Tình hoài hương
Nước non ngàn dặm, cách biệt quan san nhưng nỗi nhớ thương thì rất gần, gần như là hơi thở…
Bây giờ, có những người trẻ tôn thờ khám phá trải nghiệm, yêu thích một thế giới phẳng luôn mới mẻ hơn là luyến nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Chẳng quan san cách trở cũng chỉ muốn nhắn Xuân này con không về, chia sẻ hình ảnh một mình mẹ lặt lá mai đầy cảm động, rồi vi vu đây đó…
Anh là nhiếp ảnh gia nổi tiếng từ trong nước. Đến tuổi hưu anh sang Mỹ định cư cùng gia đình con cái. Đời sống tự do tự tại, anh rong ruổi với chiếc máy ảnh, quay quay chụp chụp hết vùng này đến vùng khác. Nghĩ, cũng đâu khác gì mấy so với ở quê nhà. Những góc máy vẫn đẹp, những thước phim có thể khiến người khác háo hức lên đường. Nhưng rồi một ngày anh nói, vài năm nữa, chắc anh quay về. Vì nhớ. Ở đây chẳng thiếu thứ gì, nhưng lại luôn thấy thiếu thứ gì đó, lòng cứ chông chênh, thân không bắt rễ. Ừ, thì về thôi, đi mãi mà làm gì nếu chẳng còn vui.
Chị nhớ mình đã mở đi mở lại bài Tình hoài hương của Phạm Duy trong cái Tết đầu tiên xa xứ. Những sông quê, chợ chiều, lúa thơm, bếp nồng làm mắt chị cay mùi khói. Giọng Thái Thanh khắc khoải, vút bay như muốn vượt trùng dương, có quê nhà của chị trong từng câu hát. Chị không phải người đầu tiên, cũng chẳng phải kẻ cuối cùng một mình khóc nỗi nhớ quê trong những đêm xứ người. Nhưng đâu dễ chịu đựng, đâu dễ quen ngay được. Một năm, rồi năm năm, nỗi nhớ lắng lại trong một hình hài khác, không cồn cào, không quay quắt, những u hoài ngày cũ xen với tình yêu nơi chốn mới, chị thôi mộng tưởng quay về. Khi chọn ra đi, chị cũng đã dặn lòng, vì tương lai những đứa con đang lớn từng ngày chị phải nhanh chóng thích nghi và phải biết tri ân quê hương mới. Thi thoảng, mở cánh cửa quá khứ để hoài niệm, để nghe những mùi vị quen thuộc xộc vào các giác quan, cho đỡ nhớ. Rồi thôi. Nhưng dù quay cuồng với nhịp sống mới, dù không gian hiện tại chẳng có gì gợi nhớ về quê nhà thì những bài ca cho người viễn xứ, hũ mứt gừng chị đặt bên cửa sổ thoang thoảng hương quê cứ lôi ngược chị về những tháng Chạp hanh hao ngày cũ…
Mấy năm trước có một nhà văn trẻ trước khi định cư ở xứ người đã cùng gia đình nhỏ của mình đi nhiều nhất có thể các vùng miền khắp đất nước, vì “Biết trước chuyến đi xa sắp tới, và có thể còn khá lâu nữa mới được đón Tết quê nhà, tôi đã níu nặng mỗi bước chân, bằng tất cả nỗi rưng rưng, không dễ gì tả nổi. Tôi muốn hai đứa con mình khắc ghi vào tâm hồn thơ bé của chúng không khí Tết quê nhà…”. Những chia sẻ có thể khiến kẻ ly hương nào cũng rưng rưng khi bản nhạc Xuân vang lên…
Khắp thế giới, những nơi nào có đông người Việt sinh sống, từ 23 tháng Chạp mọi người cũng cố gắng gói ghém thời gian, tiền bạc để vui một cái Tết cổ truyền. Cố gắng giữ một không gian thành kính, một chút hồn dân tộc, để người lớn cùng nhau vọng cố hương, để lớp trẻ lớn lên không quên quê cha đất tổ, dù đó là nơi họ từng lựa chọn rời bỏ.
Chuyện hoài hương của người viễn xứ thì kể bao giờ cho hết khi những cuộc ra đi vẫn cứ mãi tiếp diễn? Thời đại phủ lên những gam màu khác so với ngày xưa, so với hôm qua. Giờ thì, không phải cuộc ra đi nào cũng nhuốm màu ly biệt, không phải cuộc trở về nào cũng là đoàn tụ hân hoan.
Được cái Tết trùng dịp nghỉ cuối tuần, trong cuộc trà dư tửu hậu, có người cảm thán, “chiết tự” câu thơ vô đối của thi sĩ Bùi Giáng để san sẻ chút tình với người cùng cảnh:
đi về
đi ở
đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về…
Dù đi để về, đi để ở hay đi để tiếp tục đi thì trên hành trình ấy, quê nhà luôn là một chiếc thẻ căn cước vô giá, để biết mình đến từ đâu…
Nguyên An
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh