Sân khấu kịch Sài Gòn kiên trì đi qua thời Covid-19

Mỗi năm, sân khấu kịch thường eo sèo vào mùa mưa, năm nay thêm dịch Covid-19 hành, tưởng chừng như thói quen ra rạp xem kịch của người Sài Gòn suýt nữa thì không còn. Vậy nhưng…

Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ sân khấu kịch là một trong những lĩnh vực hứng chịu nặng nề nhất ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, sân khấu kịch Sài Gòn, không hổ danh là nơi có sân khấu kịch năng động nhất cả nước, vẫn miệt mài bằng nhiều cách để có thể duy trì sàn diễn sáng đèn. Có thể nói, chưa bao giờ sân khấu của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lại rộn ràng nhộn nhịp như thời gian này, bất chấp không khí sân khấu kịch nói chung vẫn khá trầm lắng trong mùa dịch Covid-19.

san-khau-kich-sai-gon

Câu chuyện của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

Năm qua, sân khấu kịch kỳ cựu của Sài Gòn hay được gọi tắt thân mật là 5B này, bên cạnh các vở diễn cũ, các vở mới được dàn dựng ra mắt với nhịp khá thường xuyên như Tía ơi con lấy chồng, Bồ công anh, Công lý như mặt trời, Chạy…

Đã vậy, nhà hát còn tăng thêm tần suất sáng đèn của sân khấu khi dám cả gan thay đổi thói quen đi xem kịch của khán giả. Thời gian qua, hầu như các sân khấu kịch ở Sài Gòn chủ yếu sáng đèn vào 3 ngày cuối tuần, và 5B cũng thế. Nhưng bà bầu Mỹ Uyên, giám đốc nhà hát cùng ê-kíp của mình đã thử nghiệm một địa hạt mới dù không còn lạ với sân khấu kịch, đó là diễn kịch hài ngắn, từ hồi cuối tháng 10/2020. Đây là loại hình từng rất được ưa chuộng trên sân khấu kịch, ca nhạc tổng hợp thập niên 90, 2000, thậm chí có hẳn một tụ điểm sân khấu dành riêng cho hài.

Bên cạnh đó, 5B cũng chịu chơi khi lần đầu công diễn kịch vào buổi sáng. Lần đầu làm kịch thiếu nhi, nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lãnh luôn trọng trách khai phá một thói quen mới cho khán giả của sàn gỗ, lâu nay vẫn chỉ quen đi xem kịch vào các tối cuối tuần, đó là diễn kịch vào buổi sáng thứ 7 hằng tuần, từ 9 đến 10h sáng.

san-khau-kich-sai-gon

Đây là một sự thử thách không chỉ với thói quen thưởng thức kịch của công chúng, mà còn là một sự liều lĩnh có tính toán khi trong nhận diện sân khấu kịch, sân khấu 5B lâu nay vẫn chưa bao giờ là điểm để phụ huynh, gia đình nghĩ tới khi đưa con cái đi xem kịch. Các suất diễn lúc đầy lúc vơi, nhưng sự “xông pha” của nhà hát vào địa hạt thiếu nhi cũng cho thấy sự năng động, tìm kiếm nhiều cách để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn của những nghệ sĩ yêu nghề.

Nỗ lực tìm giữ khán giả

Nghệ sĩ Ái Như, một trong hai người cầm trịch của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh khi đưa lên sàn tập vở Bàn tay của trời, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lại. Chị vẫn miệt mài cho tập vở diễn mới nhưng cứ ngập ngừng không muốn thông báo sớm vì chưa bao giờ chị sợ nói trước bước không qua như thế. May mắn là mọi sự suôn sẻ và mấy tháng cuối năm sân khấu đều được sáng đèn.

san-khau-kich-sai-gon

Tính ra, sân khấu kịch cũng mất cả nửa năm tạm đóng cửa vì các đợt giãn cách xã hội. Nhưng khi được phép biểu diễn, là các sân khấu lại lao ra trong công cuộc tìm, kéo lại, duy trì thói quen đến sân khấu xem kịch. Bên cạnh các hoạt động tích cực tăng cường kết nối, giao lưu, quảng bá sân khấu kịch với các cơ quan đơn vị, trường học, giám đốc nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, NSƯT Mỹ Uyên còn thường xuyên kích hoạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá vé, tặng quà cho khách xem kịch… Hàng loạt các vở kịch, chương trình mới vẫn đều đặn lên kế hoạch thực hiện và trình làng không chỉ đúng tiến độ mà còn cho thấy sự phong phú kịch mục và năng động của ê-kíp nghệ sĩ của nhà hát.

Phải thừa nhận một điều rằng sân khấu kịch đang ngày mất khán giả nhiều hơn, nhất là sau các đợt giãn cách, khán giả dần mất thói quen đi xem kịch”. Nghệ sĩ Thành Hội tâm sự, khi nói về những lúc sân khấu kịch phải trả vé vì khách quá ít. Đạo diễn Ngọc Hùng, phụ trách sân khấu kịch Thế giới trẻ chia sẻ: “Năm qua do tình hình dịch, nên khán giả đến với sân khấu giảm 30%. Trước đây khán giả không ngần ngại bỏ tiền mua vé xem đi xem lại một vở kịch, nhưng giờ thì họ tiết kiệm hơn. Tình hình chung của xã hội, nên phải cố gắng vận động và suy nghĩ những giải pháp để giữ chân khán giả với sân khấu. Trước tiên là làm những vở diễn mới có chất lượng. Sân khấu không có tác phẩm thì sẽ không có khán giả.”

Khán giả của sân khấu kịch vẫn eo sèo, nhưng sự có mặt đều đặn của các vở diễn mới cho thấy tâm huyết không chỉ của những người làm kịch, mà còn cho thấy tình yêu nghề của các nghệ sĩ sân khấu vẫn kiên trì bám trụ bất chấp khó khăn. Suốt từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, những khó khăn đã khiến các thành viên của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ hun đúc thành câu nói như một slogan tâm huyết của họ: “Khó trăm bề, không bỏ nghề”.

Dù thế nào thì sân khấu vẫn sáng đèn. Cái khó không bó cái khôn, sân khấu kịch lâu nay được đánh giá là năng động nhất nước vẫn tiếp diễn với không khí của mùa kịch Tết, các sàn diễn lại rộn ràng chuẩn bị tập cho các vở mới như các năm trước đã từng.

Mùa kịch Tết năm nay, sân khấu kịch nào cũng góp mặt với trung bình hai vở mới. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dựng vở Chờ thêm chút nữa, và khai thác lại kịch bản nổi tiếng một thời Tướng cướp Bạch Hải Đường. Sân khấu Idecaf tuy chưa công bố chính thức nhưng cũng chắc chắn có ít nhất hai vở phục vụ Tết. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ là Tin thì linh không tin cũng linhTôi muốn làm hoa hậu. Riêng sân khấu Thế giới trẻ dựng ba vở: Vệ sĩ tình yêu, Âm mưu hoàn hảo, Lò võ tiếu tâm.

Đà Thư

Theo Ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục