“Thấy người sang bắt quàng làm họ”
Nhiều người – có thể sẽ là đa số nếu như khảo sát, nghĩ câu tục ngữ cổ xưa này nhằm để phê phán một ai đó làm một việc mà không kể gì đến đúng sai, cứ vơ quàng, nhận quàng. Nhưng điều lý thú của trí tuệ dân gian Việt là ở khía cạnh hai mặt của một vấn đề, không bao giờ chỉ nói một ý, chỉ đứng một “mặt trận”.
Giàu và sang là hai tính chất được xã hội coi trọng. Giàu là có nhiều tiền bạc, của cải, sở hữu; sang là địa vị cao quý trong tập thể. Giàu là vật ngoại thân. Sang là tính chất tiềm ẩn nội tại trong phẩm chất, tư cách, cá tính, hàm dưỡng, tự tu học, tự đào luyện để đạt tới những giá trị, những tiêu chí. Giàu sang (hoặc phú quý) là ham muốn, là ước mơ của nhiều người tha thiết với vật chất và thứ bậc. “Phú quý sinh lễ nghĩa”.
Tục ngữ Việt Nam có câu phân tích về nguyên nhân của giàu sang, đó là “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Giàu vì bạn là nói người có giao thiệp rộng, có nhiều người cộng tác để có thể khởi nghiệp, làm ăn, kinh doanh nên có thể buôn tận gốc, bán tận ngọn và thu được lợi nhuận suốt chiều dọc của ngành nghề và chiều ngang của xã hội.
Sang vì vợ có nghĩa chính là dòng họ của người nữ mới là nấc thang của cộng đồng hôn nhân, vốn thường xây dựng trên sự ngang bằng của hai bên, cả về địa vị xã hội, dòng dõi gia tộc, thậm chí cả về trình độ trí thức, giáo dục. Họ hàng là tiếng chỉ tổng quát, trống không về bà con, dòng dõi. Trong lề lối căn bản về xây dựng gia đình và xã hội, đám cưới giữa họ trai (hoặc họ nội) với họ gái (hoặc họ ngoại) là nấc thang đầu tiên, rất quan trọng. Một người giàu có thể đơn độc, nhưng một người sang trọng thật sự thì thường có cả tiêu chí gia đình bề thế, êm ấm phía sau.
Có những câu tục ngữ làm rõ nghĩa này, như “Ai giàu là họ, ai khó là người dưng”, hoặc: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Và cả biến nghĩa: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”.
Những sắc tộc ít người ở miền núi, ở Tây Nguyên còn giữ chế độ mẫu hệ, cũng như đồng bào Khmer, Chăm-pa… ở đồng bằng. Trong xã hội theo chế độ mẫu hệ, vai trò người mẹ được tôn trọng.
Thí dụ trong xã hội Chăm-pa, đến tận ngày nay và thậm chí trong cả những gia đình định cư ở phương Tây, con gái mới chính thức làm hôn nhân trở thành bền vững và được thừa nhận. Họ mẹ được gọi là bên nội, họ cha là bên ngoại; người mẹ đứng tên và cai quản bộ phận thiêng liêng nhất là nơi chôn cất (kút). Vậy, “Thấy người sang bắt quàng làm họ” chủ yếu là nói về hôn nhân của cả hai bên dòng tộc, mà vai trò của phái nữ, của nhà gái, của họ ngoại giữ một sự quan trọng nhiều hơn.
Người Chăm-pa và người Khmer có tục ngữ diễn tả về việc đến gặp mẹ của người vợ tương lai, thay vì đi hỏi vợ, xem mặt vợ… như thường thấy. Một trong những dấu tích mẫu hệ trong người Kinh Việt Nam là tục ở rể, tức là mẫu cư (ở bên nhà mẹ vợ).
Ca dao Việt Nam (gốc Thanh Nghệ Tĩnh) có bài:
“Công anh làm rể có tài
Một mình ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo anh chết khát theo cà nhà em”.
Đây cũng là tục lệ của xã hội mẫu hệ Do Thái từ thời 300 năm trước Công nguyên, khi Jacob ở rể bảy năm, nhưng lúc kết hôn lại bị đánh tráo cô chị. Thế là Jacob phải ở thêm bảy năm nữa mới kết hôn được với cô em Rachel, người trong ý tưởng cầu hôn.
Từ khi tiếp xúc với phương Tây hiện đại, hôn nhân tự do và chủ nghĩa cá nhân được đề cao nên tiêu chuẩn “môn đăng hộ đối” cũng như chế độ kết hôn theo kiểu đại gia đình bị phê phán và giễu cợt, nhất là trong phong trào Tự lực văn đoàn ở nửa đầu thế kỷ 20.
Trong khi câu tục ngữ “Thấy người sang bắt quàng làm họ” thường được áp dụng chủ yếu cho xã hội Việt Nam từ thế kỷ 19 trở về thời Hai Bà Trưng, đầu Công nguyên. Họ ở đây thường là họ bên nhà trai trong xã hội theo chế độ phụ hệ và quan niệm trọng nam khinh nữ.
Nhưng cũng có thể là dấu vết để nghĩ về cuộc ly hôn và chia con trong huyền sử, giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân. Rõ ràng trong chuyện này, dấu ấn mẫu hệ khá rõ ràng, khi mà các con trai của Âu Cơ đều có công có danh rạng rỡ trong xã hội, còn các con trai của Lạc Long Quân thì gần như vô danh. Giả dụ, nếu anh em dưới biển lên thăm anh em trên rừng, vì xa cách phong thổ, khác biệt địa vị giàu sang lâu ngày, không “Thấy người sang bắt quàng làm họ” thì còn gì.
Một trong những bí ẩn của lịch sử và văn hóa Việt Nam là nhờ đâu chúng ta giữ được bản sắc dân tộc và không bị Trung Quốc đồng hóa sau gần một ngàn năm lệ thuộc. Bí ẩn này sẽ có phần sáng tỏ khi chúng ta suy ngẫm về nền tảng mẫu hệ lộ diện và ẩn tàng của Việt Nam trong nhiều ngàn năm trước Công nguyên, tức là trước thời Hai Bà Trưng và Bà Triệu.
Dấu vết của chế độ mẫu hệ này được lưu giữ trong bài ca dao cổ:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
Ngẫm về “ăn đêm”, về quan hệ giữa “con cò” với “cò con” trong bài này cũng giống như khi ta tìm hiểu về bí quyết giữ bản sắc của người Do Thái, dù họ bị đế chế La Mã đô hộ, hủy diệt, làm cho phân tán khắp châu Âu, châu Á, châu Phi từ đầu thế kỷ 1. Mãi đến năm 1948 họ mới được Liên Hiệp Quốc dành cho mảnh đất Israel để tái lập quốc gia. Một người Do Thái cho biết rằng họ thừa nhận một người là Do Thái nếu mẹ là dân Do Thái, còn người cha là không đáng kể. Đây là cách phòng ngừa bị thanh lọc chủng tộc khi địch quân tàn sát hết đàn ông và cưỡng bức phụ nữ. Chỉ cần những đứa con sinh ra còn giữ đạo Do Thái, nói được tiếng Do Thái và có người mẹ là dân Do Thái, thế là “nước trong”, thế là đủ không “đau lòng cò con”.
Cũng tương tự những người mẹ Do Thái, những người mẹ Việt trong suốt chiều dài lịch sử đã giữ được thế “nước trong” để kháng sự thành công sự đồng hóa của Trung Quốc. Họ – cũng như bà tổ Âu Cơ trong huyền thoại – không phải là những “người sang” thì còn ai vô đây nữa, “bắt quàng” với họ thì việc nên làm quá chứ.
Nguyễn Tiến Văn
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh