Thanh Sơn đưa cải lương tuồng cổ đến Pháp
Khán giả được biết thêm về sự độc đáo của nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam, từ đó hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt
Sau hơn một tháng tham gia giảng dạy nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Madapa và Trường Nghệ thuật ARTA tại quận 13, thủ đô Paris (Pháp), nghệ sĩ (NS) Thanh Sơn đã làm rạng danh gia tộc tuồng cổ Vĩnh Xuân – Bầu Thắng – Minh Tơ – Thanh Tòng trên đất khách.
“Đi lại con đường 35 năm trước của anh tôi”
Về đến nhà, điều đầu tiên NS Thanh Sơn làm là thắp nén hương trên bàn thờ gia tộc. Anh nhớ đến NSND Thanh Tòng – người anh thứ năm trong gia đình – đã ươm mầm cho anh tiếp nối con đường vừa làm thầy vừa làm diễn viên, đạo diễn, soạn giả như chính NSND Thanh Tòng đã phấn đấu. “35 năm trước, anh tôi đã đến Pháp, đã từng đem nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam giới thiệu đến bạn bè thế giới. Hôm nay, duyên may đã đưa tôi đến nước Pháp, được Giám đốc Milena Salvini của Trung tâm Văn hóa Madapa và 2 vị chức sắc Trường Nghệ thuật ARTA là Lucia Bensasson, Jean Francois mời tham gia biểu diễn 5 suất, đồng thời giảng dạy một lớp diễn viên gồm 16 thành viên đến từ nhiều quốc gia: Pháp, Chile, Ý, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc… Chưa bao giờ tôi cảm thấy tự hào với chuyến đi này như thế. Được tiếp tục làm công việc anh tôi đã từng làm, đó là truyền bá những tinh hoa của sân khấu truyền thống Việt Nam đến bạn bè thế giới” – NS Thanh Sơn xúc động kể.
Sớm có ý thức nối nghiệp anh mình, trở thành hậu duệ của một đại gia tộc cải lương tuồng cổ có đến 6 đời theo nghề hát, NS Thanh Sơn đã thật sự thăng hoa trong nghề, khẳng định vị thế nối nghiệp, làm tốt phận sự chăm lo thế hệ diễn viên trẻ khi họ có ý muốn học diễn tuồng cổ. Đến hôm nay, anh có thể thay anh mình “đem chuông đi đánh xứ người”, tạo mối giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc qua việc biểu diễn, giảng dạy cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu nghệ thuật cải lương tuồng cổ của Việt Nam.
Tự hào tuồng tích lịch sử
Đến Pháp lần này, chính NS Thanh Sơn không ngờ mình lại được đón tiếp quá nồng hậu. Khán giả kiều bào và người nước ngoài đến xem, cổ vũ cho 5 suất diễn giới thiệu những nét đẹp độc đáo của cải lương tuồng cổ Việt Nam, ca ngợi lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước của ông cha. “Khán giả kiều bào và nước ngoài đến xem 5 suất diễn đều tán thưởng. Họ yêu quý nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam, nhất là cải lương tuồng cổ loại hình vận dụng những sáng tạo về trình thức biểu diễn của hát bội, bộ môn sân khấu cổ truyền kết hợp vũ đạo, võ thuật và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại” – NS Thanh Sơn tự hào kể lại.
Tôi (tác giả bài viết) đã từng đến Trung tâm Văn hóa Madapa ở quận 13, Paris tham dự chương trình biểu diễn của GS-TS Trần Quang Hải và GS âm nhạc Phương Oanh, biết được trung tâm này rất trân trọng nền văn hóa nghệ thuật của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Họ sẵn sàng chào đón các NS đến giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về bộ môn nghệ thuật sở trường của mình. Chính vì thế, 16 sinh viên đến từ nhiều quốc gia được NS Thanh Sơn hướng dẫn đã có một buổi báo cáo trên sân khấu về trình thức vũ đạo của cải lương tuồng cổ Việt Nam.
“Tôi đã dạy họ múa “Tứ thiên vương” của hát bội, múa roi ngựa của cải lương tuồng cổ, ngâm bài thơ “Nam quốc sơn hà” bằng tiếng Việt. Trong số đó có diễn viên Lê Tiến (34 tuổi) – cháu ngoại của cố NS Hữu Phước (cha của danh ca Hương Lan) – đã thọ giáo tôi, diễn vai Hồng Xích Nguyên, vai diễn nổi tiếng của tôi trong vở “Bão táp Nguyên Phong”. Các bạn đến từ nhiều quốc gia đã bày tỏ sự vui sướng khi được biết thêm về sự độc đáo của nghệ thuật cải lương tuồng cổ Việt Nam. Từ đó, họ hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn văn hóa của dân tộc ta” – NS Thanh Sơn bày tỏ vui mừng.
NS Thanh Sơn còn cho biết với bài “Lý cây bông”, ông đã hướng dẫn sinh viên của nhiều quốc gia thể hiện trên nền nhạc này những vũ đạo và võ thuật, đồng thời tập hát bằng tiếng Việt. Họ say mê luyện tập và nhận được nhiều lời khen ngợi qua suất diễn báo cáo.
Chương trình của chuyến đi này đã được VTV4 – Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình và phát phóng sự. Với NS Thanh Sơn, anh tâm nguyện sẽ tiếp tục làm rạng danh gia tộc bằng sự nỗ lực không ngừng, để thế hệ diễn viên trẻ vận dụng những bài học quý mà phụng sự nghiệp Tổ, ca ngợi công lao to lớn của các anh hùng dân tộc đã xả thân vì giang sơn gấm vóc.
Xứng danh hậu duệ Minh Tơ
NS Thanh Sơn theo nghề của cha mẹ là Minh Tơ – Bảy Sự, từ năm 7 tuổi (SN 1962, tại Sài Gòn). Ban đầu, anh cũng phải làm quân lượm tiền, cầm cờ chạy hiệu, bắt ngựa, dọn cảnh… rồi học cả đánh trống, làm đèn, chỉnh âm thanh, đạo cụ, hậu đài… Năm14 tuổi, anh mới được cha giao cho vai diễn đầu tiên, cùng với NS Bạch Long diễn vai Quang Bình – Châu Xương trong vở “Quan Công đại chiến Bàng Đức”. Những năm 1990, Đoàn Tuồng cổ Khánh Hồng – Minh Tơ tan rã, Thanh Sơn làm nghề cho thuê âm thanh và ánh sáng, đồng thời đi diễn cho Ban Ái hữu NS TP HCM, Đoàn Sông Bé 2, Đoàn Huỳnh Long, Đoàn Kim Hương, Nhà hát Trần Hữu Trang… Anh có một số vai diễn nổi tiếng được nhiều người trong nghề nể như: Hồng Xích Nguyên (vở “Bão táp Nguyên Phong”), Triệu Văn (vở “Tô Hiến Thành xử án”), tướng giặc (vở “Bến nước Ngũ Bồ”… Từ năm 2006, anh được mời về giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. NS Thanh Sơn là người dàn dựng vũ đạo lớp diễn Ngũ Hổ tướng trong vở “Nỏ thần” của Sân khấu Kịch Hồng Vân khi tham gia Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010, vở này đoạt huy chương vàng. Ông bầu Thắng có 8 người con, 5 người trong số đó theo nghiệp gia đình và đều là những tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực hát bội: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. NS Thanh Sơn là con trai út của nghệ nhân Minh Tơ và NS Bảy Sự. Anh còn có các anh chị em đều là NS: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh và Xuân Thu. |
Thanh Hiệp
Theo Người Lao Động