Viếng mộ tiền nhân nơi xứ người

Trở lại Nhật Bản lần này, hành trình trên xứ Phù Tang cho tôi nhiều cảm xúc hơn, khi có dịp tìm đến viếng mộ của hai người Việt, hai tiền nhân có tiếng trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đã đến, sống và gửi thân tại xứ này.

 Mỗi khi đến Nhật Bản, dù bận bịu gì, ông Nguyễn Văn Huệ, một thầy giáo đã có gần 30 năm đến Nhật làm công việc giảng dạy, cũng đều thu xếp để đi viếng mộ chí sĩ Trần Đông Phong. Ông cũng là một trong những người đã góp phần tìm ra, giúp cho nhiều người biết đến hơn khi mộ người chí sĩ năm xưa đang dần chìm trong sự lãng quên của thời gian, ít người Việt trên đất Nhật biết tới.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ chí sĩ Trần Đông Phong

Lần tìm mộ kỳ bí

Trong những ngày đầu sang Nhật đi dạy, ông giáo Huệ đã có ý đi tìm mộ chí sĩ Trần Đông Phong nhưng có vẻ như chưa có duyên, cho tới lúc ông được một người Việt sống lâu năm ở Nhật, rủ cùng đi tìm với vài người quen nữa. Thời đó, những năm 90, thông tin tìm hiểu, tra cứu không tiện lợi như bây giờ, thậm chí khá chung chung. Từ thông tin có được, cùng với bản đồ, thầy giáo Huệ cùng nhóm bạn lần tìm đến nghĩa trang Zoshigaya Reien, một vùng khá yên tĩnh ở phía Đông thủ đô Tokyo, thuộc quận Toshima-ku. Đây là một nghĩa trang lâu đời và trang trọng ở Tokyo, nơi tập trung phần mộ của từng dòng họ, từng gia đình, trong đó hầu hết là các dòng họ lớn, các chủ nhân là thương gia, học giả, nhà văn Nhật Bản và ngoại quốc.

 Nghĩa trang không rộng lớn quá, nhưng ông giáo Huệ và những người đi cùng tìm cả buổi vẫn không ra ngôi mộ cần tìm trong hàng ngàn tấm bia mộ. Đi từ trời còn nắng đến khi tối mịt, bật hộp quẹt mà soi từng tấm bia đá, mãi vẫn không thấy.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ chí sĩ Trần Đông Phong

Đến lúc trễ quá, mọi người đã thấm mệt, phải vòng lại phía đầu nghĩa trang trả xô, chổi (cùng với hương, hoa, trái cây, đây là những vật dụng theo phong tục người Nhật khi đi viếng mộ) cho ban quản trang để về, bỗng nhiên tôi thấy một cái gì đen cao lớn lắm, tối hơn mọi bóng tối khác, thì ra đó là cái cây lớn. Như có ai đang gọi mình vào hướng này vậy. Tôi bước vào theo hướng này, bước lên, vẫn là một trụ bia trông như nhiều trụ bia khác, bật hộp quẹt lên soi thì thấy dòng chữ Hán, tôi lẩm nhẩm đọc “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”. Mừng quá tôi hét to lên, vậy là gặp đúng trụ bia mộ của nhà chí sĩ rồi. Lúc đó vui lắm, tối về nằm lại nghĩ thì hơi rùng mình, hay là nhà chí sĩ đã dắt mình đi!” Ông Huệ kể lại.

Có lẽ là tiền nhân đã chọn ông giáo Huệ. Mà không phải tiền nhân đã thôi thử thách. Lần thứ hai quay lại, giữa ban ngày, ông giáo Huệ vẫn lạc như thường, phải mất một thời gian khá lâu mới tìm ra mộ. Đến lần thứ ba, như đã chứng cho lòng của một hậu bối từ quê nhà, ông Huệ mới tìm ra ngôi mộ dễ dàng hơn.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ chí sĩ Trần Đông Phong

Sau này, được thầy giáo Huệ đưa đến viếng mộ nhà chí sĩ, khi việc tìm đến viếng mộ nhà chí sĩ thuận tiện, dễ dàng hơn trước rất nhiều, tôi càng thấm thía thêm phần ly kỳ của chuyện tìm mộ ngày ấy, nơi có một “đồng bào chí sĩ” ra đi từ phong trào Đông Du nằm yên nghỉ đã hơn trăm năm khi tuổi đời còn rất trẻ ấy.

Câu chuyện về một chí sĩ ngày xưa

 Nhìn về hướng Nam, ngôi mộ nhà chí sĩ của phong trào Đông Du trông không khác gì những ngôi mộ khác trong nghĩa trang, với một bia đá hình trụ. Mặt bia khắc ba dòng chữ Hán, ở giữa trung tâm là “Đồng bào chí sĩ Trần Đông Phong chi mộ”, hai bên là hai dòng chữ Hán khắc nhỏ hơn là: “Sinh dĩ Giáp Thân niên” và “Mậu Thân niên ngũ nguyệt sơ nhị nhật tử”.

Theo các tài liệu cũ ghi lại, Trần Đông Phong (1887 – 1908) là một trong chín du học sinh Việt Nam đầu tiên trong phong trào Đông Du đi theo Phan Bội Châu sang Yokohama, Nhật Bản. Là con một gia đình giàu có bậc nhất ở Thanh Chương, Nghệ An, Trần Đông Phong đã từng quyên góp nhiều tiền bạc cho phong trào Đông Du. Khi sang tới Nhật Bản, vì mong tin nhà gửi tiền sang cho Phong trào mà không thấy tới, Trần Đông Phong đã tự vẫn để tỏ lòng hổ thẹn với đồng chí của mình và thể hiện ý chí quyết tâm với phong trào Đông Du. Theo thông tin một số tài liệu dẫn lại từ phía người ông Cửu Trạm, thân sinh của Trần Đông Phong, thư gửi của các chí sĩ trong phong trào Đông Du từ Nhật Bản gửi về gia đình cũng như người trong nước giai đoạn lúc bấy giờ đặc biệt khó khăn do sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp. Thân phụ của Trần Đông Phong đã không nhận được thư từ và tin tức của con trai. Chắc rằng cụ đã bị con trai hiểu nhầm.

 

vieng-mo-tien-nhan
Mộ chí sĩ Trần Đông Phong

Cảm kích trước nghĩa khí của Trần Đông Phong, Kỳ ngoại hầu Cường Để đã xây mộ cho ông, và về sau, một phần xương cốt Cường Để cũng nằm trong ngôi mộ của người chí sĩ này.

Tự vẫn ở chùa Tohoji (tức Đông Phong tự, ở khá gần nghĩa trang) nơi xứ người ở tuổi 25, Trần Đông Phong đã để lại một câu chuyện cảm động kỳ lạ về lòng ái quốc, cùng khá nhiều tranh luận của hậu thế về cái chết của nhà chí sĩ. Từ một bi kịch của nhận thức trong bối cảnh khủng hoảng thông tin cho đến một chí sĩ yêu nước đã chết theo cách riêng của mình, nhuốm màu tinh thần võ sĩ đạo Nhật, cùng tư duy cho đến lúc chết: “có tiền mà vong quốc thì không thể sống được”.

Bây giờ ông nằm đó nhưng không còn trong vắng vẻ cô quạnh, cỏ dại mọc đầy như lần đầu tiên ông giáo Huệ tìm đến. Chuyện vào thăm nghĩa trang không khó như thời thầy giáo Huệ phải tra tìm sổ sách nghĩa trang như trước nữa. Thỉnh thoảng, có những đoàn khách từ Việt Nam sang du lịch cũng tìm đến viếng mộ ông. Người Việt sinh sống, làm việc ở Tokyo, ở Nhật Bản đã biết về ông, về chỗ ông nằm nhiều hơn. Có người đến viếng ông vì thương quý, cảm phục, có người đến vì tò mò, để biết mộ người Việt ở nghĩa trang Nhật thế nào, cũng có người đến vì nghe nói ông rất thiêng.

Hai lần đến, tôi đều thấy dấu vết của hoa, của hương cắm trước đó, nghĩa là đã có người đến với ông trước mình. Dọn dẹp cỏ quanh mộ, lau rửa lại trụ bia, cúng ông một ít hương hoa trái, một thói quen mà ông giáo Huệ và nhiều người Việt vẫn hay làm khi viếng mộ ông. Người Việt khi đến sống, làm việc ở Nhật cứ truyền tai nhau, nếu thành tâm cầu khấn ông điều gì sẽ được toại ý. Bái lạy chào ông, tôi chỉ lầm rầm mấy câu khấn cầu bình an. Trời đang nắng yên, bỗng đâu có cơn gió nhẹ lay qua mấy hàng cây trong nghĩa trang. Người đồng hành cùng tôi khe khẽ thì thầm, lần nào cầu nguyện, cũng có gió nổi lên cả. Thầy Huệ thì cười nửa đùa nửa thật, thì tên ông nghĩa là gió mà…

Từ tên đường Hội An đến khu mộ lưng chừng đồi ở Nagasaki

Năm 2014, khi lần đầu đến Nhật Bản viếng mộ nhà chí sĩ Trần Đông Phong, cũng là lúc tôi mang theo sự tò mò về một tiền nhân khác cũng thác trên đất Nhật vừa mới được Hội An đặt tên. Con đường ngắn ven sông Hoài đi từ quảng trường sông Hoài, dọc theo bờ sông phía Bắc tới chùa Cầu được gọi là đường Công nữ Ngọc Hoa. Một cái tên ít khi nghe nhắc đến, hiếm thấy địa phương nào đặt làm tên đường ngoài Hội An mà khi tìm hiểu, mới biết lý do của sự xuất hiện tên đường này mang đậm dấu ấn lịch sử bang giao Nhật – Việt một thời. Công nữ Ngọc Hoa là người Việt Nam đầu tiên định cư tại Nhật Bản ở thế kỷ 17.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ Công nữ Ngọc Hoa

Và thật có duyên, khi lần thứ hai trở lại Nhật này, tôi lại được cùng ông giáo Huệ đi tìm viếng mộ Công nữ Ngọc Hoa, ở một vùng khá xa so với những địa điểm hay lui tới của người Việt khi đến Nhật Bản, vùng Kajiyamachi, thành phố Nagasaki.

Qua những chuyến xe điện vội vã cho kịp giờ, lần tìm hướng theo sự chỉ dẫn của người địa phương, về phía sau chùa Daionji, leo hơn 200 bậc đá khá dốc ở độ cao 150m so với mực nước biển ở ngọn đồi nằm rìa thành phố, xuyên qua hàng trăm ngôi mộ cổ nhuốm màu thời gian, rẽ phải theo chỉ dẫn, tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy tấm bảng được ghi bằng 4 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt trước một khu mộ cổ khá rộng nằm giữa lưng chừng đồi. Tấm bảng đề “Di tích lịch sử bia mộ Araki Soutaro”, được lập tháng 12 năm 1975. Còn khu mộ này, thì đã có hơn 400 năm, kể từ khi vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa lần lượt an nghỉ.

Đây là khu mộ của gia đình Araki Soutaro – Công nữ Ngọc Hoa và con cháu, với mộ phần của Ngọc Hoa và chồng, ông Araki Surato nằm ở trung tâm khu mộ, ngay trước vị trí một cây cổ thụ cao to vững chãi tỏa bóng mát. Trên tấm bia đá phía trên mộ có khắc rất rõ hai câu nhắc nhớ công đức của người chồng và đức hạnh của người vợ. Dòng chữ ở giữa ghi rõ đây là mộ của hai vợ chồng Ngọc Hoa và Araki Soutaro. Đôi vợ chồng mà đời sống hôn nhân của họ hơn 400 năm trước đã thành cột mốc đáng nhớ khi Công nữ Ngọc Hoa là người phụ nữ Việt đầu tiên lấy chồng, định cư tại Nhật Bản và ông Araki Soutaro được cho là thương gia người Nhật đầu tiên lấy vợ người nước ngoài.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ Công nữ Ngọc Hoa

Theo các tài liệu kể lại, đầu thế kỷ 17, khi Nhật Bản mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, thương gia người Nhật Araki Soutaro dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán. Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy. Theo tài liệu của Hội Hữu nghị Nagasaki -Việt Nam (Nagasaki -Vietnam Friendship Association): “Năm 1619 tại nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (Araki) gặp gỡ với một người con gái đẹp thuộc dòng bên ngoại được vua An Nam nhận làm con nuôi và kết hôn với cô ta. Ông là người Nhật đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi.”

Ông Araki đưa vợ về Nhật Bản định cư ở Nagasaki, cùng gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui – Machi ở Nagasaki.

Cũng theo Hội Hữu nghị Nagasaki – Việt Nam thì tên của Công nữ Ngọc Hoa được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san (từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san).

Dấu ấn của một vị công nữ

Hai vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa chỉ có một người con gái. Người con gái sau này nhận một cô gái làm con nuôi. Người cháu ngoại này chính là người đã cất công xây dựng mộ phần cho họ tộc nhà mình. Hiện nay, con cháu của bà Ngọc Hoa đều là những người danh giá, thành đạt và sống tại thành phố Yanai, tỉnh Yamaguchi.

Trong thời gian làm dâu xứ Phù Tang, Công nữ Ngọc Hoa không chỉ cùng chồng kinh doanh, bà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển việc giao thương Việt – Nhật, cụ thể là vùng Nagasaki, với những dấu ấn sâu đậm để lại trong suốt 25 năm sống ở quê chồng đến khi mất. (Công nữ Ngọc Hoa mất năm 1645, sau chồng 10 năm). Bà rất được người dân Nhật Bản yêu mến, kính trọng.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ Công nữ Ngọc Hoa

Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn trân trọng lưu giữ chiếc gương soi của Công nữ Ngọc Hoa. Hình ảnh về bữa yến tiệc trong buổi kết hôn lộng lẫy của Công nữ về sau được tái hiện qua các điệu múa tế thần trong lễ hội truyền thống có lịch sử hơn 400 năm mang tên Nagasaki  Kunchi từ mùng 7 đến mùng 9 tháng 10 hàng năm ở Nagasaki. Lễ hội này luôn có đám rước do thiếu nhi đóng vai vợ chồng Công nữ Ngọc Hoa đứng trên mũi một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki mặc trang phục truyền thống Yukata và bé gái đóng vai Ngọc Hoa, mặc áo dài Việt Nam. (Ở Hội An, đám cưới Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sourato được tái hiện lần đầu tiên vào năm 2016, và đang được duy trì hàng năm, cũng vào mùa Thu).

Thậm chí, còn khá nhiều thông tin thú vị khác trong đời sống sinh hoạt người dân Nagasaki được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chịu ảnh hưởng văn hóa Việt do chính Công nữ Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ. Nếu đến vùng Nagasaki này, người ta sẽ thấy đây là nơi duy nhất trên xứ Phù Tang gần gũi nét văn hóa Việt nhất. Chẳng hạn truyền thống người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở vùng Nagasaki thường bày thức ăn trong đĩa lớn,  để mọi người cùng gắp ăn chung như mâm cơm của người Việt. Hoặc trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật, sơn màu nâu đen, thì người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ.

vieng-mo-tien-nhan
Mộ Công nữ Ngọc Hoa

Trước khi rời đi, tôi ngắm cây cổ thụ có tán rất đẹp trên khu mộ gia đình Công nữ Ngọc Hoa. Nắng Nagasaki buổi sớm rải vàng như mật, gió hiu hiu như thể mang hơi mát từ biển vào tận đây. Khung cảnh chốn an giấc thiên thu ở đây thật bình an. Ngọn đồi này là nơi chôn cất các tướng quân và những người có công đức với địa phương. Tôi miên man trong dòng suy nghĩ, hình dung khung cảnh hơn 400 năm trước, lòng thầm cảm ơn tiền nhân đã dày công góp dưỡng nơi đất khách để những kẻ hậu bối như tôi khi tìm đến không giấu được sự tự hào.

Tiếng thơm để lại của người xưa cũng là sự nhắc nhở cần thiết cho những bước chân hậu thế. Dù mưu sinh, học hành hay chỉ là những chuyến đi ngang dọc nơi xứ người, cũng nhắc nhớ mình phải cẩn trọng đừng để tiền nhân mang tiếng…

Bài & ảnh: Minh Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục