Thủy và Joe

Joe Vo Scanlon – bệnh nhân người Anh: bị infantile sarcoma, tức ung thư mô mềm bẩm sinh. Võ Thu Thủy – bệnh nhân gốc Việt: ung thư vú. Mối quan hệ: mẹ và con. Tình yêu: lớn hơn chính cuộc đời họ.

Độc thoại

Cần nói ngay rằng hồ sơ bệnh án, liệt kê quan hệ, mô tả về tình yêu kể trên chỉ là những vỏ chữ giới hạn. Cũng ngắn ngủi như cuộc đời vậy. Cảm xúc từ chuyện của Thủy và Joe mới là khía cạnh nhân văn, lớn lao hơn cả tình yêu thông thường. Sự dũng cảm bật ra từ một cơ thể yếu đuối luôn có sức lan truyền và vọng âm qua mọi giới hạn.

thuy-va-joe
Gia đình Thủy – Paul – Joe

9 năm trước, Võ Thu Thủy 35 tuổi, lần đầu được làm mẹ. Đó cũng là sự sợ hãi tột cùng lúc nhìn hình hài con vừa chào đời: “Y tá bệnh viện tại Basingstoke đặt thằng bé lên người tôi để da kề da. Tôi suýt ngất khi thấy một khối u to bằng cái đầu và thâm tím trên đầu gối con.” Sau 10 phút da kề da với mẹ, người ta đưa Joe vào phòng theo dõi đặc biệt để đợi. Phải tới giờ làm việc hôm sau mới có bác sĩ khám cụ thể xem đây là khối u gì.

Hôm sau, ông bác sĩ có cái tên rất Nga xuất hiện, bắt đầu mở lời bằng giọng nhẹ nhàng. Nhưng ông nói đến đâu Thủy nức nở đến đấy: “Tôi rất lấy làm tiếc khi phải thông báo rằng con trai ông bà bị một khối u ác tính. Y học gọi là infantile sarcoma. Một bệnh rất hiếm gặp. Trên thế giới mỗi năm chỉ hai cháu bị, không may rơi vào con ông bà. Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Nhưng cháu còn quá nhỏ, không thể mổ lấy khối u mà phải truyền hóa chất ngay hôm nay. Hoá trị sẽ trong vòng 6 tháng. Sau 6 tháng, khối u nhỏ đi và cháu đã lớn hơn chúng tôi sẽ mổ cắt khối u. Mong gia đình hãy bình tĩnh, mạnh mẽ cùng chúng tôi giúp cháu qua được giai đoạn này.”

Hai ngày sau, vết mổ sinh con của Thủy bị nhiễm trùng vì hậu sản, phải cấp cứu. Cơ thể không còn chút sinh lực. Tinh thần trống rỗng. Trạng thái buông xuôi bắt đầu phủ xuống tâm hồn.

Paul Scanlon, chồng Thủy, kĩ sư công nghệ thông tin khi ấy phải chạy đi chạy lại giữa công ty và bệnh viện. Đau đớn, căng thẳng, tuyệt vọng nén thành cú sốc ấn Thủy xuống. Cô không chia sẻ chuyện này với bạn bè, người thân. Chìm trong quẩn quanh bất lực và cô độc, Thủy đi đi lại lại trong hành lang bệnh viện một cách vô định. Cái đầu trống trải cố gắng điều khiển một cơ thể rỗng. Cô gần như chỉ độc thoại.

thuy-va-joe
Thủy và Joe

Bỗng có tiếng khóc. Hay tiếng rên rất nhỏ từ đâu đó khe khẽ vọng vào lòng người mẹ. Chỉ sau một đêm, khối u đã to gấp đôi, chèn lên toàn bộ chân trái khiến bé Joe vô cùng đau đớn. Bác sĩ trực đêm liên tục kê thuốc giảm đau liều cao nhất, chỉ giúp một phần, hết thuốc Joe lại đau và khóc. Tiếng khóc không to toáng như trẻ mới sinh thông thường. Chỉ nghe ỉ ê, yếu ớt rất thương tâm.

Tiếng khóc ấy vực Thủy dậy. “Con đang đau đớn gấp vạn lần mình. Con cần mẹ ở bên. Mình phải mạnh mẽ để tiếp sức cho con.”

Đối thoại

Thủy không nhớ nổi trong 6 tháng đầu đời của Joe, bao nhiêu lần con phải truyền hóa chất. Nhưng tác hại hóa trị thì cô không thể quên. Biết bao ngày cô vội vã đặt con vào xe đẩy, bắt xe buýt đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương vì hóa chất tàn phá cơ thể Joe khủng khiếp. Uống sữa vào lại nôn ra. Joe mệt, quấy khóc, lả đi. Vừa chiến đấu với phản ứng hóa chất, Joe vừa phải chịu đựng vết đau ở đầu gối, vết mổ lên da non, ngứa gãi, chảy mủ, nhiễm trùng. Cơ thể Joe xanh xao, kiệt quệ, còi đến nỗi mẹ không dám đặt lên cân. Nhìn những đứa trẻ khỏe mạnh vui chơi quanh khu phố, Thủy ứa nước mắt. Vì sao cuộc sống quá bất công với con cô và gia đình cô. Thử thách còn tiếp diễn.

Đúng một năm sau, kể từ ngày sinh Joe, Thủy lên bàn mổ để cắt bỏ một bên vú.

Thực ra, trước khi sang Anh định cư, Thủy đã biết bị cục u ở ngực trong một lần đi soi chụp tại bệnh viện. Khi đó kết luận u lành. Kết hôn, rồi sang Anh, lo sinh con và chăm sóc con bệnh tật, Thủy quên mất cảm giác khối u dần to lên, đau hơn. Sau khi siêu âm, chụp chiếu, bác sĩ và y tá tiếp Thủy với khuôn mặt căng thẳng. Thủy nhớ lại cảm giác rợn người ấy “Họ muốn sinh thiết khối u.”

thuy-va-joe
Joe và Paul

Nhìn con ngủ ngon lành trên xe đẩy, Thủy thương Joe biết bao. Con còn chưa biết sống chết thế nào, đến lượt mẹ gần cửa tử là sao? Paul đi cùng Thủy đến viện nhận kết quả. Bác sĩ nói nhanh rằng kết quả sinh thiết khối u ác tính. Thủy chính thức bị ung thư vú. Khối u đã rất to, trên 5cm, bác sĩ quyết định sẽ khoét một bên vú, lấy thêm hạch nách để kiểm tra di căn chưa, đang giai đoạn mấy của ung thư.

Dù vẫn giấu bố mẹ, Thủy đã dám chia sẻ với anh, chị. Cô không còn độc thoại nữa. Hết con đến mẹ, chất chồng hóa chất. Nhiều lần, Thủy về nhà, chỉ đủ sức leo lên giường, rồi lịm đi. Chẳng biết trời sáng từ khi nào. Cô lơ mơ thấy bóng Joe đang ngồi cùng đống đồ chơi cạnh giường. Hình như Paul vừa lên phòng, thấy con chơi một mình, anh hỏi “Con dậy rồi à? Sao không đánh thức mẹ dậy.” Tiếng Joe gần như thì thào “Con muốn mẹ ngủ thêm.”

Joe bây giờ 6 tuổi, đã trải qua hai cuộc đại phẫu thuật. Chưa kể khoảng chục ca phẫu thuật nhỏ bổ trợ cho đại phẫu thuật. Trước cuộc đại phẫu năm 2019, Joe đã ý thức hơn nên hồi hộp cả đêm không ngủ. 5 giờ sáng cậu vào phòng gọi bố mẹ dậy, nhắc mặc quần áo chỉnh tề chuẩn bị vào viện. Tỉnh lại sau ca phẫu thuật dài 18 tiếng, Joe mắng bác sĩ: “Bác làm gì để tay chân con đau và nặng thế?”. Rồi Joe nhìn sang mẹ, nói “Mẹ thức cả đêm qua rồi nhỉ. Chắc mẹ mệt lắm? Mẹ nằm nghỉ đi”. Nghe lời con, Thủy chợp mắt, điện thoại để cạnh Joe. Đang mơ màng, cô nghe tiếng chuông, thấy Joe với tay bật speaker trả lời “Con ổn. Mẹ vừa nghỉ một lúc. Lát nữa bố gọi lại nhé, để mẹ ngủ.

thuy-va-joe

Sau đợt truyền hóa chất, Thủy ổn định một thời gian. Rồi ung thư tái phát. Paul, người có lẽ chịu đau đớn nhất về tinh thần, chỉ biết ôm vợ vào lòng, lặng lẽ khóc. Còn Joe đã biết về những cơn đau, dù chưa hiểu mức độ trầm trọng của bệnh. Cậu tìm cách thể hiện bằng hành động. Từ lúc 3 tuổi, vào mẫu giáo, chân Joe đau không bước dài được nên Thủy bế con từ chỗ đỗ xe vào trường. Đến cổng trường Joe yêu cầu mẹ thả mình xuống, chỉnh lại quần áo, cậu bé tập tễnh trong khí thế hùng dũng tiến vào cửa lớp. Vào tiểu học, trường cách nhà hai cây số, thêm cái cặp sách to sau lưng, chân thấp chân cao Joe đi bộ cùng mẹ đều đặn mỗi ngày. Thủy xót con, xin công xách giúp, Joe từ chối. Lớn rồi, ai để mẹ cầm cặp hộ cơ chứ. Tan học, thấm mệt, Joe gắng đeo cặp tới lúc gần tới nhà. Cẩn thận nhìn quanh không thấy ai quen, Joe mới để mẹ xách giúp, còn hỏi thêm “Mẹ ơi, con không phải người bình thường đúng không ạ? Con thấy cả trường mỗi con có đôi chân như vậy.

Thủy và Joe, thủ thỉ đối thoại. Họ cùng chuẩn bị tâm lí cho nhau và an ủi, chia sẻ công việc thường ngày như thế. Hai mẹ con còn đi siêu thị chọn đồ về bán. Joe mang theo cái xe scooter xinh xinh. Cậu giúp mẹ xách đồ, hàng nào nặng thì chất lên scooter. Thỉnh thoảng, các túi đồ rơi lịch bịch, Joe bé nhỏ kiên trì cúi xuống nhặt, tập tễnh đi tiếp. Cậu còn nhắc mẹ “Con không muốn giơ cái đầu gối của con cho mọi người nhìn đâu. Con không muốn mọi người thương hại.”

Ai có suy nghĩ đó, chắc cũng chỉ buổi đầu. Chứ tiếp xúc lâu hơn với Thủy và Joe, có khi lại chạnh lòng mà nghĩ “Không biết Thủy và Joe có đang thương hại mình không? Đứng trên đôi chân khỏe mạnh mà sao tinh thần sống của mình lại yếu đuối, suy nhược đến nhường này.”

Joe là cây nến hồng

Tôi cứ bị đôi mắt to, sáng và ấm sinh lực của Joe hút hồn. Tất cả dồn vào đôi mắt ấy. Lần đầu gặp Joe là dịp lễ Phục sinh 2018 tại Ba Lan. Cậu gầy nhỏ, lấp ló bên chân mẹ. Từ đó, tôi chưa ghé được London thăm mẹ con Thủy lần nào. Nhưng Joe và gia đình cậu đã lái xe sang Bỉ thăm tôi và nhóm bạn đồng niên hai lần. Những hai lần trong khoảng hơn một năm quen biết. Nói thẳng ra, bao người khỏe mạnh chắc gì dám mạnh mẽ đi và vui vẻ sống như Thủy và Joe. Hai tuổi Joe được mẹ cho về Việt Nam chơi. Cậu thích lắm, được gặp ông bà, họ hàng, được đi Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình… Ăn món ngon quê mẹ rồi, ngồi xe máy vi vu ba sáu phố phường rồi, Joe ngại gì chinh chiến châu Âu.

thuy-va-joe
Joe về thăm nhà bà ngoại

Lần thứ hai ghé tôi, đang chơi mặt Joe bỗng hồng lên. Thủy bảo Joe sốt rồi. Tôi sốt vó lo đi lấy kẹp nhiệt độ, tìm thuốc hạ nhiệt. Thủy và Paul vẫn bình tĩnh. Họ đo nhiệt, cho Joe uống thuốc. Họ không cuống quýt đòi về sớm. Joe vẫn được chơi tiếp, Thủy và Paul quay ra tiếp tục mạch chuyện rôm rả với bạn bè.

Có lí do sâu xa hơn ở đây. Thủy bảo lúc phát hiện ung thư vú, cô sợ không qua khỏi nên quyết tâm rèn cho Joe tính tự lập. Joe phải tự đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh. Khát tự lấy nước uống. Ngã tự đứng lên, mẹ không đỡ. Cái gì để trên cao Joe biết lạch cạch kéo ghế để lấy. Có mẹ ở cạnh, Joe cũng không nhờ. Thủy dạy Joe quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền làm ra. Nhìn mẹ đóng hàng Joe biết tiến lại, nhấc từng bọc hàng cho vào thùng. Thủy nói với Joe nhiều lần rằng Joe là đứa trẻ may mắn. Vì sao? Joe rất may mắn khi được bác sĩ giỏi ở Anh khám và chữa bệnh cho. Nhiều bạn nghèo hơn, ở nước kém phát triển hơn trong trường hợp này đã phải mất chân hoặc mất tính mạng rồi “Đó là đặc ân của cuộc sống, con không được phép chán nản, than phiền.”

Mà Joe có than phiền gì đâu. Hay lí sự thôi, ông cụ non mà. Đôi mắt Joe, và nụ cười nở trên khuôn miệng rộng tươi tắn của Thủy, là nguồn sinh lực đặc biệt. Gương mặt ửng hồng của Joe trong tiết trời bắt đầu se lạnh hôm ấy, bàn tay Paul đặt lên trán con, dáng Thủy cong cong rót thuốc đi thẳng vào tâm trí tôi, dò đúng dải sóng âm thân thương “ba là cây nến vàng/mẹ là cây nến xanh/con là cây nến hồng/ba ngọn nến lung linh/thắp sáng một gia đình.” Nhìn vào mắt Joe, ta thấy thương yêu người quanh mình hơn, ta biết ngừng tránh né, ta khao khát hành động. Và ta dám nghĩ về cuộc sống nhiều hơn là cái chết.

Joe đậu xuống cuộc đời Thủy và Paul, thắp lên nguồn sáng ấm áp cho gia đình bé nhỏ này. Nhìn con, và từ con, Thủy đối thoại nhiều hơn, cởi mở hơn, muốn chia sẻ vui buồn khó khăn nhiều hơn với người thân, với bạn bè. Tôi thấy cô không sống gấp, mà sống kĩ. Thủy yêu những dịp cùng cả nhà đi chơi, du lịch. Cô mê say tập yoga, chạy bộ, gặp gỡ bạn bè. Lên xe là bắt đầu hành trình mới. Có lúc Thủy cuống lên trong một tình huống xử lí kém, có Paul ngồi bên hướng dẫn vợ. Và từ hàng ghế phía sau vang lên giọng nói “Mẹ cố lên. Mẹ lái tốt lắm. Con rất thích mẹ biết lái thế này.” Joe cho Thủy sự bình tâm trở lại. Cứ thế, họ cùng nhau tiếp tục hành trình…

Bài: Kiều Bích Hương

Ảnh: Hằng Ross – Võ Anh

Cùng chuyên mục