Người Sài Gòn tròn mắt với múa bóng rỗi, ngạc nhiên chơi bài chòi

Đây là hai trong những bộ môn nghệ thuật dân gian gây ấn tượng nhất với khán giả trong khuôn khổ Festival Nghệ thuật dân gian lần 1/2019. Đây cũng là lần đầu tiên hai bộ môn này xuất hiện trên phố đi bộ Nguyễn Huệ giữa trung tâm Sài Gòn.

Với Festival Nghệ thuật dân gian lần thứ nhất diễn ra trong 3 ngày 13,14,15/4/2019 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, lần đầu tiên, người dân Sài Gòn cũng như du khách được chứng kiến nhiều loại hình diễn xướng được trình diễn ngay trên đường phố. Các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian từ nghệ nhân ba miền cùng tụ về trong chương trình này như múa Xuân Phả, múa Chăm, múa bóng rỗi, múa tắc xình, hát Then, hát quan họ, hát bài chòi, hầu đồng… Ngoài việc thưởng lãm cảnh quan truyền thống, xem biểu diễn, khách tham dự còn được hòa mình vào các trò chơi đặc trưng của mỗi miền. Trong đó, khán giả đứng chật kín tại không gian của các nghệ nhân hát bài chòi và múa bóng rỗi.

Nằm ở vị trí không mấy thuận lợi, gần cuối đoạn đường được dùng làm nơi diễn ra festival, nhưng có lẽ như vậy hóa hay, khi gian bài chòi thu hút khách bằng cái sự lạ lần đầu tiên xuất hiện tại đây theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.
Là di sản phi vật thể văn hóa thế giới, nhưng không phải lúc nào bài chòi cũng có dịp tiếp cận được khán giả phương xa, nhất là ở giữa trung tâm của Sài Gòn như thế này.
Những ngạc nhiên, thắc mắc chung thường gặp nhất  là: cái này là trò gì; chơi làm sao; có khó không; tôi nghe không hiểu gì cả làm sao biết mà chơi; có vẻ giống chơi bài chòi ở Hội An, hình như cũng giống như chơi lô tô;  tại sao lại có cái mõ tre này… Hẳn nhiên, những thắc mắc dễ thương và chính đáng này lần lượt được đội bài chòi giải đáp và hướng dẫn nhiệt tình.
Cứ thế, gian bài chòi mỗi lúc một  níu chân khách đi ngang qua, mỗi lúc một đông khách dần lên và thậm chí cả người nước ngoài.  Trông không khác gì một  buổi chơi bài chòi ở miền Trung, chỉ có khác là mấy cái chòi dựng lên không ai tha thiết ngồi vào trong mà xúm đen xúm đỏ ngay cạnh những người hát bài chòi một cách háo hức.
Theo như lời người trưởng nhóm, họ sinh hoạt trong câu lạc bộ bài chòi của trung tâm văn hóa Phú Nhuận, cũng đã được 15 năm. Hơi tiếc, có lẽ do phục vụ liên tục và khá lớn tuổi, lại bị hạn chế nhất định về âm thanh, nên giọng hát của một số nghệ nhân trong chương trình này chưa được rõ và sinh động như người ta thường thấy ở nhiều nơi khác.
Bài chòi vốn là trò chơi dân gian của người dân miền Trung, nên việc mỗi nơi, mỗi địa phương có một vài hình thức thể hiện hơi khác đi một chút âu cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là câu trả lời cho những ai thắc mắc vì sao từng du lịch Hội An, chơi bài chòi mà không thấy có mõ tre-dùng để gõ hiệu lệnh khi có bài trúng như ở đây.
Sau tất cả những thắc mắc, bỡ ngỡ, người Sài Gòn rất hào hứng với bài chòi và không quên vào mạng xã hội để live stream ngay lập tức.
Nếu như gian bài chòi thu hút người xem theo kiểu mưa dầm thấm lâu, thì các màn biểu diễn múa bóng rỗi níu chân du khách ngay lập tức vì những hình ảnh biểu diễn rất ấn tượng của các nghệ nhân.
Tại không gian văn hóa Nam Bộ  được dựng ở phố đi bộ, các nghệ nhân múa bóng rỗi đến từ Long An đã thể hiện nhiều màn trình diễn đặc sắc, thậm chí gay cấn…như múa ghế, múa mâm vàng, giữ thăng bằng hai chiếc đĩa trên đầu kiếm…
Đi cùng tín ngưỡng thờ Bà, múa bóng rỗi, qua thời gian, còn thâu nhận thêm các yếu tố văn hóa Chăm, Hoa, Khmer. Trong quá trình lịch sử hàng trăm năm, nó đã tích hợp được nghi lễ văn hóa khác như hát theo lối đọc kinh của đạo Cao Đài, đạo Phật…
Tham gia Festival năm nay là nhóm múa bóng rỗi Ngọc Hùng của nghệ nhân Lê Minh Hùng. Anh cho biết, mình theo múa bóng rỗi từ năm 17 tuổi, đến nay đã hơn 50 năm.
Theo đuôi nghề này, ngoài đam mê, nghệ nhân cần có sức khỏe, sự khéo léo, can đảm và một chút “liều”… mới thăng hoa được với nghề.
Và trong nhiều trường hợp, phải biết vượt qua nhiều định kiến của dư luận về ngoại hình và lối phục sức.
Tiết mục gây ấn tượng và cả hồi hộp nhất đối với khán giả là nuốt rắn. Anh luyện tập trong nhiều năm, với chú rắn nuôi đã lâu của mình. Độ khó và li kỳ lên đến đỉnh điểm khi anh không chỉ hôn rắn, mà còn ngậm rắn trong miệng và cho nó quấn quanh cổ mình.
May mắn anh chưa từng gặp sự cố khi biểu diễn với “thú cưng”. Những show diễn như thế này có mức giá khoảng một vài triệu đồng trở lại, không cao so với những gì mà các nghệ nhân múa bóng rỗi đã bỏ công sức tập luyện.
“Làm nghề cực, nguy hiểm nhưng đam mê ngấm vào máu. Mỗi khi nhạc lễ nổi lên, khán giả vây kín chung quanh là tôi quên hết mình là ai. Tôi cứ thăng hoa theo tiếng nhạc, theo tiếng vỗ tay, những lời hò hét của khán giả mà say mê thể hiện tất cả những gì mình có. Nếu chẳng may chết trong lúc đang biểu diễn, tôi cũng cam lòng” – nghệ nhân Lê Minh Hùng tâm sự. Nên cũng dễ hiểu vì sao anh lại ngẫu hứng đem cả chiếc thuyền cạnh sân khấu rất nặng lên thử làm đạo cụ biểu diễn!
Việc đưa các hình thức diễn xướng dân gian ba miền ra trình diễn trên đường phố vào khuôn khổ một Festival đâc trưng như thế này là điều đáng trân trọng, nhất là khi kinh phí bỏ ra lên đến hàng chục tỉ đồng. Festival Nghệ thuật dân gian Việt Nam với chủ đề Chung tay giữ hồn dân tộc do Công ty TNHH Văn phòng Festival tổ chức, dự định sẽ diễn ra đình kỳ mỗi năm một lần.

Bài và ảnh: L.M.Hạ

Cùng chuyên mục