Thiền có khó không?
Cuốn sách Thiền thật ra không khó là kinh nghiệm được đúc kết sau 30 năm hành thiền và chiêm nghiệm của tác giả Trần Luân Tín.
Trần Luân Tín kể rằng trước đây, ông vẫn thường nghe ba khuyên nhủ việc hành thiền, nhưng bản thân cứ mơ hồ, thấy nó không phù hợp mình.
Ông đã nghĩ thiền quá cao siêu, là ngồi tĩnh lặng chỉ hợp với tuổi già, thiền phải buông mọi thứ trong khi bản thân tác giả lại là người tập võ, và có nhiều việc phải lo lắng.
Trần Luân Tín bắt đầu học thiền từ năm 1992, khi nghe câu nói của ba: “Con cứ thử nếu thấy không hợp thì thôi, không sao cả. Ba tin thiền sẽ giúp cho con được nhiều đấy”.
Cuốn sách Thiền thật ra không khó là những chia sẻ được đúc kết sau 30 năm hành thiền và chiêm nghiệm của tác giả Trần Luân Tín.
Theo tác giả, mọi người đều có thể bắt đầu hành thiền. Thiền không cao xa mà rất giản dị, gần gũi với tâm thế của con người. Thiền cũng không đòi hỏi ở người hành thiền quá nhiều công phu.
Việc thực hành thiền khó đã được tác giả lý giải bằng một số lý do như: Hiểu thiền quá cao xa; Hiểu thiền quá sơ sài; Dựng nên hình ảnh ảo…
Cái khó không phải của bản thân thiền, mà là sự tự làm khó của người. Sẽ không khó nếu hiểu, hiệu quả của thiền bắt nguồn từ trong thân thể ta. Cảnh giới thiền cũng ở trong tâm trí ta, tức là ta tự khai thác mình bằng một cách thức, là ngồi thiền, chứ không phải vươn tới cái gì khác ngoài ta.
Theo Trần Luân Tín, ngồi thiền có hai việc phải thực hiện là buông tâm trạng và thả cơ bắp. Ai trong chúng ta cũng biết ngồi thiền thì tâm phải tĩnh, lòng phải rỗng để cơ thể và thiên nhiên giao hòa với nhau, dẫn tới khí huyết lưu thông.
Trong bài viết của mình, tác giả chỉ rõ mối quan hệ qua lại của tâm trạng và cơ bắp. Theo ông, hai điều này liên thông với nhau. Tâm trạng căng thì cơ bắp căng, cơ bắp căng thì tâm trạng căng. Buông được cái này, cái kia sẽ thả, mà thả được cái này thì cái kia sẽ buông.
Trong Thiền thật ra không khó, sau khi đưa ra cái nhìn tổng quan về thiền, cũng như cung cấp những kiến thức giúp người đọc hiểu về thiền, tác giả đã chia sẻ chi tiết những kỹ năng quan trọng để hành thiền.
Ông nhấn mạnh người hành thiền cần nhớ rằng cách thức không quá quan trọng. Trống rỗng là mục đích cuối cùng của cách thức, cho nên cách thức có thể linh hoạt để được mục đích cuối cùng.
Người hành thiền cần tin tưởng vào khả năng tự điều chỉnh của cơ thể mình. Đừng nghĩ xa xôi, hãy thực hiện một việc giản dị hàng ngày là cố gắng tạo cho mình những giây phút thư giãn, trống rỗng để cho cơ thể có điều kiện điều chỉnh và hồi phục.
Được viết bằng văn phong giản dị cùng cách triển khai khoa học, mạch lạc, người đọc có thể dễ dàng tiếp nhận và thực hành những hướng dẫn của Trần Luân Tín trong sách Thiền thật ra không khó.
Ông cũng khẳng định rằng việc hiểu biết bao nhiêu lý thuyết đều sẽ vô nghĩa nếu mỗi người không chịu thực hành. Theo ông, mọi người hãy chủ động vừa học về thiền vừa thực hành, và tìm ra cách hành thiền tốt nhất cho chính mình.
Thủy Nguyệt
Theo Zing.vn
Link nguồn: https://zingnews.vn/thien-co-kho-khong-post1164790.html