Tự sự “Xuân của mùa Xuân”… cùng Lê Minh Quốc

NGÔI SAO XANH

Trong nhà xanh ngôi sao xanh

Trắng thơm sữa mẹ ngọt lành yêu thương

Ngôi sao yên ấm trên giường

Đôi lúc trở chứng… ểnh ương… uềnh oàng

Bé xíu mà khóc oang oang

Ba mẹ vội vã, nhẹ nhàng nâng niu

Ẵm bồng nhẫn nại chắt chiu

Cùng chung hơi thở thương yêu vô ngần

Nay, xuân xanh biếc đã xuân

Ngày xuân, xuân lại quây quần có nhau

Ngôi sao xanh rất nhiệm màu

Bi bô cười nói ngọt ngào reo vang

Vàng mai rực thắm mai vàng

Líu lo se sẻ, rộn ràng vành khuyên

Ngôi sao xanh nhé, hồn nhiên

Tung tăng áo mới cười duyên xuân hồng…

tu-su-xuan-cua-mua-xuan

Sau khi có vợ, nghe lời khen của bạn bè, tôi khoái chí phỉnh mũi một cách sung sướng. Khen rằng: “Ối chà, dạo này trông bồ tèo sạch sẽ như con chim se sẻ. Thay đổi cái xoạch. Nể thiệt”. Tôi ứ thèm trả lời, cứ vác mặt kiêu hãnh nhìn lên trời. Sở dĩ thay đổi như thế là nhờ… vợ cằn nhằn.

Từ lúc có con, chăm con từng ngày, cô nàng bỗng nhiên trở thành bác sĩ vì nhìn đâu cũng thấy… vi trùng. Rằng, có lúc nửa đêm đang ngủ ngon, nàng thúc cùi chỏ vào cái ngực lép xẹp của tôi mà rằng: “Ba ơi! Em áy náy quá, hồi tối em bồng bé mà quên rửa tay”. Quên rửa tay thì đã sao? Chưa hết, “Nè, ba có nhớ ngày hôm kia không, ba đi làm về, chưa gì mà đã nựng bé rồi. Chà, chà, phải chấn chỉnh ngay thôi”. Rồi những lúc tôi lân la đến gần con, lập tức lại nghe câu nhắc nhở, đại khái, tắm chưa? Rửa tay chưa? Có sạch sẽ không đấy?

Còn nữa, lúc nào cô nàng cũng nhìn thấy đồ chơi của con dơ, sàn nhà dơ, gối dơ, quần áo dơ, không khí này dơ… Xung quanh toàn vi khuẩn thôi! Hoảng quá, thế là, tôi đây… trở thành con người khác hẳn là vậy. Và, tôi làm câu thơ dán ngay trong nhà như một cách tự nhắc nhở, khiến nàng cực kỳ hài lòng: “Ngày lại ngày ti toe rôm rả/ Thương oe oe Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Ấp iu sang chảnh ấm lòng/ Ai sạch sẽ mới được bồng ẵm em”.

Này bạn ơi, ngay sau khi vợ “bể bầu”, có ai đã nghe nàng thủ thỉ, thầm thì câu trầm trọng, gay cấn này chưa?

Chời ơi, vỡ mộng quá nè”. Cái gì vỡ mộng? Vỡ mộng vì cái gì? Tôi nghe thế, trái tim trong ngực đập thình thịch như trống chầu. Và tôi hiểu, chính vì vỡ mộng nên từ ngày có con, nàng trở tính trở nết, mau nổi nóng cứ như đang sì-trét, vì thế, tôi yên lặng ngồi lắng nghe: “Ba biết không? Hồi mới mang bầu, nhìn hình ảnh tuyệt vời trên ti vi, sách báo như mẹ cho bé bú, bé bình yên giấc nồng, mẹ âu yếm bồng bé trên tay… em thấy việc làm mẹ cũng nhẹ nhàng. Nhưng thiệt ra hổng phải. Èo, chỉ là sách vở, hình ảnh thôi. Đâu đơn giản vậy.”

Rồi nàng “trút bầu tâm sự”: “Ba có biết em bị áp lực nhất là gì không? Là những lúc cho bé bú nhưng sữa không về. Bé gào, bé khóc khiến em cũng đau cả đầu; đã hết đâu, cho bé bú no vẫn chưa yên, vì muôn vàn lý do như bé ị rồi nè, chắc bé nóng quá nè, chắc bé lạnh quá nè, bé khóc gào rồi nè”. Sau mấy câu nhấn mạnh “nè, nè, nè”, nàng bước lên bàn cân, tôi mở tròn con mắt ra xem thì mới biết… nàng tăng lên mấy ký lô!

Không những áp lực như tôi biết, có lúc nàng lại tỏ ra có điều gì đó hoang mang vì lo lắng thái quá. Sau khi bé đã ngủ ngon, hai vợ chồng mới ngồi vào bàn ăn, lần này, nàng ứ thèm cầm đũa, mặt mày xụi lơ. “Chuyện gì thế mẹ Mì?”, tôi hỏi. Nàng nói như muốn khóc: “Em áy náy quá, ba ơi. Hồi sáng em lỡ tay đặt bé xuống nôi hơi mạnh tay. Em sợ bé méo đầu, cong lưng. Không biết có sao không?”.

Vậy là tôi phải trấn an, nhưng khổ nỗi “Bụt nhà không thiêng”, phải cậy nhờ đến bạn bè là bác sĩ, dù họ cũng nói y chang nhưng nàng gật gù yên tâm rồi cười toe toét.

Có phải, hễ những gì liên quan đến sức khỏe của con, bất cứ bà mẹ nào cũng đặt lên mối quan tâm hàng đầu chăng? Đúng thế. Sự quan tâm đó lạ lùng đến độ người chồng cũng không thể hình dung ra nỗi.

Lúc bé còn trong tháng, sau một ngày tất bật, bận rộn cùng vợ chăm con, tôi đang đẫy giấc ngon lành bỗng nghe tiếng sột soạt, khẽ khàng mở mắt ra, ơ kìa, vợ đã thức dậy từ bao giờ và đang ngồi cạnh bé. Nàng đang làm gì vậy ta? Tôi thấy nàng đưa bàn tay lên mũi bé. Một lần, rồi hai lần. “Mẹ Mì làm gì thế?”, nghe tôi ngạc nhiên hỏi, nàng như ngượng ngùng, lỏn lẻn từ tốn: “Em xem bé… có thở đều không?”

À, thì ra thế.

Từ đó, tôi cũng bắt chước theo. Bé còn nhỏ quá, do đó, có những đêm khuya khoắt, lúc giật mình tỉnh dậy, việc trước nhất vẫn là tôi sờ tay vào ngực bé để cảm nhận hơi thở của con rồi mới… yên tâm ngủ tiếp. Từ tình huống này, tôi mới viết: “Ngày nào be bé hỏn hòn hon/ Thoáng đó, ơ hay, đã dài đòn/ Nhẫn nại, bền lòng, quên mệt nhọc/ Từng ngày ba mẹ… thở theo con”.

tu-su-xuan-cua-mua-xuan

Dám quả quyết, do thương con nên bất kỳ bà mẹ bỉm sữa nào cũng phấn đấu trở thành… “nhà bác học”. Khi gặp chuyện, có nhiều nơi để hỏi, nhờ tư vấn nhưng lúc nhàn rỗi, bé ngoan, bé ăn ngon, không quấy là họ lại xông pha… trò chuyện cùng ông Google và các trang mạng xã hội. Thì ra ở đó có hội có hè của các bà mẹ đồng cảnh ngộ thường trao đổi, tranh luận bàn bạc ì xèo, học hỏi lẫn nhau những vấn đề vĩ mô lẫn vi mô cỡ như nên cho con ăn gì, ăn như thế nào, dạy con cái gì, làm sao để con khỏe con khôn, con trở thành thiên tài (!). Tôi quan sát mọi hoạt động của vợ, chỉ cảm thấy yên tâm khi nàng tự nhủ: “Mặc dù có rất nhiều thông tin hữu ích, nhưng phải tỉnh táo nha”.

Ừ, chuyện vợ trở thành “nhà bác học” thì hay ho quá đi chứ, là lúc tôi thấy vợ đứng bếp nấu cho con ăn. Còn nhớ, ngày nọ, nàng vui ra mặt, suốt ngày cười nói hoan hỉ cứ như sắp được du lịch lên sao Hỏa, như trúng số độc đắc, tôi gặng hỏi mãi, nàng ỡm ờ: “Ba vô tâm vô tứ quá, không nhớ ngày mai là ngày gì à?”.

Vận dụng toàn bộ sự thông minh, tôi biết tỏng không phải kỷ niệm ngày cưới cũng chẳng phải đầy tháng hay thôi nôi, thế thì làm gì có “sự kiện” nào quan trọng hơn? Lắc đầu chịu thua, nàng cười mà rằng: “Ngày mai, em mình chính thức bắt đầu ăn dặm”. A, chỉ có thế mà nàng đã vui như Tết. Biết thế, tôi mới viết những câu thơ tặng con nhưng thật ra là nịnh vợ: “Mẹ nấu nhuyễn nhừ, ừ, thật nhuyễn/ Há miệng chim non hé hé cười/ Ba vỗ tay reo, mừng: “Thắng lợi/ Em Mì ăn dặm bảnh như ai”.

Từ đó, mỗi ngày cho bé ăn, nàng làm bếp, tôi thấy rõ ràng ràng là rất ư là… khoa học. Này, cái cân bé xíu để cân đong đo đếm từng lạng đồ ăn một. Lụi hụi xắt xắt nấu nấu. Thao tác xong, lại cẩn thận sắp xếp bài bản đẹp mắt như kiểu mẹ Nhật, để chụp hình khoe… Facebook! Bé sẽ hí hửng ăn ngay? Thì đó, mới muỗng trước muỗng sau, bé đã ngúng nguẫy rồi… nhè!

Thế mà, nàng vẫn cười vẫn luôn đủ kiên nhẫn với con, tôi phục sát đất.

Mà trong cái sự cảm phục này, đáng nể nhất là không biết bằng cách mua sắm qua mạng, hay do ai tặng, hay gì gì đó thì đây nè, vào một ngày kia, tôi hoảng hồn khi nhìn ra trong phòng ngủ của bé không thiếu một món gì. Này, đồ dùng cho bé tập đi; nọ, đồ chơi phát triển trí não; kia, dụng cụ giáo dục sớm… Thấy tôi lắc đầu, nàng trấn an: “Ba ơi, nếu không mua cái này là không thương con, không phải bà mẹ tốt, nếu bỏ qua cái này con mình sẽ thua con người ta thôi”. Tôi biết trả lời thế nào?

Chỉ biết, cứ như thể nhà mình sắp mở cửa hàng bày bán sản phẩm dành cho trẻ con.

Thời gian hạnh phúc qua từng ngày, kìa, nhìn xem, còn có hơn nửa đồ chơi chưa dùng đến; quần áo, giày dép… đã chật do chưa sử dụng thì bé đã lớn. Thế mà nàng vẫn cứ tiếp tục… mua sắm cho con. Kể ra cũng lạ. Trong khi đó hễ nhắc đến mua cho chồng thì vợ cứ ngần ngừ từng món, cân nhắc chu đáo đến… phát ghét!

Ối dào, những chuyện này vợ chồng bỉm sữa nào lại không trải qua? Họ cảm nhận và sung sướng lắm. Vì rằng, từ khi có con được chăm sóc cho con đã là hạnh phúc. Nói một cách văn chương đó chính là Xuân của mùa Xuân. Mùa Xuân ấy, đến từng ngày vì con, vì sức khỏe của con…

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục