Dưới bóng Cà Tang

Về lại Cà Tang, tôi may mắn được dự lễ mở cửa truông cùng dân làng nơi Khe Hộp. Là lễ khai sơn (mở cửa rừng) đầu năm theo lệ xưa đã bao đời nơi rừng núi xứ Nông Sơn, Quảng Nam này. Bệ thờ thần Rừng là phiến đá lớn bên con suối trong vắt.

Núi Cà Tang.

Hồi lâu rồi, tôi nghe ông Nguyễn Dậu người làng Khương Hạ kể, mỗi lần vào rừng, ông đều mang theo chai rượu và mấy thẻ nhang. Hôm nào quên là lội rừng quay về nhà lấy. Việc đầu tiên là rót rượu ra chén đặt trên phiến đá Khe Hộp, đốt nhang khấn thần Rừng và các vong linh liệt sĩ. Ông kể, không biết người khác ra sao, còn ông mỗi lần vào rừng là nghe “các anh” hát. Nhất là mùa tháng 5 tháng 6 âm lịch, gió Nam thổi, rừng đổ mưa dông, tiếng hát, tiếng nói chuyện nghe rất rõ. Trong chiến tranh, bộ đội ngã xuống ở nơi này rất nhiều. Tại Dương Trục, Khe Nhám, trại Cây Ớt, Hòn Than, Khe Hộp, Sân Banh…

Ông Dậu yên nghỉ dưới chân núi Cà Tang đã hơn mười năm nay. Còn phiến đá thiêng nơi Khe Hộp, dân làng cũng vừa góp tiền xây lên mấy bức tường với cái mái tôn che mưa nắng. Lễ vật khai sơn đơn sơ của làng không bao giờ thiếu bát chè đường và mấy tán đường đen. Trong lúc hương cúng còn chưa tàn, đám trẻ con đã được hưởng lộc trước. Còn “mâm cỗ” của người lớn trải dài trên những tấm vải nhựa trên nền đất, ai nấy lót dép để ngồi. Mâm cỗ làng đặc biệt giữa rừng thiêng. Bên những ly rượu gạo màu trắng đục, mà thơm nồng nàn không đứt…

Dưới bóng núi.

Ngồi nơi này, chợt nhớ tới truyện ngắn Con trâu xanh của Hoa Ngõ Hạnh. Kể về con trâu Xe dũng mãnh, mà trong mơ tưởng của cậu bé lên mười thường theo cha thả trâu kéo gỗ trong rừng, con trâu ấy có bộ lông màu xanh như con trâu mà ông thầy Giác đạo sĩ thường cưỡi hiện về dưới núi Cà Tang. Và “Khe Hộp rộng ba sào ghe, đá hộp to bằng bàn ăn cơm, nước sâu xanh ngắt như ngọc, trên bờ cây cổ thụ mấy người ôm tỏa bóng” là nơi con Xe thường mẹp nước, nghỉ ngơi. Thế rồi bữa ấy con trâu Xe bị tai nạn sa xuống vực chết tức tưởi. “Hai cha con chôn cất con Xe màu xanh ngay trong rừng. Hai cha con lủi thủi rời khỏi cánh rừng xanh buồn thảm. Dọc đường, tới Gành Leo tôi hỏi ba, con Xe màu xanh phải không ba? Ba nói, màu đen. Không bao giờ có con trâu màu xanh. Ngoài con trâu của thằng Cuội và con trâu ông thầy Giác…”. Làm gì còn huyền thoại trên cõi đời này!

Làng chài bên núi Cà Tang.

Hoa Ngõ Hạnh, tức nhà văn Nguyễn Minh Sơn là con trai của ông Nguyễn Dậu. Sơn cũng là bạn vong niên với tôi suốt mấy mươi năm qua. Tôi tìm thấy trong mỗi truyện ngắn của Hoa Ngõ Hạnh những huyền thoại đạm bạc dưới bóng núi Cà Tang này. Những câu chuyện thêu dệt cho tôi chiếc túi thời gian để cất giữ biết bao nỗi buồn.

Nhờ Sơn và truyện của Sơn, suốt chừng ấy năm tôi đi về dưới bóng núi Cà Tang. Bao phen dọc ngang nơi thượng nguồn Thu Bồn này, tôi chợt nhận ra đời người có những nơi chốn không bao giờ cũ. Như nơi này. Từ người đến cảnh lúc nào cũng ngời ngợi thân thương trong tâm trí, như chỉ cần với tay là chạm ngay được. Dẫu giữa cái “chạm tay” đó là những tháng ngày xa ngút.

Dưới bóng núi Cà Tang đến bây giờ vẫn in trong tâm trí những bô lão trong làng hình ảnh Bùi Giáng chăn dê. Người làng sẵn sàng chỉ cho bạn “đây là gò Lu, bãi thả dê xưa kia của Bùi Giáng. Còn kia là khu mộ họ Bùi …”, như một sử làng truyền miệng.

Mâm cỗ làng trong lễ khai sơn bên Khe Hộp.

Nơi đây ghi dấu “đoạn đời 15 năm chăn dê nơi núi đồi Trung Việt …” của trung niên thi sĩ họ Bùi. Nói “15 năm” là thi sĩ mượn tích Tô Vũ chăn dê bên Tàu để nói nỗi lòng mình, kỳ thực giai đoạn chăn dê, lùa bò ấy của Bùi Giáng chỉ vào khoảng vài ba năm. “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim/ Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín/ Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh/ Anh nằm xuống để nhìn lên cho thoả/ Anh thấy lòng mở rộng đón trời xanh/ Chim ngây ngất vào trong đôi mắt lả/ Anh lim dim cho chết lịm hồn mình …” (Anh lùa bò vào đồi sim trái chín – Bùi Giáng)

Dạo ấy cũng đã lâu rồi, ngót hai chục năm trước, về Hội An tôi may mắn được gặp một nhân vật đặc biệt là ông Phạm Văn Hòa trong ngôi nhà nhỏ gần bên chùa Cầu. Ông Hòa là em ruột bà Phạm Thị Ninh, người vợ đầu tiên và duy nhất của Bùi Giáng. Năm 17 tuổi, Bùi thi sĩ gặp gỡ và phải lòng cô nữ sinh thùy mỵ, xinh đẹp khi cả hai đang học ở trường Viên Minh (Hội An).

Năm 1945, hai người kết hôn xong cũng là lúc kháng chiến I bùng nổ, phải đưa nhau lên vùng núi Cà Tang tản cư. Để rồi ngày ngày, Bùi Giáng cùng người em vợ vào núi, vừa thả bò, chăn dê vừa đọc sách. “Dạo ấy chúng tôi thường thả dê ở Gò Lu, bầy nhiều cả trăm con. Gia đình khá nên chỉ nuôi chứ chẳng bán, cũng chẳng thịt. Anh Sáu Giáng thỉnh thoảng vắt sữa dê hâm nóng đưa cho cha mẹ và vợ. Đi chăn dê, ảnh mang theo cả gùi sách Tây Tàu, đọc miết“. Do phải trèo đèo lội suối tránh bom đạn, bà Ninh đã bị sẩy đứa con duy nhất của hai người. Rồi lam chướng núi rừng cuối cùng cũng đang tay cướp nốt người vợ nữ sinh phố thị của chàng thi sĩ, khi nàng mới tròn 26 tuổi. “Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên đường mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con…/ Đêm cuồng mưa khóc điên/ Trăng cuồng khuya trốn gió…/ Máu trong mình mòn ruỗng/ Xương trong mình rã riêng” (Bờ lúa – Mưa Nguồn). Bùi Giáng bỏ nguồn, bỏ quê Quảng Nam ra đi từ đấy, mang theo hình bóng người vợ trẻ đau đáu in dấu trong thi ca suốt trọn cuộc đời…

Đêm hát bội trong Dinh Bà, thôn Trung An, xã Quế Trung, Nông Sơn.

Khi xảy ra vụ chìm đò ở bến Cà Tang, tôi đang biệt phái làm việc ở Hà Nội. Tin tức dội về trên mặt báo. Suốt mấy ngày thẫn thờ, nghẹn thở. Buổi sáng cuối tháng 5/2003, những ngày cuối cùng của năm học ấy, 18 em học sinh đã vĩnh viễn ra đi khi chiếc đò chở các em đến trường bị lật úp giữa dòng. Bây giờ, bên bến đò ấy là ngôi miếu nhỏ luôn được người làng hương khói tưởng nhớ những đầu xanh tuổi trẻ. Và chiếc cầu bê tông đã được xây bên cạnh, từ sự quyên góp của người dân mọi miền chỉ thời gian ngắn sau vụ thảm nạn, chấm dứt cảnh đò giang cho người dân đôi bờ sông Thu.

Cũng dưới bóng núi Cà Tang về phía đèo Phường Rạnh là một Dinh Bà cổ kính, linh thiêng. Truyền thuyết kể lại Bà là nữ tướng từ mấy trăm năm trước, trong một trận đánh đã tử thương nơi này. Bà rất hiển linh, bao đời phù trợ cho dân làng thoát khỏi mọi tai ách. Nên có chuyện kể, thời bao cấp, trong phong trào “bài trừ mê tín dị đoan”, Dinh Bà nằm trong diện bị phá bỏ. Thế rồi hôm ấy từ trên núi Cà Tang bỗng có một đống lửa đỏ rực bay xuống gần Dinh. Thế là việc đập phá lập tức bị dừng lại…

Người làng còn nhớ giai thoại về cụ Tú Quỳ – danh sĩ, cũng là một Trạng Quỳnh xứ Quảng mấy trăm năm trước. Cụ Tú người làng Giảng Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc), không ra làm quan, ở nhà dạy học và… rong chơi! Giai thoại kể có lần cụ lên Phường Rạnh bẫy chim, nhử hoài nhưng không dính con nào. Cụ bèn vào Dinh Bà khấn lạy, xin Bà cho bắt được con chim có giọng hót hay nhất đàn, bù lại cụ xin trả hai bò và một chầu hát. Linh nghiệm lập tức, ngoảnh lại đã thấy một con chim hót líu lo trong lồng. Giữ lời, cụ Tú lập tức trả lễ bằng cách… bò quanh Dinh Bà hai vòng, vừa bò vừa hát bội!

Ngoài 90 tuổi, cụ Nguyễn Ngoạn ở làng Đại Bình vẫn trèo cây hái trái. Ảnh: Hoài Văn

Dưới bóng Cà Tang bên kia sông có ngôi làng Đại Bình nổi tiếng vì là “vựa trái cây Nam bộ” giữa lòng miền Trung. Nơi ấy cũng là làng đại thọ, với những cụ ông ngoài 90 tuổi vẫn thoăn thoắt leo cây hái trái, cuốc ruộng, cấy cày…

Núi Cà Tang nhìn sang phía Đông là núi Chúa với đỉnh Hòn Đền uy nghi. Ngọn linh sơn – nơi tựa lưng vững chãi và che chắn mưa gió, bão bùng cho Thung lũng thần linh là khu Thánh địa Mỹ Sơn. Từ đền tháp Mỹ Sơn nhìn lên, Hòn Đền trông như chiếc mỏ của chim thần Graruda, vật cưỡi của Thần Vishnu.

Còn từ thung lũng thần linh hướng về Cà Tang, chỉ còn thấy một chóp núi mờ phủ tràn mây trắng. Nơi chất chứa những “huyền thoại đạm bạc”, lưu giữ bóng dáng lớn lao của một mảnh đất người đời…

Bài & ảnh: Trần Tuấn

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

Cùng chuyên mục