Thị dân và chuyện “tự do tùy tiện”

Nhân việc Hội An phục dựng để bảo tồn và đưa vào hoạt động tham quan di tích “Tam quan chùa Bà Mụ” (4.12) – sự kiện được nhiều người dân, du khách nức lòng chào đón, thế nhưng, sau niềm vui, dư âm vẫn phảng phất nỗi buồn.

Di tích “Tam quan chùa Bà Mụ”. Ảnh: HUỲNH QUỐC HẢI
Di tích “Tam quan chùa Bà Mụ”. Ảnh: HUỲNH QUỐC HẢI

Văn minh thị dân

Một nhà báo nói giá như mấy hộ dân còn lại “thuận thảo” di dời với mức đền bù của chính quyền thành phố thì cảnh quan di tích sẽ không “nhếch nhác”, tầm nhìn đỡ “bức xúc” bởi sự vướng víu hình khối, sắc màu mà cụ thể là những dây phơi  với đủ màu “quần con áo cái”… Buồn vì cảnh quan di tích đã được phục hiện với lối vào thoáng rộng, có hồ nước trong soi bóng tam quan, “cảnh cũ đường xưa” hiện hữu, gợi nhớ câu thơ “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, lại vướng chuyện “nhân bất hòa”…

Khi tìm hiểu để trả lời câu hỏi kiến trúc Đà Lạt vì sao đẹp, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng do người Pháp đã quy hoạch đô thị quá tốt, nhất là những quy định hết sức nghiêm ngặt về diện tích xây dựng nhà ở (diện tích bao nhiêu thì mới được xây), kiểu thức kiến trúc có phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung hay không – trong ý nghĩa kiến trúc riêng lẻ ấy có đóng góp gì cho cái đẹp chung của kiến trúc tổng thể hay không, rồi sau đó mới kể đến vật liệu xây dựng, quy mô xây dựng có phù hợp với quy hoạch đô thị hay không. Trong hiện tại, mặc dù đô thị đã mở rộng, đã phát triển theo hướng hiện đại nhưng ở những khu đã từng được quy hoạch, phong cách biệt thự – vườn vẫn là yếu tố làm nên phần hồn của Đà Lạt.

Có một điều mà những người làm công tác bảo tồn luôn quan ngại là sự đơn độc – đơn độc bởi không có sự hợp tác của các chủ sở hữu di tích hay chủ các kiến trúc vi phạm cảnh quan di tích mặc dù đã tuyên truyền, vận động hết sức cho lợi ích chung của cộng đồng sở hữu di sản. Nhiều người cho rằng, suy cho cùng cũng bởi tại mức đền bù chưa thỏa đáng nên người dân cứ kiên trì trụ bám. Nói vậy thì “bó phép” cho các nhà quản lý, bảo tồn, bởi các nhà quản lý, bảo tồn di sản chưa được luật pháp cho phép có một cơ chế quản trị di sản đặc thù như đối với di sản văn hóa Hội An. Mặt khác ai cũng biết, di sản văn hóa là vô giá, vậy thì làm sao đền bù nổi cho sự vô giá nếu không có sự thuận thảo về mặt đạo đức công dân, trong ý nghĩa “một người vì mọi người”, một nét đẹp ứng xử văn hóa, văn minh muôn thuở của con người.

Có góc nhìn rằng những người sống mà chỉ biết có quyền lợi bản thân, ứng xử tùy thích theo cái tôi vị kỷ của mình là sống theo lối “tự do hoang dại” và “điều ấy chỉ có trong một xã hội phát triển thấp” (Lương Khải Siêu). Thị dân ở các nước phương Tây cho rằng đó là lối sống “tự do tùy tiện” rất dễ bị pháp luật “sờ gáy” bởi với họ, “suy tư triết học” thường trực của thị dân luôn có ba điều “tất định” – không thể trốn tránh đó là “bệnh tật (phải chết), nghĩa vụ thuế và quy hoạch hay chính sách đô thị”. Nhà khoa học người Nhật lại cho rằng lối sống tùy tiện chỉ có ở người thiếu hiểu biết “vì không có tri thức, không có năng lực tự thức tỉnh” (Fukuzawa Yukichi). Bình tâm hơn, những người chủ trương “khoan dung văn hóa” lại cho rằng, vấn đề do sự thiếu hụt của xã hội trong việc dạy cách “học làm người”, rằng con người chỉ hoàn thiện bản thân thông qua sự liên đới với người/người khác – như cách nói của cụ Tản Đà “mình với ta tuy hai mà một/ ta với mình tuy một mà hai”. Ngay cả lối sống “độc thiện kỳ thân” (chỉ lo một mình mình tốt) dẫu là tích cực vẫn chưa đủ cho một cộng đồng tốt đẹp, nhân ái.

Hãy là người tử tế

Lại bàn đến “sự học”. Trước bao nhiêu sự kiện bất cập của ngành giáo dục (như chuyện “thương cho roi cho tát…” xảy ra liên tiếp vừa qua), rất nhiều ý kiến bàn về việc xã hội ta chưa đặt định được một triết lý giáo dục hợp thời như mục đích của việc đào tạo là gì, sản phẩm của giáo dục là gì, chung quy là việc dạy cái gì, học cái gì, học để làm gì? Một học sinh cấp tiểu học hiện nay cũng có thể trả lời được vấn đề cốt lõi của việc học rằng học để biết/để có tri thức về mọi thứ. Học sinh trung học có thể luận về “tài và đức” ở một con người được gọi là hoàn thiện. Với  người từng trải thì suy nghĩ về giáo dục thông thường nhất vẫn là nhờ có giáo dục mà xã hội có được người tài, người hữu dụng hay có ích (ích nước, lợi nhà). Vậy thôi, có tài, hiển nhiên rồi, nhất là thời đại khoa học “công nghệ  4.0”,  nhưng “gay” nhất vẫn là “người hữu dụng”, “hữu dụng” trong bối cảnh là người phải biết liên kết, phối hợp với người khác, với cộng đồng, trong ý nghĩa biết tương tác một cách tương thích với cộng đồng, buông bỏ lối “tư duy hoang dại”, lối sống “tôi muốn sống theo kiểu tôi, ai cấm được tôi” để hình thành nên một xã hội có lề luật, một xã hội có tương lai, một cộng đồng phát triển bền vững.

Người viết bài này vừa dự tang lễ một người bạn, người bạn bình sinh chỉ làm một quan chức cấp xã, tài năng cũng “thường thường bậc trung” nhưng có cái đức là bạn tự biết mình, tự biết mình “đang ở đâu, đang làm gì và mình là ai”. Sau những lời tốt đẹp nhất trong điếu văn do đồng nghiệp soạn, người viết thực sự cảm thán lời cám ơn của người con gái của bạn khi nói về lời dạy của cha – cũng là “tài năng” đáng ghi nhận nhất của cha, là dạy con “rằng dù bất cứ hoàn cảnh nào con hãy cố gắng làm người tử tế”…

Một số người sống theo lối nghĩ “hy sinh đời bố củng cố đời con” – một đời chỉ chăm chắm lo tích trữ tiền của, tài sản để lại cho con cháu nhưng không bao giờ có suy nghĩ đầu tư cho con cháu học hành để con cháu mai ngày ít nhất cũng biết “sử dụng” di sản thừa kế một cách “tử tế”. Làm thế nào để con người “ngộ” ra, tài sản lớn nhất của con người suy cho cùng vẫn là một nhân cách hoàn thiện mà cốt lõi vẫn là sự hiểu biết, lòng nhân ái, sự khoan dung…

“Hãy là người tử tế”. Muốn “tử tế” (thực hiện chu đáo từ việc nhỏ nhất) cần có tâm, có tâm thôi chưa đủ, người “tử tế” phải có tài. Lời cụ Khổng dạy trong Luận ngữ vẫn hữu ích “có nhân mà không học thành ngu, có trí mà không học thành kiêu ngạo, có tín mà không học thành tổn hại mình, có trực (ngay thẳng) mà không học thành ngang ngạnh, mất lòng người khác, có dũng mà không học thành làm bậy, có cương cường mà không học thành cuồng bạo vậy…”. Như thế, việc học để thành người tử tế khó lắm ru…

Phùng Tấn Đông

Theo Báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục