Thơ chọn hướng thi dĩ tải đạo
Văn chương Đông Á ngày xưa quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ duyên tình”, nhưng ngày Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 năm 2019 trùng với một cột mốc đặc biệt trong lịch sử, nên thơ cũng chọn hướng “thi dĩ tải đạo”. Hướng về sông núi, biên giới, lãnh thổ… là chủ đề mà nhiều tỉnh thành năm nay chọn lựa.
Không khí của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 năm 2019 kéo dài từ ngày 15 đến 22/2/2019 trên cả nước. Chỉ một số địa phương chọn đúng ngày 19/2 (tức Nguyên tiêu) để tổ chức, còn lại “chủ động né nhau” để khỏi trùng sự kiện. Ví dụ Đà Nẵng chọn khai cuộc đêm thơ nhạc Khúc tráng ca biển vào lúc 19h30 ngày 17/2 tại Công viên Biển Đông.
Hướng về biên cương tổ quốc
Ngày thơ Việt Nam ở TP.HCM sẽ tổ chức đúng ngày Nguyên tiêu, diễn ra từ lúc 9h ngày 19/2 tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM, thời lượng dự kiến là 120 phút, với phần đạo diễn sân khấu do nhà thơ Trương Nam Hương đảm trách.
Với chủ đề Hướng về biên cương tổ quốc, TP.HCM chọn những bài thơ như Quê hương và người lính (Văn Lê), Điểm danh đồng đội (Phạm Sỹ Sáu), Chị (Huệ Triệu) và những ca khúc như Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa (thơ: Bích Ngân – nhạc: Trương Tuyết Mai)… để trình diễn. Nhà văn Bích Ngân nói rằng ý tưởng của TP.HCM năm này là tập trung vào chủ đề chính, với các bài thơ và ca khúc có chất lượng, để chương trình được ngắn gọn, hấp dẫn.
Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên (thường gọi Đêm thơ núi Nhạn) năm nay đã bước vào tuổi 39, khai cuộc đúng đêm Nguyên tiêu. Hàng năm đây là chốn của thơ tình yêu và quê hương đất nước chung chung, năm nay chọn rõ chủ đề Hướng về biên cương tổ quốc.
Ngày 19/2, Hội Nhà văn Việt Nam chọn thành Xương Giang (Bắc Giang) để khai mạc Ngày thơ Việt Nam cũng có ý gởi gắm một thông điệp lớn. Trong lịch sử, trận Xương Giang giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân đội Đại Minh vào năm 1427 là một dấu ấn đáng nhớ. Thắng lợi tại đây là nền tảng của công cuộc giải phóng dân tộc.
Quảng Ngãi, Bến Tre, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Huế… và nhiều địa phương nữa cũng cho biết chủ đề Hướng về biên cương tổ quốc được chọn lựa. Như vậy là, thi sĩ đâu chỉ có “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, mà khi cần, lập tức “thi dĩ tải đạo”.
Đi vào chiều sâu nhiều hơn
Ngày thơ tại Tây Ninh dành toàn bộ buổi sáng 19/2 cho phần trình diễn, buổi chiều nói chuyện chuyên đề Các trào lưu và thực trạng thơ Việt đương đại do Inrasara trình bày. Trong bài nói chuyện của mình, từ việc chỉ ra các khủng hoảng về sáng tạo, về người đọc và phê bình, Inrasara cũng trả lời câu hỏi thơ Việt đang ở đâu trong tương quan với thế giới.
Một trong các hoạt động mà Quảng Nam tập trung sâu nhất là tổ chức một trại sáng tác về thánh địa Mỹ Sơn, mà mục đích chính là xuất bản được một tập sách có chất lượng văn học. Đây là một đề bài khó giải, vì viết về một địa danh, một vùng đất không hề đơn giản, nhưng vẫn cho thấy nỗ lực đáng kể của Quảng Nam.
Tối 20/2 tại Hà Nội, Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra. Việc kết hợp các sự kiện như thế này là một cách để vừa tiết kiếm chi phí, vừa là dịp để nhiều nhà thơ, nhiều chuyên gia văn học quốc tế có thể ngồi lại để đưa ra những giải pháp, đề xuất cho thơ. Phía Việt Nam cũng đã kịp xuất bản 10 thế kỷ văn học Việt Nam, tuyển tập thơ Sông núi trên vai, tuyển tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tại Đà Nẵng, những người yêu mến Bùi Giáng làm riêng một đêm thơ giới thiệu những nhà thơ viết theo phong cách Bùi Giáng tại quận Cẩm Lệ. Họ cũng có tham vọng xuất bản một tuyển tập sáng tác và phê bình về các tác giả chịu ảnh hưởng phong cách Bùi Giáng tại Việt Nam.
Như Hà