Đi hay Về?

Mỗi người có lý do riêng, quyền đi tìm cuộc sống tốt đẹp nhưng hãy sáng suốt để làm đúng và tránh những trả giá bi thương…

Đi hay Về đã là việc từ lâu, có khi ở một số quốc gia nữa chứ không chỉ là vấn đề của số người riêng lẻ. Từng giờ từng phút vẫn đang có người bị săn đuổi, thậm chí bị bắn chết khi vượt biên giới để vào Mỹ. Chiến tranh, nghèo đói gần đây ở Trung Đông, bức hình đứa trẻ nằm chết trôi dạt trên bãi biển đã khuấy động cảm xúc của nhân loại, và khi tin tức khủng khiếp tràn ngập về 39 người Việt Nam chết trong container khi nhập cư lậu vào Anh đã lại làm chấn động con tim thế giới và bùng nổ tranh cãi đúng – sai.

Đi hay Ở hay Về?

Theo Tổ chức di cư Quốc tế IOM, hàng năm có tới 100 ngàn người Việt Nam đi xuất khẩu lao động hoặc di dân, nằm trong Top 10 quốc gia có di dân.

Mà nếu kể kiểu “Nỗi lòng người đi” nữa thì nông thôn Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này. Những người trẻ rời nông thôn lên thành phố, đi làm ăn sinh sống xa quê nhà do kinh tế hoặc các điều kiện lịch sử. Vì thế trong văn học và nghệ thuật luôn có những tác phẩm nói về thương nhớ quê hương. Đứa con đi làm ăn xa, nhớ thương cha mẹ già, thèm bát canh mẹ nấu. Nhưng rồi có nhớ thương mấy, hết ngày nghỉ lễ tết lại rùng rùng kéo đi, thành những cuộc “hành hương” hàng triệu người.

Nhà Thiền nói, ra đi là tìm kiếm, thì trở về là thấy được.

Giới trẻ từng xôn xao chiến dịch “Đi để trở về” khi có giày Biti’s Hunter với những MV triệu view của Sơn Tùng…

Nhưng cuộc ra đi chết trong thùng container của 39 người Việt đau đớn hơn thế nhiều, nó lên cực đỉnh tình thương xót. Nhưng nó cũng “chia rẽ ý kiến” thể hiện trên mạng xã hội và những lời còm bên dưới các bài vở chính thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nào là người đi làm lậu có phải vì nghèo? Đáng trách vì hành vi gian lận vi phạm pháp luật làm nên hình ảnh xấu của người Việt. Hàng loạt bài điều tra, phóng sự, phỏng vấn kể lại nỗi kinh hoàng của vượt biên trái phép, về cuộc đời “rơm rác” chui lủi xứ người. Những ký ức kinh hoàng khi đến vùng đất hứa. Góc khuất làm ăn bị vắt kiệt sức lực, lạm dụng tình dục, có khi đổi bằng mạng sống. Rồi các thủ tục luồn lách kết hôn giả, lao động chui trốn thuế… Tất cả giờ đây được dịp phân tích hết.

Người ra đi có khi bị lừa, cũng có khi biết được thực tế cuộc sống xứ người cũng có vấn đề của nó chứ không phải toàn màu hồng, nhưng chỉ là ra đi với hy vọng cái gì đó tốt hơn, nếu không cho mình thì cho con cái. Cũng không ai khái quát được triết lý gì khi ở Việt Nam có gần trăm triệu người đang sống xây dựng đất nước – một đất nước còn lắm việc phải lo nhưng hòa bình, chẳng có bắn giết khủng bố và ở nhiều nơi cuộc sống vẫn đang tốt lên.

Nhà văn người Việt ở Mỹ Nguyễn Thanh Việt – giải Pulitzer, đã xuất bản hai tập sách về đề tài này. Cuốn Người tỵ nạn về chuyện di dân Việt Nam và gần đây nhất là Kẻ tha hương do ông chủ biên, tập hợp câu chuyện của nhiều di dân của nhiều quốc gia trên thế giới. Bao nhiêu là trải nghiệm và số phận vươn lên của con người trả giá bằng nỗi đau, mất mát và thay đổi. Nhà văn viết: “… Chúng ta cần ghi nhớ khi chúng ta ấp ủ hy vọng và ra sức vì một tương lai, nơi mà thứ quan trọng không phải là biên cương, mà là con người. Đây là loại ký ức, ký ức về lòng nhân đạo của chúng ta, và sự bất nhân của chúng ta, mà các nhà văn có thể khơi dậy”.

Vậy Đi hay Về? “Mỗi người một cách nhìn, chưa đi thử con đường của người khác thì đừng kết luận” hoặc “Nhìn số thống kê rồi hãy nói nha bạn, đừng đem một trường hợp cụ thể ra rồi khái quát một quốc gia” – là những câu “cãi nhau” thường thấy.

Vì thế, làm cho đất nước giàu mạnh là việc của các quốc gia phấn đấu thành nơi đáng sống nhưng Đi và Về là câu hỏi mở cho mỗi cá nhân. Mỗi người có lý do riêng, quyền đi tìm cuộc sống tốt đẹp nhưng hãy sáng suốt để làm đúng và tránh những trả giá bi thương bằng chính mạng sống.

Chẳng cần tranh cãi bất phân thắng bại, vì câu chuyện ở đây là trách nhiệm và tình thương.

Quảng Yên

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục