Trà mai đãi người gặp may

“Trà mai” là thứ trà gì mà trước Nguyễn Trãi uống rồi sau Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng uống: “Khát uống trà mai hương ngọt ngọt”? Chắc không làm mất ngủ vì có thể uống ban đêm, có phải thực trà không?” (Thu Tứ *).

Năm năm trước, người viết may mắn được uống ké ba chung trà lạ, tại nhà ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Nhớ đời!

tra-mai-dai-nguoi-gap-may
Trà hồng mai cho chất lượng tốt nhất vào mùa Xuân.

Hạnh ngộ!

Bỗng nghe, tinh thần sảng khoái lạ thường. Và quan trọng hơn, hậu vị ngòn ngọt nơi vòm họng – cứ nấn ná hoài, cỡ vài ba tiếng sau mới tan dần. Hỏi ra mới biết đó là loại danh trà nổi tiếng, dành cho người thanh cao: trà mai.

(Ban đầu, nước trà trội vị đắng hơn các loại trà lài, trà sen thông thường khác, song thơm thanh thoát vô cùng. Kế nữa, nghe cảm giác trơn tuột nơi vòm họng.)

Đặc biệt, ẩn trong làn hương thanh mảnh nơi lớp khói trà, “nghe” (cảm giác) tựa như có dư vị của mùi rau đắng đất miệt Tây Nam bộ đang lảng vảng.

Tôi liền thắc mắc cùng gia chủ. Nhưng ông khoát tay lắc đầu, mỉm cười bí hiểm. Tôi cố hỏi thêm: có phải khi chế biến trà mai, người ta thường dùng gốc mai già, loại mọc trên đồi núi thanh tịnh, chẻ nhỏ, phơi khô, sao tẩm…  như lời đồn không? Ông vẫn lắc đầu và đáp gọn: “Bá láp!”.

Bù lại, ông rỉ rả kể về một giai thoại thật đẹp về trà mai, loại trà dòng tộc Nguyễn Phúc ưa dùng, vào những lần gặp sau.

Trà này, phải thu hái vào sớm mai, khi sương đêm còn nấn ná trên cành lá, nhổ cả gốc lẫn rễ. Đó là một loại cỏ giàu dược thực.”

Đặc biệt hơn, trà phải được canh hái vào mùa Xuân. Bởi lúc đó, cây đang trổ bông. Còn phải đợi đến đêm trăng tròn, người ta rắc đều ít muối hột lên bụi trà, trước khi thu hái, nhằm hóa giải lượng tạp chất, ẩn trong những giọt sương đêm.

tra-mai-dai-nguoi-gap-may
Cụm cỏ trà mai từ Phú Yên.

Theo ông Ưng Viên, loại cỏ trà kỳ trân này, mọc hoang dại khá nhiều, khắp triền đồi, gò đất cát từ miền Trung tới miền Nam. (Và cũng có thể, hiện diện rải rác khắp nước). Thế nhưng, ngày nay ít người biết cách ứng dụng nó; dùng làm thức uống, gia vị nhằm gia tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh ngặt nghèo, như: động kinh, cơ thể suy nhược…

Một thí dụ khác về công dụng “thần sầu” của trà mai là khử mỡ heo công nghiệp. Người viết cùng một số đàn anh đồng nghiệp ở TP.HCM, đã từng trải nghiệm. Lạ thay, phần mỡ nơi miếng thịt ba rọi co rút lại hơn phân nửa. Nó chỉ còn lại những viền giòn giòn thanh tân lạ thường. Đồng thời, lát thịt còn ngả màu phớt tím trông thật đẹp mắt. (Cũng nhờ công dụng của nước cốt trà mai với lá hồng dương), ăn căng bụng mà vẫn chưa “nghe” ớn ngán.

Trở lại chuyện đi tìm nguồn cội của dòng trà mai triều Nguyễn, những lần gặp sau, ông Ưng Viên vẫn thủ thỉ về thức uống tinh diệu này, chứ không thiết đãi nữa. Bởi đây là nguồn hàng quý hiếm, chủ yếu dùng hỗ trợ trị bệnh.

Theo đó, ông chọn những bụi trà mai trưởng thành, mọc hoang dại vùng đồi núi Phú Yên làm nguyên liệu. Do ông cho rằng, chúng chứa dược tính cao nhất nước, trong chủng trà mai.

Bởi mọc hoang, nên loại cỏ trà này vẫn bị sâu bệnh. Cộng sinh, có một loại chim sâu ưa nhảy nhót nơi những vạt trà mai, để tìm thức ăn, mỗi sớm mai. Thú vị hơn, hình ảnh cả bụi trà mai đương nở hoa và loài chim ấy, còn được vẽ cách điệu lên bình trà (bằng gốm) dùng để thưởng thức loại trà cùng tên vào thời Thiệu Trị, theo lời kể của ông Ưng Viên.

tra-mai-dai-nguoi-gap-may
Bình trà, có hình ảnh cách điệu bụi rau đắng đất miền Trung cùng chú chim sâu cần mẫn.

Thêm những lần thất hẹn do… quên, “món nợ” trà mai, vẫn không nguôi ngoai trong tôi. Thoáng cái, đã năm mùa mai vàng khoe sắc khắp trời Nam. Lần này, ông Ưng Viên chủ động gọi điện báo tin: sắp có trà mai, đúng hàng xứ Nẫu!

Còn thương rau đắng…

Tuy nhiên, do gửi đường hàng không nên gói trà mai nguyên liệu còn bị “đì-lây”, trễ mất một ngày.

Khỏi phải nói, tôi nôn nao cỡ nào khi chạy đi… diện kiến một loại trà cực hiếm vừa kể. Lúc tận tay, lần giở vài lớp giấy báo gói trà ra, mới vỡ lẽ thêm nhiều chuyện khác.

Thứ nhất, nó đích thị là giống rau đắng đất thường dùng ăn cháo cá lóc ở miền Tây. Tuy nhiên, do mọc nơi triền cát miền Trung, nên “vóc dáng nó nhỏ thó” cỡ phân nửa so với giống rau cùng loại trong Nam. Và lớp vỏ ngoài cọng rau cũng nổi màu hồng đậm hơn.

tra-mai-dai-nguoi-gap-may
Thường, lượng cỏ này được phối với hồng trà theo tỷ lệ: 6 – 4 hoặc 5 – 5

Thứ hai, muốn phát huy công dụng tối đa bất kỳ gia vị dược thực nào luôn phải biết kết hợp với một số nguyên liệu “trợ lực” khác. Cũng giống như chúng ta, phàm muốn làm chuyện gì hơi lớn một tí là phải cần sự gắn kết công sức của cả đội vậy!

Thế, đội nhóm của trà mai gồm những thức gì? – Lúc phối chế, cao nhân mới kết hợp nó với trà hồng (trà ủ hương hoa hồng), được sao tẩm theo lối thủ công mới đạt giá trị y thực cao nhất. (Giống hoa hồng này, trong Nam thường gọi hồng dây leo, còn ngoài Huế thì kêu tường vi).

Ông Ưng Viên còn cho rằng, dòng trà mai cung đình phổ biến thời Minh Mệnh, tuy nhiên, trước đó, thế tử Nguyễn Phúc Lang cũng đã dùng. Và ông phán đoán: “Chính trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ dạy nghệ thuật phối chế dòng trà tinh tế này cho những thân thần tài đảm của chúa Nguyễn Hoàng”.

Nếu quả đúng như vậy thì cây trà nói chung và dòng trà mai nói riêng đã góp công không hề nhỏ trong tiến trình mở cõi, tô điểm xứ Đàng Trong sau này.

Tôi chợt bừng tỉnh khi nghe thầy Ưng Viên chia sẻ thêm: “Hơn nhau là chỗ ứng dụng. Nếu biết khắc chế thì trở thành thiện dược. Ngược lại, sẽ là độc dược. Thuốc mọc sẵn ngay sau vườn, chân ruộng, vạt rẫy “sạch” của dân mình đó thôi!”

Công dụng chính của trà mai, giúp: giải độc, ngủ ngon, tiêu hóa tốt. Hỗ trợ trị các bệnh: khó ngủ, động kinh, hội chứng suy giảm trí nhớ (bệnh Alzheimer’s) với các loại dịch hạch, hóc xương… (theo y thực triều Nguyễn).

Bài & ảnh: Tạ Tri

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

 

(*): Lược trích lời luận bàn của tác giả Thu Tứ về bài thơ Đêm Nguyệt Trà Mai của Nguyễn Trãi. Nguồn:gocnhin.net

Cùng chuyên mục