về gương mặt trước tuổi dậy thì là hoàn toàn có thật, do không được chụp hình, hoặc có chụp mà bị thất lạc. Theo nghiên cứu của nhiếp ảnh gia tài liệu Zhuang Wubin, nếu không có/còn hình ảnh trước tuổi dậy thì, đa số sẽ mô tả sai, hoặc không thể hình dung nổi về gương mặt của chính mình.

1.

Chính vì vậy mà ngày xưa, các gia đình quyền thế hoặc giàu có đều tìm cách ghi lại chân dung chính mình và người thân bằng tranh vẽ, sau này là nhiếp ảnh. Truyền thống này có sai biệt từ Tây sang Đông, do kỹ thuật thể hiện và do quan niệm về chân dung. Suốt chiều dài lịch sử từ nhà nước Ðại Cồ Việt của Ðinh Tiên Hoàng (968) đến kết thúc nhà Nguyễn (1945), trừ triều đại cuối cùng, còn lại vấn đề chân dung là rất khan hiếm.

ve-truyen-than-den-anh-selfie
Cô gái Bắc kỳ nhuộm răng đen. Ảnh do Léon Busy chụp năm 1915

Ví dụ như sách Tây Sơn thuật lược miêu tả chân dung của Nguyễn Huệ như sau: “Tóc Huệ quăn, mặt mụn đầy, có một con mắt nhỏ, nhưng mà cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...”. Đây là cách “đặc tả chân dung” quen thuộc trong lịch sử thời phong kiến, và cả cận hiện đại ở khu vực Đông Á. Căn cứ vào đây để nhận diện “bản lai diện mục” của một người thì chắc chắn khó đúng. Giống như khi đọc các mô tả về vua Càn Long, đến khi xem được hình chụp, thì hỡi ôi, quá khác biệt.

Trong bối cảnh người người chụp “ảnh tự sướng”, dễ cho ta cảm tưởng chụp hình sao quá giản đơn. Nhưng chỉ cần lùi lại vài chục năm thôi, ngay cuối thế kỷ 20, vẫn còn nhiều người, nhiều nơi ở Việt Nam xem việc chụp hình là “tổn thọ”, rồi kiêng này cữ kia, như không được chụp lúc nhắm mắt, thiếu tay chân, chụp ba người… Chính vì điều này, mà nhiều người rất ngại chụp hình chân dung, dù có thừa điều kiện hoặc khả năng để chụp. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khi mất ở tuổi rất cao vẫn lấy hình căn cước lúc trẻ ra họa để thờ. Bởi từ sau khi chụp hình căn cước, họ không bao giờ chụp ảnh chân dung nữa, đặc biệt chân dung nửa người, càng lớn tuổi càng kiêng cữ. Trong bể ảnh tự sướng ngày nay, tưởng đơn giản hơn khá nhiều, nhưng với những việc quan trọng hoặc nghiêm túc, thì chúng cũng thường bất lực, vô nghĩa. Phải rất là cao thủ thì mới có thể “tự sướng” được một tấm ảnh thẻ để đi làm giấy tờ.

ve-truyen-than-den-anh-selfie
Một gia đình khá giả tại Bắc kỳ. Ảnh do Léon Busy chụp năm 1915

Ảnh tự sướng sẽ có nhiều tác dụng với việc “chống trôi ký ức”, nhưng còn một khoảng cách với nhiếp ảnh “mẫu mực kiểu truyền thống”? Cũng không hẳn vậy. Năm 2013, Từ điển Oxford (Anh) đã công bố từ vựng của năm là “ảnh tự sướng” (selfie), với định nghĩa là một bức ảnh tự chụp, thường là chụp bằng điện thoại thông minh hoặc webcam, mục đích chính là để tải lên mạng khoe. Thế nhưng “ảnh tự sướng” không phải là một hiện tượng đương thời, mà đã có từ khi máy ảnh mới ra đời. Theo lịch sử, “ảnh tự sướng” đầu tiên được chụp vào năm 1839 bởi một nhà hóa học và nhiếp ảnh nghiệp dư từ Philadelphia (Mỹ) là Robert Cornelius.

Như vậy ngay từ đầu, “ảnh tự sướng” đã là chọn lựa và thế mạnh của những nhiếp ảnh nghiệp dư, càng về sau phụ nữ càng yêu thích. Nhất là thời kỹ thuật số và điện thoại thông minh, vốn chụp chẳng tốn kém gì, lượng “ảnh tự sướng” được in, được “tống lên mạng” nhiều đến mức không thể đo đếm nổi. Hiện nay người thích “ảnh tự sướng” đã không còn phân biệt giới tính, tuổi tác, vì ai có điện thoại thông minh gần như cũng làm rất nhiều lần.

ve-truyen-than-den-anh-selfie
Quan tổng đốc của một tỉnh gần Hà Nội. Ảnh do Léon Busy chụp năm 1915

Trước đây ở làng, đám cưới nào chụp bao nhiêu bức ảnh, gần như cả làng đều biết. Ngày Tết, một thợ nhiếp ảnh (nhiều nơi gọi là phó nháy) về làng là cả một sự kiện, chỉ những đứa trẻ được gia đình cưng hoặc khá giả một chút mới cho chụp hình, mà cũng phải nhiều nhà mới chụp hết một cuộn phim. Vì chụp ít và chụp chung như vậy, nên khi đi giao ảnh, thợ ảnh giao nhầm nhà là bình thường, các đứa trẻ sẽ giúp giao cho đúng người. Bức ảnh chụp hết bao nhiêu tiền không còn nhớ, nhưng má tôi kể sau đổi tiền năm 1985, tiền chụp một bức ảnh là đủs đi chợ cả tuần đến mười ngày.

Nhiều nhà không thích nhiếp ảnh, do vẫn còn thích vẽ chân dung dạng truyền thần, đã mời họa sĩ về nhà lo cơm nước cả tuần, cả tháng để ngồi mẫu cho họ vẽ hàng ngày. Làng tôi thuộc xã vùng ven gần thị trấn nhỏ có tên Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam), nơi có vài thợ vẽ truyền thần, chuyên họa ảnh thờ, nhanh và rẻ lắm. Ai muốn có tranh chân dung bề thế hơn thì phải mời thợ từ phố cổ Hội An lên, do ở cách xa hơn mười cây số, nên thỉnh thoảng họa sĩ ở lại đêm, ngày cơm nước ba bữa. Trưa trưa bọn nhỏ tụi tôi hay kéo nhau đi xem, càng về sau càng trầm trồ, sao vẽ giống y như chụp hình. Chi phí cho chuyện này là bao nhiêu tôi không còn nhớ rõ, chỉ mang máng rằng mỗi bức vẽ như vậy mấy chỉ vàng, nên chỉ nhà gia thế, có học thức mới dám thuê thợ về.

https://24hsongxanh.vn/truong-minh-quoc-thai-va-niem-dam-xe-dich/
Robert Cornelius (1809-1893) là nhà tiên phong về nhiếp ảnh, ông chụp “ảnh tự sướng” từ năm 1839

Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh kể trước năm 1945 mua một cuộn phim chụp hình hết từ 3-5 chỉ vàng. Trong bối cảnh kinh hoàng của nạn đói/dịch tả các năm 1944-1945 tại miền Bắc, việc mua phim chụp hình của ông từng bị xem là hành động vô cảm và xa xỉ. Còn nhiếp ảnh gia Hà Tường kể rằng trong khoảng 20 năm (1975-1995), số tiền mua phim của ông có thể mua được 2 căn nhà trên phố cổ Hà Nội. Giai đoạn này một cuộn phim có giá khoảng 40 đồng; trong khi đổi tiền ngày 3/5/1978, dân thành thị được đổi tối đa 100 đồng/1 người/1 hộ, tối đa mỗi hộ (bất kể số người) chỉ được đổi 500 đồng.

2.

Năm 1825, Nicéphore Niépce, một nhà phát minh người Pháp, đã dùng một bản khắc kim loại cùng hóa chất chụp hình một người dắt ngựa, đây có thể là cột mốc sớm nhất của nhiếp ảnh. Năm 1837, Louis Daguerre tìm ra phương pháp ghi hình ảnh trên cuộn đồng tráng hóa chất, tạm gọi là “cuộn phim”. Năm 1839, chính phủ Pháp công bố quốc tế về phương pháp chụp ảnh của Louis Daguerre, với hứa hẹn rồi đây bất kỳ ai, dù nghèo, cũng có thể có hình chân dung cho chính mình. Vì vẽ tranh chân dung thời bấy giờ, vẫn là chuyện rất xa xỉ, chỉ dành cho thiểu số.

Rất nhanh, năm 1845, thanh tra hải quan Pháp và là nhiếp ảnh nghiệp dư (daguerreotypist) Jules Itier đã chụp bức ảnh Đồn binh xứ Đàng Trong Nay Non, nay trưng bày tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Pháp. Đây có thể là có thể là bức ảnh sớm nhất chụp ở Việt Nam. Năm 1865, Ðặng Huy Trứ, khi đi sứ Trung Hoa, ông đã mua máy chụp và dụng cụ rửa ảnh, cũng như thuê một thợ ảnh người Hoa là Dương Khải Trí về Hà Nội mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Ðường ở phố Thanh Hà, khai trương ngày 14/3/1869 (nhằm mồng 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ). Ðây có thể là hiệu ảnh đầu tiên do người Việt mở tại Việt Nam.

ve-truyen-than-den-anh-selfie
Bức ảnh màu Hillotype do Levi Hill chụp vào khoảng năm 1850. Xưa nay bức ảnh này bị cho là gian lận giữa tô màu và ảnh màu, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy quy trình của Levi Hill đã tái tạo được một số màu cho bức ảnh, còn lại là tô thêm

Lịch sử về chụp ảnh màu cũng đang thay đổi chóng mặt, trước đây cứ tưởng đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 mới có, thì nay dấu vết sớm cho thấy manh nha ngay từ những năm 1840. Tại Mỹ, bức ảnh màu Hillotype do nhiếp ảnh gia nghiệp dư Levi Hill chụp vào khoảng năm 1850. Nhà vật lý James Clerk Maxwell người Scotland nổi danh với thí nghiệm Demon Maxwell năm 1855, khi đã tạo ra bức ảnh màu đầu tiên trong phòng thí nghiệm. Ít lâu sau, năm 1861, Maxwell công bố phương pháp chụp ảnh màu có độ bền màu lâu dài. Gần đây, kết quả nghiên cứu cho thấy những bức ảnh màu đầu tiên được chụp tại Việt Nam cũng khá sớm, từ cuối thế kỷ 19.

Ngày nay, trong làn sóng “ảnh tự sướng” chưa giảm nhiệt, chụp đến thừa mứa, nhiều người đã chọn chế độ trắng đen, tô màu, hoặc giả cổ, giả tranh vẽ… cho bức ảnh vừa chụp, như một cách bắc nhịp cầu về quá khứ. Rồi thời gian đi qua, nhiều thứ phôi pha, đến lúc tìm xem phần còn lại của “ảnh tự sướng” ngày nay, hẳn bao nhiêu ký ức, cột mốc trước sau sẽ hiện về…

Lý Đợi

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục