Từ giọt chưng cất biển cả…
Con nước chảy ra, giọt mắm nhỉ xuống. Cứ thế trăm năm từng dòng, từng giọt in đậm vị quê, thấm vào đất mẹ…
Trăm năm Cửa Khe…
Ráng chiều đổ bóng trên bãi biển. Thoạt nhìn vệt bóng như vết sạt lở xoáy sâu vào cát sau mùa biển động. Chúng tôi men theo con nước chảy lài. Khe nước ngoằn ngoèo qua nổng cát, qua mấy đám muống biển rồi mất hút phía sau làng.
“Nó không thông với sông Trường Giang nhưng nối mạch với mấy cái bàu lớn sát đường 129 (đường Võ Chí Công) bây chừ nên quanh năm khe này dẫn nước đổ ra biển. Mấy năm ni nước đã kiệt nhiều và nhiều đoạn khe bị cát lấp dần rồi chứ ngày trước mùa khô nó vẫn chảy tràn, có đoạn bề ngang phải xấp xỉ trăm mét. Trước đây, nói vùng cát chứ nước ngầm, nước mặt lênh láng còn chừ hụt đi thấy rõ” – ông Nguyễn Thanh Hải (thôn Duy Hà, xã Bình Dương, Thăng Bình) bộc bạch.
Có lẽ, từ mấy trăm năm trước nơi đây là một cửa nước lớn ghe bầu có thể thông thương được và thế hệ tiền nhân của làng đã lấy luôn đặc trưng riêng biệt này để định danh cho quê xứ của mình là làng Cửa Khe truyền đến ngày nay.
Ông Hải hồi tưởng lại: “Thời bao cấp khó khăn, được con cá, vại mắm là dân vạn lại gồng gánh cuốc bộ ngược thượng nguồn lên tận Bình Lâm, Việt An (Hiệp Đức), phần lớn dùng đổi gạo, thực phẩm để đắp đổi qua ngày”.
Mấy người dân trong làng góp chuyện, rằng ở đây người ta hay chia làng thành hai khu vực, khoảng trước năm 1990, ở “trên khe” hầu như vẫn chưa có người ở. Mật độ dân cư đông đúc dần qua năm tháng cũng là một phần nguyên nhân khiến khe nước bị thu hẹp như bây giờ.
Của mắm, trả lại cho mắm
Nước mắm Cửa Khe là thương hiệu đang dần định hình trên thị trường. Dòng nhớ mông lung từ những ngày ngược xuôi buôn mắm lên tận vùng rừng núi phía tây xứ Quảng bảo chứng cho chất lượng của sản phẩm này.
Ông Nguyễn Thanh Hải nói mình còn nhớ như in những ngày hè cháy nắng của năm 2016, khi người tiêu dùng xôn xao về một thứ “độc chất” mà đến giờ ông vẫn rùng mình khi nhắc tên: Asen. Cái thứ hợp chất lập lờ đánh lận giữa nước mắm và nước chấm công nghiệp, khiến người làng biển này “lên bờ xuống ruộng”, rồi cũng phải trả lại sự trong sạch cho những giọt mắm tinh túy từ biển cả.
Giọt mắm quê, như lời người Cửa Khe, không chỉ là hương vị thuần khiết của biển cả, mà còn bao chứa cả một nền văn minh lâu đời của người Việt. Dù có bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, bao cuộc đổi đời mở ra ngay trên đất cát làng mình, họ vẫn giữ cái sự ủ chượp, giữ cái hương đã ướp đượm bao nhiêu cuộc đời của người làng mình.
Hơn trăm năm có lẻ, người ở Cửa Khe sinh ra là đã nghe mùi mắm. Ít thì nhà vài hũ, nhiều thì làm mấy thùng. Họ làm mắm từ cái thuở Cửa Khe có một con nước lớn dẫn từ biển vào, thuở ghe bầu từ phố thị Hội An theo cái khe nước vào làng này để mua mắm đi buôn đường xa, thuở cái bến nơi cửa sông tàu bè đậu tấp nập để đưa cá cơm vào tận làng…
Ngày 20.2 âm lịch. Trong cái nắng còn phảng phất hương xuân, bà Lợi, bà Hiền, ông Tám Tươi, ông Hải… mang về đình thờ tổ mỗi người vài chai mắm nhà làm. Đó là ngày giỗ Tổ nghề mắm. Năm này, cũng là lần đầu tiên ngày giỗ Tổ nghề mắm làm riêng rẽ với hoạt động cầu ngư – như một cách để thức dậy lòng tự hào với nghề truyền thống của người làng biển.
Dấu vết mấy trăm năm không phai của tiên tổ, chính là cái nghi lễ cúng tổ thực hiện ngay trong đình làng có tuổi đời bằng tuổi của đất, của nghề. Những giọt nước mắm chưng cất từ những thơm thảo, trải qua ngày này tháng nọ, tích lũy hàng lớp lớp kinh nghiệm sống còn, để mới có thể làm “phải lòng” từ người miền ngược đến tận người phố thị.
Gần trăm con người từ già đến trẻ đã nhận chân giá trị quý báu chính miền đất mình sở hữu. Đây cũng là điều mà khi công nhận Cửa Khe là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, những người có trách nhiệm đặt để lên chính người làng.
“Làng mắm Cửa Khe có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh, đặc biệt là tổ chức hoạt động sản xuất làm mắm gắn với phát triển du lịch. Người dân cần chú trọng về chất lượng sản phẩm, đặt uy tín lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu truyền thống của làng nghề. Đồng thời tích cực tham gia các hội chợ để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội vươn xa hơn” – ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận.
Khoảng chừng 60 hộ làm mắm truyền thống của làng nghề Cửa Khe hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Mỗi chai mắm đều có mẫu mã nhãn mác với xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng thường xuyên.
Bà Nguyễn Thị Hiền – chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hai Hiền nói: “Nước mắm Cửa Khe là sản phẩm thắm đượm hồn quê, thơm ngon tinh khiết, chỉ được chế biến từ cá cơm than không lẫn với bất kỳ hải sản nào. Từ bao đời nay, chúng tôi chỉ biết làm mắm với cá và muối, hoàn toàn không biết đến bất cứ hóa chất nào”.
Và đây, cũng chính là ý niệm xuyên suốt của mỗi người làng Cửa Khe.
Người trẻ mơ về… làng
Năm tháng đổi dời, làng Cửa Khe giờ như “chàng tí hon” khi tồn tại bên cạnh những “gã khổng lồ” thời hiện đại. Đó là những thương hiệu nước chấm công nghiệp quy mô khắp mọi miền rồi mấy dự án du lịch đẳng cấp triệu đô, tỷ đô ngay liền cạnh. Giờ đây, đứng yên cũng là đang tụt lại.
“Có hai phương thức chính để chúng tôi duy trì làng nghề, một là tìm đến khách hàng và còn lại là khách hàng tìm đến chúng tôi. Việc tìm đến khách hàng thì chúng tôi đã làm lâu nay nhưng cốt lõi muốn tồn tại bền vững thì phải làm sao để vế thứ hai thành hiện thực” – Võ Nguyên Tùng – Trưởng ban làng nghề nước mắm Cửa Khe cho biết.
Câu chuyện tìm đến khách hàng mà Tùng đề cập, vài năm qua không còn là chuyện dựng gian hàng ở chợ xã, tiếng rao vặt trên mọi nẻo đường, mà đã nghiễm nhiên đi vào từng buổi chợ phiên, không gian resort, ngày hội khởi nghiệp… Ở đó, người trẻ của làng đã mang cả vị làng, hồn cốt quê xứ mấy trăm năm quyện lại.
Đứng trưa, gió thổi ràn rạt từ phía biển. Hà Văn Thuận – Phó ban làng nghề nước mắm Cửa Khe nói: “Cũng mấy năm rồi, có đơn vị tới thử nước ngầm, thấy chất lượng tốt quá bèn dựng một xưởng rượu vang rồi mở tour trải nghiệm hút khách quá trời. Họ ở nơi khác tới mà làm được hay như vậy thì mình cũng cần phải học hỏi để khai thác chứ”.
Nhìn ra phía biển, một khu vui chơi cho trẻ em và bãi đỗ xe đang dần hình thành trên nền bê tông loang lổ và đầy cỏ dại – dấu vết còn sót lại của một sân bay dã chiến cũ. Sau lưng Thuận, là ghe, chum, bánh xe và hoa giấy rực rỡ giữa nắng, cát. Những mảnh ghép đậm chất làng biển được chăm chút, sắp xếp liền mạch tựa như một câu chuyện gom góp cả nụ cười trẻ thơ lẫn nỗi thâm trầm của lão ngư một đời sương gió.
“Có người nói ra, nói vào là lập doanh nghiệp thu hút du khách thì cộng đồng trong làng chẳng được gì. Nói vậy là không phải. Bất cứ ai đem được một du khách về làng là đã góp một tay giúp làng hồi sinh, giúp cho nhiều người có thu nhập tăng thêm để trang trải. Chúng tôi muốn người làng rồi đây sẽ kiếm thêm thu nhập từ giá trị văn hóa của làng” – Võ Nguyên Tùng trải lòng.
Với nguồn khách dự báo sẽ ngày càng phát triển ở khu vực Nam Hội An trong tương lai, những người trẻ của làng Cửa Khe đang mong muốn nương vào dòng khách lưu trú tại các khu phức hợp lớn này để hướng họ đến việc trải nghiệm văn hóa bản địa – cũng là một giải pháp để kéo dài thời gian lưu trú của khách khi đến địa phương. Bên vệ đường, Tùng, Thuận và những người bạn của mình đang vun một giấc mơ lớn. Giấc mơ kiến tạo lại thương hiệu của làng, bằng chính vốn liếng của làng…
Xuân Hiền – Quốc Tuấn
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/tu-giot-chung-cat-bien-ca-110646.html