Tìm hướng đi cho sản phẩm làng nghề

Quảng Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại để giúp các sản phẩm của làng nghề ổn định đầu ra, qua đó tạo cú hích phát triển thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu.

Trăn trở từ làng nghề

Gắn bó với nghề mộc Văn Hà (xã Tam Thành, Phú Ninh) hơn 30 năm qua, cuối năm 2020, ông Bùi Văn Thu (thôn An Thọ, xã Tiên An, Phú Ninh) được Bộ Công Thương phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Cũng trong năm 2020, các tác phẩm “Người mẹ thời gian” và “Khát vọng tuổi trẻ” của nghệ nhân này được công nhận sản phẩm OCOP Quảng Nam.

Ông Thu cho rằng, danh hiệu là nguồn động viên lớn để tiếp tục quá trình lao động sáng tạo nhằm đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Tuy nhiên, ưu tư của ông là làm sao có thể vừa theo đuổi sáng tạo suốt đời vừa ổn định được đầu ra cho sản phẩm nghệ thuật của mình.

“Với tác phẩm “Người mẹ thời gian”, tôi tạo tác biểu tượng người mẹ quên mình, suốt đời lo cho chồng con, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, đấu tranh với giặc, góp phần đưa đất nước đến ngày độc lập, tự do. Còn tác phẩm “Khát vọng tuổi trẻ”, tôi khắc họa hình tượng người trẻ tuổi có hoài bão lớn, nỗ lực học tập, tiếp thu tri thức, thành tài và góp sức xây dựng quê hương, gìn giữ những cốt lõi, tinh túy các giá trị văn hóa. Rất vui là 2 tác phẩm được chính quyền huyện Phú Ninh ghi nhận, chọn làm quà tặng của địa phương đến các tỉnh thành trong cả nước” – ông Thu nói.

tim-huong-di-cho-san-pham-lang-nghe
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Thu trăn trở tìm đầu ra cho các tác phẩm, sản phẩm mộc mỹ nghệ của mình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ngoài 2 tác phẩm trên, nhiều sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Bùi Văn Thu liên tục được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, như điêu khắc tứ linh, 12 con giáp, tượng Phật Di Lặc, cá chép vượt vũ môn, tượng phật bà, lọ lục bình… Quan niệm “có thực mới vực được đạo”, ông Thu mong mỏi các tác phẩm, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đón nhận trên thị trường chứ không chỉ thu hút sự thưởng thức của giới sành nghệ thuật.

“Mỗi khi các cơ quan, ban ngành của tỉnh tổ chức trưng bày hay hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tôi đều tham gia, đưa sản phẩm của mình đến công chúng, người tiêu dùng. Hiệu quả là có nhưng chưa đạt như mong muốn nên tôi kỳ vọng có thêm điều kiện để quảng bá, bán sản phẩm điêu khắc gỗ của mình” – ông Thu cho biết.

Còn có rất nhiều sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Phước Kiều, mộc mỹ nghệ Đông Khương (Điện Bàn), mộc điêu khắc Kim Bồng (Hội An)… dù tinh xảo, giàu giá trị nghệ thuật nhưng khó bán trên thị trường.

Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng (làng nghề mộc Kim Bồng) cho biết, trong những năm qua, sản phẩm mộc mỹ nghệ, điêu khắc của làng nghề mặc dù được tỉnh, TP.Hội An hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhưng bán chưa được do thiếu nhân viên phụ trách chuyên nghiệp. Đến nay, các sản phẩm mộc chủ yếu được bán qua giới thiệu theo kiểu “tiếng lành đồn xa”, số lượng tiêu thụ không nhiều.

“Để phát triển nghề truyền thống, mong các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện xúc tiến thương mại hơn nữa để chúng tôi tìm được đối tác tốt, khơi thông thị trường, hướng đến xuất khẩu” – ông Huỳnh Sướng nói.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị quảng bá, kết nối sản phẩm làng nghề, góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam. Qua hội nghị, đại biểu đại diện cho các làng nghề đã chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề.

Đây cũng là cơ hội để các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ sở sản xuất làng nghề, nghệ nhân, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất giải pháp khuyến khích phát triển sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của vùng miền, tỉnh, thành phố trong cả nước; từ đó xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm, tạo chuỗi phân phối hàng hóa.

Nhờ đó, đã định hướng tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường cho các sản phẩm làng nghề trong thời gian tới cũng như đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề…

Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công – xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề là hết sức cấp thiết hiện nay. Giải pháp trước hết là ứng dụng thương mại điện tử. Bộ Công Thương đang triển khai dự án hỗ trợ các làng nghề ứng dụng thương mại điện tử trong bán hàng và xuất khẩu. Theo đó, các sản phẩm làng nghề sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử, có hình ảnh, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… Điều kiện để tham gia thương mại điện tử không khó, chủ thể chỉ cần cam kết chất lượng sản phẩm làm cơ sở thiết lập mạng lưới phân phối và tiếp cận thị trường trong, ngoài nước.

Để khơi thông đầu ra cho sản phẩm chất lượng của làng nghề, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tổ chức hội thảo, tọa đàm, có sự góp mặt của chuyên gia, nhà quản lý để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác ở làng nghề nắm được quy luật tiếp cận thị trường. Ngoài ra, mời sự tham gia của các doanh nghiệp để trao đổi, thỏa thuận, thương thảo ký cam kết, biên bản ghi nhớ với các chủ thể làng nghề, qua đó, đưa sản phẩm đến nhiều kênh tiêu thụ như trung tâm thương mại, khu du lịch, chuỗi siêu thị, nhất là xuất khẩu.

Việt Nguyễn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/thuong-mai-dich-vu/tim-huong-di-cho-san-pham-lang-nghe-108932.html

Cùng chuyên mục