Trời nước Tam Giang

Đứng trước Tam Giang lồng lộng trời nước, lữ khách thấy mình vừa cô đơn lẻ bóng vừa muốn sải bước phóng khoáng bụi hồ. Nghĩ là bến dừng chân chống sào khua nhịp nước non an phận, cũng là thỏa cái chí “Lương Sơn” đạp nước mà đi. Bên Tam Giang lại nhớ Tam Giang, nhớ cái tên cho người đi qua mộng mị, ôm niềm đau, thấy niềm riêng. Nhớ buổi hoàng hôn nụ cười níu bóng chim sa. Nhớ bình minh lưng cõng mặt trời đi qua đầm phá.

Bên bờ Tam Giang.

Khi mặt nước lặng chơ vơ, con đò đan từng đường chỉ xương cá lên màu nước bạc, dệt chuyện tình vàng chân sóng. Mặt nước trời trong một dải xanh lơ, dìm nhọc nhằn xuống từng đám rong đuôi chèo. Buổi trưa, đầu trần nắng phơi, dạo loanh quanh ngõ xóm, ngửi mùi phá đậm đà trên bước chân đi. Mùi dòng nước cạn trơ bùn, mùi cá khô phơi trên đường, mùi củi mục và thoang thoảng cả hương sen bên con đập xóm Trên mới nhú nụ. Hàng trăm con đò neo bãi, nhìn xa như những vỏ trìa nổi trên mặt nước.

Đêm trên phá Tam Giang cùng làng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) yên bình, độ tám chín giờ tối, thôn xóm đã tắt đèn để bà con đi ngủ sớm, độ ba giờ sáng lại dậy kéo lừ. Người có tuổi ăn cơm xong đã xách đèn pin ra đò ngủ lại cho kịp giờ kéo. Người trẻ ở lại giữ nhà đến tầm giờ báo thức mới chèo xuồng ra. Đêm nay, mưa đến vội vã. Sấm chớp ngang trời, cơn giông dịu dàng đổ xuống. Ngồi trong nhà nhìn ra, mọi thứ trắng mù, chợt như nghe điệu hò thở than đầu ngọn gió. Tôi ngồi lần giở những ghi chép của mình mấy ngày qua về ngôi làng nhiều ký ức dằn trôi. Cả buổi trưa nắng hanh ngồi trò chuyện với chú Phan Ty về làng ngư có lịch sử khá mới mẻ. Trước năm 1945, vùng trời nước Tam Giang thu hút dân làng các vùng Phú Lộc, Phú Vang đến làm nghề theo đường con cá. Nơi đây rất thuận lợi sinh sống và đánh bắt. Chim trời, cá nước, những con đò dạo khắp bến bãi, nước bờ vào cuộc mưu sinh. Những hộ dân đầu tiên đó đến bằng đò, sống trên đò qua tạm những mùa cá. Sang mùa nước ngọt lại trở về quê hương bản quán. Một số hộ thấy việc đi đi về về bất tiện, lại thấy nghề cá ở phá Tam Giang có thể an cư được nên quyết chọn đây làm vùng cắm sào lập nghiệp. Ngày nay, dân làng đã lập được ngôi đình thờ vị khai canh từ Sơn Tùng (Quảng Vinh, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) ra xây dựng làng Mỹ Thạnh. Vào ngày tế như rằm tháng Bảy, Ngư Mỹ Thạnh vào đình cúng tế, nhớ lại công ơn của tiền nhân.

Bình minh trên phá Tam Giang.

Còn nhớ, cơn bão 1985 thổi bay tất cả, đói càng đói hơn. Dân làng có bài vè:

“Ngó lên đồng ruộng khoai mất lúa hư

Ngó về dưới vạn sáo xây cừ cũng trôi”

Trước đây, Ngư Mỹ Thạnh được gọi là làng cắn chì. Nguyên do, trước những năm 90, khi chưa có máy cắn chì, chưa làm lưới sẵn để bán bà con 100% tự cắn chì. Họ mua gấc nhỏ, đan thành lưới, tùy theo mục đích sử dụng mà đan thành nhiều loại lưới khác nhau. Một số loại lưới như lưới thệ, lưới cua máy móc không thể cán chì như ý muốn. Chì buộc phải cắn bằng miệng. Chỉ có dùng miệng mới lăn tròn được miếng chì trên lưới mới khít cạnh, không bị mắc khi thả lưới. Người cắn chì cầm xếp chì lá trên tay, dùng kéo cắt thành từng miếng nhỏ chừng 1cm2 bỏ vào miệng rồi dùng răng cắn để gắn từng miếng chì vào lưới. Họ vừa dùng tay đưa lưới lên môi, vừa dùng lưỡi lừa từng miếng chì một ra răng cửa. Cả lưỡi lẫn răng cùng cuốn chì vào lưới và sau đó dùng răng đính chì lại thêm lần nữa để chắc hơn sự kết dính của chì và lưới. Vậy là đã xong một mảnh chì vào lưới. Thỉnh thoảng, họ nhổ một ngụm nước bọt nhễu màu xám đen ra nền đất. Trước đây, bà con không những tự làm lưới để đánh bắt cho hộ mình mà còn làm thêm cho các hộ khác và nhiều nơi trong vùng. Công việc độc hại nên những người làm nghề này đều có chung tình trạng là răng bị bào mòn, có màu đen, nhiều răng bị gãy hoặc rụng từ khi còn trẻ, nhiều trường hợp bị ngộ độc chì. Nhiều người khác thì bị loét dạ dày nặng do mạc chì bị lọt xuống dạ dày hoặc bị các bệnh viêm phế quản, thiếu máu… do tiếp xúc với chì trong thời gian dài. Ngày nay, ở xóm Trên của Ngư Mỹ Thạnh, có trường hợp ông Nguyễn Tiên cắn chì một thời gian rồi lại thở máy oxy. Ông được xếp vào hộ nghèo. Thân hình gầy còm, ốm yếu, khi mệt lại vào bệnh viện thở máy. Ông mắc chứng viêm phế quản nặng nhưng vẫn hằng ngày cắn chì mỗi lúc khỏe.

Neo thuyền trên phá.

Chuyện của dân làng Ngư Mỹ Thạnh không phải chỉ đôi trang mà hết. Đó là những câu chuyện dài bên bờ phá, những cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những đám cưới trên thuyền kết ấm cúng tình thân đã tô sáng cho vùng văn hóa Tam Giang.

Về lại Tam Giang, mỗi lần có dịp bên cây đàn guitar những người bạn tôi đôi lần hát bài Chiều trên phá Tam Giang như đánh dấu mốc hẹn hò vượt thời gian. Nhạc phẩm ấy của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, phổ thơ Tô Thùy Yên gần 50 năm trước, khi cuộc chiến tranh Việt Nam thương đau, ác liệt đã neo hồn người vào một bến đậu mộng mơ phũ phàng. Âm nhạc vượt lên tất cả, qua lịch sử, qua ý hệ, qua rào cản chiến tranh bằng chất hào hoa, trữ tình lay động đại chúng. Bài hát của hai người trẻ yêu nhau, xa nhau, nhớ nhau và luôn nghĩ tới nhau. “Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ, đến bất tận….” Hình bóng tình yêu đeo đẳng, gợi nhớ hoài hoài, ngự trị rõ nét trong tâm hồn, là nỗi nhớ ray rứt triền miên của một người nhớ về một người. Tác giả chỉ mượn cảnh để diễn tả nỗi nhớ nhung của mình ở ngoài tiền phương về người yêu nơi xa.

Tô Thùy Yên đi qua phá Tam Giang thấy bờ bãi hỗn mang, thấy dòng bát ngát. Thi sĩ cảm nhận được cát hôn mê và con nước miệt mài trôi. Tam Giang cho người nhớ câu ca dao sầu vạn cổ: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Trong nắng chiều giòn tan mặt nước, dưới nắng đọng sắc Hè để hiểu Tam Giang, để suy tư, hồi tưởng về nỗi niềm của cả một thế hệ thanh niên đi vào cuộc chiến, thử mộng trai hùng hay đu mình bên vực sâu vĩnh hằng.

Có ai biết rằng thứ tình yêu rắn rỏi, biết rõ thân phận hữu hạn trước lịch sử. Thơ ấy chối bỏ cái quá khứ quá yên bình, phản chiến vì hiểm họa đau thương. Nguồn thơ Tô Thùy Yên đạt đến một chiều kích siêu hình trong thân phận của một con người thông thường dính liền với đời sống như lời một nhà phê bình.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi

Như những mặt trời con thật dễ thương

Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi”

Từ đó đến nay không biết bài hát này đã được bao nhiêu người trong nước và hải ngoại tiếp tục hát lên. Nhiều người đã thắc mắc địa danh “Phá Tam Giang” là gì và ở nơi nào trên quê hương mình. Họ tự tìm hiểu và tự trả lời bấy nhiêu năm qua và có lẽ vì thế mà phá Tam Giang luôn được những người bạn xa mỗi lần về Huế muốn một lần đứng trước phá, lênh đênh trên con đò qua bãi ngang.

Chuyện của dân làng Ngư Mỹ Thạnh không phải chỉ đôi trang mà hết. Đó là những câu chuyện dài bên bờ phá, những cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những đám cưới trên thuyền kết ấm cúng tình thân đã tô sáng cho vùng văn hóa Tam Giang.

Năm 2019, nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả bài thơ được phổ nhạc cũng tạm biệt cuộc vui trần thế…

Tôi dậy thật sớm, đón bình minh lặng lẽ cùng những con đò ngủ muộn trên phá Tam Giang. Mặt trời lên nhuộm hồng mặt nước, nhuộm cả làng ngư gối đầu lên sóng mềm. Ngư Mỹ Thạnh ưỡn ngực bên đầm phá, với những đường gân nò sáo vươn dài, với mái tóc xanh rừng bần ngập mặn và lớp da thịt nhà cửa khang trang, rộng mở. Trời thơm, mặt nước cũng thơm lừng nôn nao. Có chú chim trắng bay là đà trên mặt đầm đón mặt trời ướt niềm câm lặng. Đến bây giờ tôi mới hiểu ý thơ Đức Sơn: “Làm sao hiểu hết? Tiếng con chim hót trên vùng đầm phá!”. Thấy lẻ loi kiếp người quặn thắt giữa mênh mông vô thường qua đôi dòng Phạm Nguyên Tường: “… Rồi một hôm mẹ làm con đò nằm xuống/ chòng chành giấc ngủ nước mây”. Và cũng nhận ra rằng Tô Thùy Yên còn mãi phơi những dòng suy tưởng cô liêu vì “thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi/ một cành mai nhị độ”.

Bài & ảnh: Lê Vũ Trường Giang

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục